Mở rộng thị trường ngoài nước cho hàng Việt

Thời gian qua, doanh nghiệp Việt đã nỗ lực rất nhiều trong việc tận dụng hiệu quả các FTA mang lại, để có thể thâm nhập và đưa hàng Việt vươn xa hơn trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, để có sự phát triển bền vững, trong năm 2022, các doanh nghiệp (DN) cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa việc xúc tiến thương mại (XTTM) tại thị trường ngoài nước một cách linh hoạt, thiết thực, hiệu quả để rộng đường hơn nữa cho xuất khẩu (XK) hàng hóa Việt chinh phục thị trường.

Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 18 diễn ra tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tháng 9/2021.

Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 18 diễn ra tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tháng 9/2021.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và phục hồi sản xuất kinh doanh, ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh các hoạt động XTTM và đầu tư với mục tiêu hướng đến là giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước cùng một số thị trường ngoài nước tiềm năng.

"XK hàng Việt Nam qua hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam được xem là một kênh hiệu quả, bền vững, cũng có thể gọi là ''XK tại chỗ" bởi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài không chỉ có hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại liên tục được đầu tư mở rộng ở các thành phố lớn trong và ngoài nước, mà còn dẫn đầu về chuyển đổi sang hình thức mua sắm trực tuyến. Vì vậy, ITPC đã chủ động phối hợp với các tập đoàn này tổ chức các hội nghị, hội thảo tạo cầu nối cho DN gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm thị trường mới cả trong lẫn ngoài nước," ông Lữ nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại các thị trường ngoài nước, Cục XTTM và các Thương vụ Việt Nam đã rất tích cực tổ chức và quảng bá hàng Việt, kết nối thị trường, hỗ trợ DN tăng cường XK vào các thị trường. Đơn cử, ngày 7/4/2022, Cục XTTM và Thương vụ Việt Nam tại Nigeria sẽ phối hợp đồng tổ chức Phiên tư vấn XK sang thị trường Nigeria. Chương trình sẽ diễn ra trực tiếp tại thành phố Hải Phòng kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook Cục XTTM.

Tại Phiên tư vấn, ông Trần Hùng Cường - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nigeria sẽ trực tiếp chia sẻ tới các DN Việt Nam những thông tin cập nhật về tình hình, xu hướng thị trường, những quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của thị trường Nigeria đối với một số sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm... "Mặc dù tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Nigeria vẫn ở mức khiêm tốn so với tổng giá trị nhập khẩu của nước này nhưng có thể thấy, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam còn nhiều dư địa để đẩy mạnh XK sang Nigeria, nhất là với các mặt hàng nông sản và thủy hải sản. Thị trường Nigeria không quá khắt khe đối các mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng", ông Trần Hùng Cường cho hay.

Bên cạnh thị trường 200 triệu người tiêu dùng của Nigeria, hàng hóa XK của Việt Nam còn có thể tiếp cận thị trường các nước thuộc Cộng đồng kinh tế Tây Phi mà Nigeria là thành viên khi các quy định, tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu giữa thị trường các nước là khá tương đồng.

Đổi mới công tác xúc tiến thương mại

Năm 2022, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ phục hồi, nhu cầu tiêu dùng sẽ gia tăng. Đây là cơ hội cho sản xuất và XK tiếp đà tăng trưởng. Để tận dụng cơ hội này, hoạt động XTTM cần tiếp tục được đổi mới, chuyển đổi số để phát huy vai trò cầu nối giao thương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, để hỗ trợ và đồng hành cùng các địa phương, các ngành kinh tế và DN giảm thiểu khó khăn, chủ động xây dựng chiến lược và thực hiện các biện pháp phát triển kinh doanh quốc tế phù hợp trong những điều kiện thị trường mới, Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hằng quý hội nghị giao ban XTTM với các thị trường ngoài nước. Đây là cơ hội cho các hiệp hội ngành hàng trao đổi về khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động XTTM, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cùng các địa phương, hiệp hội và DN sẽ cùng tìm ra những biện pháp XTTM hiệu quả.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động XTTM phù hợp với bối cảnh thị trường và đạt hiệu quả cao, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt cho rằng, hoạt động XTTM cần tiếp tục chuyển đổi số mạnh hơn, đồng thời đẩy mạnh trên nền tảng thương mại điện tử để nối lại và phát triển chuỗi cung ứng sau đại dịch.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), mong muốn: Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài truyền tải thông điệp Việt Nam là trung tâm chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới; kiên quyết phát triển ngành công nghiệp gỗ bền vững với nguồn nguyên liệu sạch, hợp pháp.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/mo-rong-thi-truong-ngoai-nuoc-cho-hang-viet-i649494/