Mở rộng tín dụng ưu đãi, kỳ vọng gỡ khó cho nhà ở xã hội

Sau gần hai năm triển khai, gói vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được khoảng 3.400 tỷ đồng, dù lãi suất đã giảm đáng kể về mức 6,1%/năm.

Bộ Xây dựng vừa gửi báo cáo tới Quốc hội, cập nhật tiến độ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề. Trong đó, một nội dung đáng chú ý là tình hình giải ngân của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, triển khai từ tháng 4/2023.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Xây dựng, đến nay mới có 38 trong tổng số 63 tỉnh, thành công bố danh mục 97 dự án đủ điều kiện vay vốn. Tổng số tiền đã giải ngân đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, riêng trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 550 tỷ đồng.

Phân tích chi tiết cho thấy, các ngân hàng đã cho chủ đầu tư của 21 dự án vay khoảng 2.940 tỷ đồng, trong khi người mua nhà ở xã hội tại 19 dự án được vay gần 460 tỷ đồng.

Lãi suất vay trong chương trình ưu đãi được thiết kế thấp hơn 1,5-2% so với mặt bằng trung – dài hạn của bốn ngân hàng thương mại nhà nước. Từ tháng 7/2023 đến đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã năm lần điều chỉnh giảm lãi suất của gói tín dụng này. Hiện tại, mức lãi vay dành cho chủ đầu tư giảm từ 8,7% xuống còn 6,6%/năm; với người mua nhà, mức lãi suất đã hạ từ 8,2% còn 6,1%/năm.

Dù lãi suất đã giảm hơn 2 điểm phần trăm so với thời điểm khởi động chương trình, nhưng tiến độ giải ngân vẫn bị đánh giá là chậm. Bộ Xây dựng cho rằng một trong các nguyên nhân là do nguồn cung nhà ở xã hội trên thực tế còn quá ít. Ngoài ra, không ít chủ đầu tư vẫn chưa đủ điều kiện vay vốn vì chưa đáp ứng yêu cầu về dư nợ hoặc tài sản đảm bảo.

Để tháo gỡ các vướng mắc này, Bộ Xây dựng đã đề xuất cần tiếp tục rà soát lại quy trình công bố dự án đủ điều kiện vay vốn tại các địa phương. Đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép phần tín dụng dành cho người vay mua nhà ở xã hội không bị tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng chung của ngân hàng.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị nhanh chóng thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội để tạo nguồn vốn dài hạn, góp phần đẩy mạnh việc triển khai các chương trình nhà ở phục vụ an sinh.

Dù lãi suất đã được điều chỉnh giảm, nhưng tâm lý của doanh nghiệp và người dân vẫn chưa thực sự quan tâm đến gói vay 120.000 tỷ đồng. Tại các địa phương, dù đang tích cực triển khai kế hoạch phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 theo chủ trương của Chính phủ, nhưng tốc độ triển khai vẫn chậm.

Một nghịch lý đang tồn tại là trong khi người dân và doanh nghiệp đều gặp khó về tài chính thì ngân hàng lại khẳng định không thiếu vốn. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn cung dự án khiến người có nhu cầu mua nhà không thể tiếp cận được gói vay, còn doanh nghiệp thì vướng về thủ tục và điều kiện tài chính.

Tại một diễn đàn bất động sản tổ chức hồi tháng 3, ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước – cho biết thu nhập của nhiều người dân bị sụt giảm do khó khăn kinh tế, dẫn tới việc dù có nhu cầu mua nhà nhưng chưa thể ký được hợp đồng với chủ đầu tư. Vì thế, chưa thể tiếp cận khoản vay. Ông cũng cho biết Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát tình hình và sẽ đề xuất cơ chế mới để đẩy nhanh chương trình này.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng kỳ vọng vào một gói tín dụng thương mại, dù có ưu đãi, là chưa đủ để hoàn thành mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Ông lý giải, với cơ chế lãi suất khoảng 8% kéo dài trong 3 năm đầu và sau đó trở lại mức thị trường, thì đây vẫn là một bài toán khó cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Theo ông, tâm lý "chưa mặn mà" là điều dễ hiểu trong bối cảnh hiện nay.

Trước thực tế đó, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn nữa với các ngân hàng thương mại tham gia chương trình, để đẩy nhanh tốc độ xét duyệt, cho vay và giải ngân. Đồng thời, cần đảm bảo các điều kiện về lãi suất ưu đãi, thời gian vay phù hợp với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

BN

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/mo-rong-tin-dung-uu-dai-ky-vong-go-kho-cho-nha-o-xa-hoi-98918.html