Mở rộng việc phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố Hà Nội
Sáng 29/5, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, đơn vị để rà soát, góp ý hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội.
Nhiều điểm mới về phân cấp, ủy quyền
Thông tin tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến cho biết Chính sách 1 đã được Chính phủ thông qua là “Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực hiệu quả”. Theo đó, tại Chương II dự thảo Luật quy định về Tổ chức chính quyền Thủ đô tại Thành phố Hà Nội (từ Điều 8 đến Điều 18). Chương này tập trung quy định về mô hình chính quyền đô thị tại Thủ đô; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND các cấp của Thành phố Hà Nội, theo đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các chủ thể này trong một số lĩnh vực.
Cụ thể, về mô hình chính quyền đô thị tại Thủ đô, không tổ chức HĐND phường (hiện đang được thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14); bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội. Tăng cường tổ chức bộ máy của HĐND Thành phố (kế thừa, bổ sung quy định tại Nghị quyết số 160/2021/QH14).
Dự thảo Luật quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội; HĐND, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã; UBND, Chủ tịch UBND phường với 03 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn. Riêng đối với nhóm nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ, dự thảo Luật có những quy định cụ thể về phân quyền cho HĐND, UBND thành phố Hà Nội, HĐND, UBND thành phố thuộc thành phố Hà Nội.
Đáng chú ý, liên quan tới phân cấp ủy quyền, điểm d khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật quy định UBND thành phố Hà Nội phân cấp hoặc ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thành phố Hà Nội cho các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc thành phố Hà Nội. Các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc thành phố Hà Nội được ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho UBND hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có thể ủy quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức hành chính khác trực thuộc UBND thành phố Hà Nội.
Như vậy, dự thảo Luật quy định ngoài việc thực hiện việc ủy quyền theo nguyên tắc chung quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì dự thảo Luật này mở rộng việc phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố Hà Nội, việc ủy quyền của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội và cho phép các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc thành phố Hà Nội được ủy quyền cho UBND hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới.
Hướng đến sự chủ động, linh hoạt
Cho ý kiến tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội Ngô Anh Tuấn đánh giá các quy định tại dự thảo đang hướng đến mục tiêu phân cấp ủy quyền đến tận cơ sở nhằm tạo tính chủ động, linh hoạt trong giải quyết công việc, tuy nhiên cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để đảm bảo đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết 97/2019/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 97/2019/QH14.
Về việc thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù tại Hà Nội, ông Tuấn cho rằng cần căn cứ vào nhu cầu thực tế song cũng cần quy định theo hướng mở để giải quyết nhu cầu thành lập khi có phát sinh về sau này.
Đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) tỏ ra băn khoăn với quy định cho phép các cơ quan chuyên môn được ủy quyền cho UBND hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới bởi hiện nay Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ giao cơ quan hành chính nhà nước ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới. Do đó, cần làm rõ cách thức ủy quyền, việc tổ chức thi hành, trách nhiệm ủy quyền…
Còn Đại diện Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) chỉ ra hiện nay Luật Tổ chức chính quyền địa phương không có khái niệm “tổ chức hành chính”, tuy nhiên Nghị định 158/2018/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính lại quy định rất rõ về khái niệm này, trong đó tổ chức hành chính ở cấp tỉnh, thành phố, cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương bao gồm cả cơ quan chuyên môn. Do vậy cần thống nhất giữa các khái niệm.
Góp ý thêm, đại diện Viện Khoa học pháp lý cho rằng điểm a, khoản 1, Điều 10 dự thảo Luật nên quy định “UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND quận, huyện, thị xã trên cơ sở quy định Luật này và các văn bản khác có liên quan” thay vì “quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn…” để đảm bảo đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đại diện Bộ Nội vụ nhận định Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rất rõ về vấn đề phân cấp ủy quyền, vì vậy dự thảo Luật chỉ nên quy định các vấn đề khác nhau, trong đó chú trọng tới các quy định mang tính phân quyền tối đa để tạo thuận lợi cho Hà Nội. Về việc thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù, dự luật chỉ nên quy định nguyên tắc, còn thẩm quyền giao Chính phủ. Ngoài ra, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng thay vì tăng số lượng đại biểu HĐND thì nên cân nhắc việc tăng đại biểu chuyên trách các ban HĐND sẽ hiệu quả hơn.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu các đơn vị, các Bộ, ngành phối hợp rà soát, góp ý để đảm bảo tiến độ đặt ra. Thứ trưởng đề nghị cần thể hiển rõ quy định cơ quan chuyên môn ủy quyền cho cơ hành chính nhà nước cấp dưới để giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho người dân, đi cùng với vấn đề ủy quyền là nhiều điều kiện, trong đó có thể kể đến điều kiện để người nhận ủy quyền thực hiện công việc, cơ chế giám sát thực hiện việc này để khả thi trong thực tiễn.
Thứ trưởng bày tỏ đồng tình theo hướng dự thảo Luật chỉ quy định việc thành lập cơ quan chuyên môn đặc thù còn thẩm quyền giao Chính phủ. Đối với các quy định về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, dự thảo Luật chỉ nên quy định các nội dung đặc thù, làm rõ điều kiện tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng, phù hợp bối cảnh tinh giản biên chế; chế độ chính sách cần tương ứng với chất lượng cán bộ. Thứ trưởng nhấn mạnh cán bộ của Hà Nội, thành phần đại biểu HĐND phải tinh túy hơn các nơi khác, đảm bảo ít nhưng chất lượng, chú trọng chất lượng hơn số lượng.