Trái tim Pa Cô giữa đại ngàn

HNN - Lớn lên bên bếp lửa nhà sàn, giữa lời ru của bà, của mẹ, trong âm vang chiêng trống hội làng, Hồ Pa Cô A Têng sớm thấm đẫm mạch nguồn văn hóa truyền thống dân tộc mình.

 A Têng (ngoài cùng bên phải) trước một buổi biểu diễn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

A Têng (ngoài cùng bên phải) trước một buổi biểu diễn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thanh âm của núi

Sương sớm còn vương trên những rặng núi trập trùng khi chúng tôi ghé qua bản Ra Loóc - A Sốc, xã Hồng Bắc (nay là xã A Lưới 2). Trong làn sương mỏng, từ sân nhà của nghệ nhân Hồ Pa Cô A Têng, tiếng khèn đã vọng ra, ngân nga quấn quýt giữa làn gió đầu ngày, như một lời chào dành cho khách ghé thăm.

Sinh năm 1985, nghệ nhân A Têng kế thừa tình yêu âm nhạc từ cha mình - một người thương binh, am hiểu sâu về văn hóa dân tộc. Ông thuộc nằm lòng thanh âm của đại ngàn, hiểu tiếng chiêng, tiếng trống như hiểu từng hơi thở của đất. Cha truyền cho anh tình yêu với văn hóa cội nguồn, A Têng cứ thế tiếp nối và gìn giữ.

“Người Pa Cô chúng tôi sinh ra giữa rừng, lớn lên bên suối, tiếng hát lời ca đã thành máu thịt. Mỗi bước lên nương, mỗi lần vượt đèo, leo suối, âm nhạc là người bạn đồng hành, là ngọn gió xua đi mệt mỏi”, A Têng nói, đôi mắt sáng như bếp lửa bập bùng giữa nhà sàn trong ngày đông.

Ngay từ nhỏ, A Têng đã thuộc nằm lòng những điệu hát của bản làng: Cha chấp nặng nghĩa tình, Ca lơi thấm đẫm yêu thương, Thun tưng bừng mùa lễ hội, Xiêng rộn rã những buổi họp mặt gia đình... Từ năm lên 10, cậu bé A Têng đã biết ngân lên những câu hát đắm say, biết cách thổi tiếng kèn, tiếng sáo sao cho vang vọng, dìu dặt như gió lướt qua đỉnh núi. 15 tuổi, anh đã là gương mặt quen thuộc trong các hoạt động văn nghệ ở trường, là giọng hát luôn vang vọng trong những buổi hội làng.

A Têng không chỉ sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc như trống, chiêng, khèn, sáo… mà còn biết ký âm, “phổ nhạc” để những điệu hò, lời ru được bảo tồn bài bản, lan tỏa xa hơn.

Chàng trai Pa Cô kể rằng, ngày trước mỗi khi lên nương, lên rẫy, người Pa Cô thường mang theo bên mình chiếc a man (sáo tre). Khi mệt, họ ngồi xuống dưới bóng cây, khẽ thổi bản nhạc gửi gió như lời trò chuyện cùng chim rừng, cây lá. Tiếng a man ấy có khi vọng qua thung, trở thành tín hiệu thầm lặng gửi đến cô gái ở nương xa, người có thể đang lặng lẽ nghe, rồi vì tiếng hát hay, tiếng sáo tình mà băng rừng tìm đến. Và cũng có những sớm mai, khi bản làng còn ngái ngủ, tiếng khèn, tiếng sáo lại vang lên nơi bản làng, đánh thức núi rừng, gọi về một ngày mới bừng thanh âm cuộc sống.

Truyền lửa

Đối với Hồ Pa Cô A Têng, âm nhạc của người Pa Cô như là thanh âm đối thoại giữa con người với rừng núi, chim muông, là tình yêu, là lời hứa của con dân với bản làng. Những điệu hát, lời ca gắn với lao động, lễ nghi, sinh hoạt cộng đồng luôn khiến anh say mê, càng thêm yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Từ bản làng dưới chân dãy Trường Sơn, A Têng mang tiếng hát, lời ca đi biểu diễn khắp nơi. Anh tích cực tham gia hoạt động biểu diễn từ bản làng đến cấp tỉnh, cấp quốc gia như Hội diễn nghệ thuật khu vực Tây Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Điện Biên (cũ)... giao lưu âm nhạc với nước bạn Lào. Anh còn giành được huy chương Bạc cấp tỉnh với các tiết mục Cha chấp, Ba bỏi và giải Ba đơn ca cấp huyện (cũ).

A Têng nói rằng, âm nhạc truyền thống là linh hồn của bản làng, không thể để mất. Chính vì vậy, anh còn tham gia đứng lớp truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ do huyện A Lưới (cũ) tổ chức, góp phần gìn giữ, lan tỏa văn hóa dân tộc đến với nhiều người hơn nữa. “Các lớp học hội tụ mọi lứa tuổi, nhưng điểm chung là đều có tình yêu với văn hóa dân tộc. Đánh chiêng, đánh trống ai cũng biết, nhưng đánh trong lễ hội A Riêu Ping khác, trong lễ A Da khác. Phải biết quy tắc và ý nghĩa của từng lễ hội mới đánh được”, anh A Têng nói.

Sau một ngày tất bật với nương rẫy, khi chiều buông xuống bản làng, anh lại quây quần bên bếp lửa bập bùng trong ngôi nhà nhỏ của mình, kiên nhẫn truyền dạy âm nhạc truyền thống cho những bạn trẻ cùng đam mê. Hoàng Long, Thuận, Thái Duy - những gương mặt mới của thế hệ tiếp nối, đang dần nuôi dưỡng trong mình tình yêu với văn hóa dân tộc. Cứ thế, mỗi tối, nơi góc nhà đơn sơ ấy lại rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng hát ngân vang giữa đêm dài như mạch nguồn không ngơi nghỉ.

Bà Lê Thị Thêm, nguyên Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện A Lưới (nay là Trưởng ban Xây dựng Đảng - Đảng ủy xã A Lưới 1) nói rằng, chính những người nghệ nhân trẻ đầy tâm huyết như Hồ Pa Cô A Têng mà tiếng khèn, tiếng trống, những điệu hát lời ca của người Pa Cô giữa đại ngàn Trường Sơn mãi được lưu giữ và tiếp lửa lan xa.

Hà Lê

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/trai-tim-pa-co-giua-dai-ngan-155551.html