Mỗi ngày làm việc là một ngày kiến tạo
HNN - Tại lễ công bố Nghị quyết và Quyết định về tổ chức lại hệ thống chính quyền địa phương diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát đi một thông điệp đầy cảm hứng và cũng rất thực tiễn: 'Hãy để mỗi ngày làm việc là một ngày kiến tạo'.

Không gian làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường An Cựu. Ảnh: Bảo Phước
Đây là lời kêu gọi hàm chứa tinh thần cải cách sâu sắc, rằng từ sau dấu mốc lịch sử ngày 1/7/2025, mỗi cán bộ, mỗi cơ quan, mỗi công dân đều là một mắt xích chủ động trong guồng quay đổi mới của đất nước. Việc tổ chức lại địa giới hành chính, chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là sự tái cấu trúc bộ máy, mà sâu xa hơn là thay đổi căn bản tư duy quản trị, thay đổi cách vận hành của cả hệ thống. Và sự thay đổi không thể chỉ nằm trên giấy, trong văn bản mà phải được hiện diện trong từng hành vi công vụ, từ thái độ đón tiếp người dân, cách trả lời điện thoại, tốc độ xử lý một hồ sơ, đến việc chủ động giải quyết các vướng mắc phát sinh ở cơ sở. Khi “đội ngũ chúng ta đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn” như Tổng Bí thư nhấn mạnh, thì thách thức không nằm ở cơ cấu nữa, mà ở tinh thần trách nhiệm và ý thức đổi mới trong từng cá nhân, từng tổ chức.
Trong bối cảnh chuyển đổi số và cạnh tranh toàn diện, không ai có thể đứng ngoài guồng quay đổi mới. Nhưng nếu trước đây, đổi mới là nhiệm vụ “từ trên xuống”, thì ngày nay, theo tinh thần bài phát biểu của Tổng Bí thư, đổi mới phải là hành động tự thân của mỗi công chức, mỗi người dân. Một công chức không thể chờ chỉ đạo mới làm, chờ sai sót mới sửa, chờ phản ánh mới lắng nghe. Một doanh nghiệp không thể đợi ưu đãi rồi mới đổi mới công nghệ. Một trường học không thể đợi chương trình mới rồi mới nâng chất lượng dạy học…
“Mỗi ngày làm việc là một ngày kiến tạo” là cách để từng người tự đặt ra cho mình câu hỏi: Hôm nay tôi làm gì để làm tốt hơn ngày hôm qua? Làm gì để người dân, cộng đồng được hưởng lợi thiết thực hơn? Và ở chiều ngược lại, Nhà nước cũng không còn là “người cầm gậy điều hành” mà phải là “người đồng hành, người phục vụ”. Điều này đòi hỏi mô hình chính quyền địa phương hai cấp không chỉ tinh gọn về số lượng, mà còn nâng cấp về chất lượng phục vụ, từ khâu tiếp dân đến quản trị địa phương bằng số liệu và bằng dữ liệu.
Một ngày làm việc tích cực có thể giảm được hàng trăm giờ chờ đợi của dân. Một ngày làm việc sáng tạo có thể giúp một doanh nghiệp tháo gỡ nút thắt thủ tục. Một ngày làm việc tận tâm có thể gợi mở lối thoát cho những người yếu thế bị bỏ lại phía sau.
Theo nghĩa này, “kiến tạo” đối với đội ngũ cán bộ, công chức không phải là điều gì đó xa vời, mà cụ thể, thiết thực như việc những cán bộ phường, xã biết sử dụng mạng xã hội để tương tác với dân; là những sở, ban ngành cắt giảm 80% thủ tục không còn cần thiết; là những nhóm trí thức khởi nghiệp từ vấn đề thực tiễn địa phương; là những thầy, cô đem đến lớp những bài giảng truyền cảm hứng… Nghĩa là, chuyển động lớn của quốc gia phải bắt đầu từ sự thay đổi nhỏ trong mỗi ngày làm việc của mỗi một cán bộ, công chức.
Đặc biệt, Tổng Bí thư không chỉ kêu gọi cán bộ, công chức đổi mới cách nghĩ, cách làm, mà còn kêu gọi toàn dân, từ nông dân, công nhân, doanh nhân, trí thức đến kiều bào… cùng góp sức. Đây chính là cách tiếp cận cải cách mang tính cộng đồng: kiến tạo không chỉ là trách nhiệm công vụ, mà còn là trách nhiệm công dân. Bởi vì mỗi người dân, khi chấp hành pháp luật tốt hơn, khi chủ động phản ánh bất cập, khi tham gia hiến kế, khi dấn thân sáng tạo, đều đang góp một viên gạch vào nền móng của cải cách.
Việt Nam đang bước vào một chương phát triển mới, với chỉnh thể hành chính mới, tinh thần cải cách mới, và khát vọng vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhưng hành trình ấy sẽ chỉ vững chắc khi tinh thần “kiến tạo mỗi ngày” trở thành văn hóa làm việc, thành hệ điều hành của nền hành chính, thành dòng chảy xuyên suốt trong cả hệ thống chính trị - xã hội.