Mở rộng thị trường năng lượng tái tạo

Tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững.

Điện gió cần được phát triển mạnh mẽ hơn (Trong ảnh: Trạng trại điện gió Trung Nam, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử.

Điện gió cần được phát triển mạnh mẽ hơn (Trong ảnh: Trạng trại điện gió Trung Nam, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Công Thử.

Nhiều tiền đề chuyển dịch năng lượng xanh

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), hệ thống năng lượng đang có xu hướng chuyển từ hóa thạch sang tái tạo, chuyển từ nguồn hữu hạn (than, dầu, khí, uranium) sang vô hạn (ánh sáng mặt trời, gió, sinh khối, địa nhiệt).

Tại Quy hoạch điện VIII, về nguồn điện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo so với trước đây (điện gió trên bờ tăng từ 16.000MW (11%) vào năm 2030 tới 56.000MW (14,4%) vào năm 2045; điện gió ngoài khơi tăng từ 7.000MW (4,8%) vào năm 2030 lên tới 64.500MW (16,6%) vào năm 2045; điện mặt trời quy mô lớn tăng từ khoảng 8.700 MW (6%) vào năm 2030 lên tới 76.000MW (19,6%) vào năm 2045).

Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng sẽ giúp Việt Nam giảm tải được áp lực về môi trường và tránh phụ thuộc vào bên ngoài đối với thủy điện, nhiệt điện, dầu khí và điện hạt nhân.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế và công nghiệp đang phát triển tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về nhu cầu tiêu thụ năng lượng, với tốc độ tăng trưởng khoảng 10 - 12% hàng năm. Do vậy, để tránh tình trạng thiếu điện cục bộ và tăng cường an ninh năng lượng, việc chuyển dịch năng lượng đang là mục tiêu quan trọng, vừa đảm bảo nhu năng lượng cũng như an ninh năng lượng, vừa là giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu.

Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam đang trong cuộc, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Những năm qua, đặc biệt là 4-5 năm gần đây, đầu tư cho năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) ở Việt Nam phát triển vượt bậc. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126MW, chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam.

Sử dụng hiệu quả năng lượng

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết ngành dệt may đã tiếp cận với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ điện áp mái, điện mặt trời từ rất sớm… Điều này đã đem đến nhiều lợi ích doanh nghiệp, đặc biệt khi dệt may là một trong những lĩnh vực tiêu thụ điện lớn.

Việc phát triển điện mái, điện mặt trời giúp doanh nghiệp dệt may không chỉ tạo ra các chứng chỉ xanh cho hàng hóa mà còn giúp giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

PGS.TS Phạm Hoàng Lương - nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội, Giám đốc Viện KN&CN quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, ĐH Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước và còn nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp hiệu quả năng lượng. Theo đó, 3 mục tiêu chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam gồm: an ninh năng lượng; cung cấp năng lượng với chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường.

"Việt Nam cần xây dựng chiến lược giảm phát thải thông qua chuyển dịch năng lượng nhằm góp phần cùng cộng đồng quốc tế đạt được trung hòa carbon vào năm 2050. Đồng thời, ứng dụng, phát triển công nghệ năng lượng tái tạo và giải pháp hiệu quả năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm ở Việt Nam sẽ là một nội dung quan trọng trong Chiến lược giảm phát thải dài hạn ở Việt Nam" - PGS Lương nói.

Thực tế cho thấy, chuyển dịch năng lượng xanh đi đôi với việc cần nâng cao năng lực và trình độ công nghệ của ngành năng lượng; nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ năng lượng. Tiếp theo cần cải thiện hành lang pháp lý, đồng bộ các quy định và luật để thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển thị trường năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, đẩy mạnh trình độ khoa học công nghệ để vận hành, làm chủ các công nghệ liên quan đến năng lượng sạch, ít phát thải… Bên cạnh đó phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện; thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng, miền; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây truyền tải điện liên miền.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mo-rong-thi-truong-nang-luong-tai-tao-10283392.html