Mối quan hệ mờ ám đằng sau sự sụp đổ của một tập đoàn Trung Quốc
Các cuộc điều tra đã phơi bày mối quan hệ mập mờ giữa HNA - tập đoàn vừa đệ đơn phá sản trong năm nay - và thành viên gia đình của Chủ tịch Trần Phong cùng cựu Chủ tịch Vương Kiện.
Theo Caixin, sau 7 tháng đệ đơn phá sản, HNA Group Co. cho biết Chủ tịch Trần Phong và Giám đốc điều hành Đàm Hướng Đông đã bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi "thực hiện hành vi trái pháp luật".
Đó là bước ngoặt mới cho số phận của HNA - doanh nghiệp Trung Quốc tiên phong trong làn sóng thu mua và sáp nhập từ Mỹ đến châu Âu.
Từ một hãng hàng không khu vực, HNA đã vay nợ ồ ạt để thực hiện hàng loạt thương vụ mua lại ở nước ngoài. Các thương vụ trị giá hơn 40 tỷ USD, bao gồm phần lớn cổ phần trong Deutsche Bank AG, Hilton Worldwide Holdings Inc., bất động sản sang trọng như sân golf, khách sạn nổi tiếng trên 6 lục địa và tòa nhà chọc trời 245 Park Avenue ở Manhattan.
Chi tiết về những cáo buộc đối với Chủ tịch Trần Phong vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, Caixin đã xem xét các hồ sơ của công ty và phỏng vấn những cựu giám đốc điều hành. Theo đó, HNA làm ăn với một số công ty thuộc sở hữu, hoặc được rót vốn bởi các thành viên trong gia đình ông Trần, ông Vương Kiện - đồng sáng lập HNA và những giám đốc điều hành cấp cao khác.
Các mối quan hệ mờ ám
Nhiều doanh nghiệp trong số đó được đăng ký ở New York và Hải Nam. Họ nhận được vốn và hợp đồng của HNA, từ vật liệu hàng không, phát triển bất động sản, quảng cảo đến bảo hiểm.
Đáng nói, không có giao dịch nào được tiết lộ đầy đủ trong hồ sơ pháp lý của HNA, ngay cả một số giao dịch liên quan đến hoạt động mua lại của tập đoàn ở nước ngoài.
Các anh em trai của ông Vương và ông Trần đều liên quan đến những doanh nghiệp kinh doanh vật liệu hàng không làm ăn với HNA. Theo một cựu giám đốc điều hành của HNA, tập đoàn có thể đã phải trả nhiều hơn 30-50% cho vật liệu hàng không và 10% cho máy bay.
"Giá càng cao, họ càng nhận được nhiều hoa hồng", cựu giám đốc điều hành tiết lộ. "Đó chẳng phải là biển thủ hay sao?", người này nhấn mạnh.
Năm 1989, sau khi Hải Nam - một hòn đảo lớn, xa xôi phía nam Trung Quốc - trở thành một tỉnh, chính quyền tỉnh quyết định thành lập công ty hàng không địa phương với vốn đăng ký 10 triệu NDT (1,55 triệu USD).
Bắt đầu từ con số 0, Hainan Airlines đã gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn, máy bay và nhân tài.
Năm 1990, ông Trần, ông Vương và một số đồng nghiệp từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc ở Bắc Kinh đã nghỉ việc để gia nhập hãng hàng không mới. Ông Trần và ông Vương nhanh chóng trở thành phó chủ tịch và cổ đông lớn sau cuộc tái cơ cấu sở hữu cổ phần.
Ngay sau khi ông Trần gia nhập hãng hàng không Hainan Airlines, em trai của ông đã thành lập Hainan American Co. (HAC) tại Mỹ. Trong vài năm đầu, công ty có một số giao dịch với các chi nhánh New York của Citic Ka Wah Bank (sau này đổi tên thành China Citic Bank International), Bank of China và Bank of Communications. Số tiền và mục đích của những giao dịch này không được tiết lộ.
Theo bản cáo bạch IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Hainan Airlines, hãng cũng đầu tư vào HAC. Tuy nhiên, số tiền và thời gian không được tiết lộ.
Năm 1997, Hainan Airlines bán quyền lợi trong HAC cho công ty con HNA Aviation Import & Export với giá 1,5 triệu USD.
Bản cáo bạch cũng lần đầu tiên tiết lộ mối quan hệ kinh doanh giữa Hainan Airlines và HAC. Năm 1996, Hainan Airlines trả 25,59 triệu NDT (3,96 triệu USD) tiền hoa hồng cho HAC để mua vật liệu hàng không. Năm sau, con số này là 14,75 triệu NDT.
Năm 1997, HAC chuyển văn phòng vào tòa tháp phía bắc của World Trade Center ở New York. Hoạt động kinh doanh vật liệu hàng không của hãng bùng nổ nhờ Hainan Airlines mở rộng đội bay.
Trong 2 năm tiếp theo, HAC mua vật liệu hàng không, bao gồm động cơ máy bay, cho Hainan Airlines từ Allied Signal Aerospace, Boeing và CFM International, thu tiền thông qua các chi nhánh New York của Citic Ka Wah Bank và Bank of Communications.
Giá càng cao, họ càng nhận được nhiều hoa hồng. Đó chẳng phải là biển thủ hay sao?
Cựu giám đốc điều hành giấu tên của HNA
Em trai của ông Trần Phong là chủ tịch HAC, còn ông Đàm Hướng Đông đảm nhận vị trí phó chủ tịch. Ông Đàm hiện là Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành HNA.
Vào tháng 3/1999, Hainan Airlines ủy thác cho HAC nhập khẩu nguyên liệu hàng không và trả 76 triệu NDT.
Năm 1999, HAC đổi tên thành Pacific American Co. (PAC). Năm tiếp theo, công ty mua động cơ từ Pratt & Whitney Canada cho 328 máy bay của Hainan Airlines. Citic Ka Wah Bank đã cung cấp các khoản vay cho thương vụ này.
Năm 1994, em trai của ông Trần thành lập công ty khác và cũng lấy tên HAC. Một phán quyết liên quan đến con tàu ở Nam Phi đã vô tình tiết lộ mối quan hệ giữa HNA và HAC.
Con tàu thuộc sở hữu của Grand China Shipping - công ty con của HNA, trong khi HAC sở hữu 10% cổ phần của Grand China Shipping.
Em dâu của ông Trần, bà Liu Ming và anh trai, ông Liu, cũng là cổ đông của HAC. Ông Liu là một nhân viên lâu năm tại HNA, cựu giám đốc điều hành của một số công ty con của HNA và hiện là giám đốc điều hành của một công ty liên kết.
Năm 2000, HNA trả trước 94,4 triệu NDT tiền vật liệu hàng không cho HAC, theo báo cáo hàng năm của HNA. Khoản phải trả dài hạn của HNA với HAC là 13,8 triệu NDT, lãi từ 10% đến 12,5% hàng năm.
Em trai của ông Trần cũng tham gia vào các khoản đầu tư bất động sản của HNA ở Trung Quốc và Mỹ. Năm 1997, thông qua HAC, ông mua một căn hộ tại Trump Tower ở New York. Trị giá vào thời điểm này là 3,7 triệu USD.
Năm 2006 và 2010, PAC đã mua 2 căn hộ cao cấp ở Time Warner Center. Citic Ka Wah Bank cung cấp một khoản vay thế chấp trị giá 3,3 triệu USD cho một trong những đơn vị được bảo lãnh bởi Hainan Airlines và HNA.
Cấu trúc phức tạp
Trong khi đó, anh trai của ông Vương cũng tham gia sâu vào các hoạt động kinh doanh béo bở của gã khổng lồ hàng không.
Ông là cổ đông kiểm soát của Hainan Aviation Import and Export Trade (Hainan Aviation Trade), một trong những công ty con của HNA.
Hồ sơ tài chính của Hainan Airlines cho thấy từ năm 1996 đến 1999, công ty đã trả hơn 65 triệu NDT tiền hoa hồng cho Hainan Aviation Trade để mua thiết bị.
Ngoài ra, anh trai của ông Vương còn kiểm soát Hainan Jianheng Industrial Investment, tham gia vào nhiều lĩnh vực kinh doanh bao gồm bất động sản, thương mại hàng không, hậu cần, sân golf và tài chính. Hainan Jianheng có liên kết kinh doanh chặt chẽ với HNA và các chi nhánh.
Năm 2000, Hainan Jianheng cùng với HNA và Hainan Airlines thành lập liên doanh thương mại, Hainan HNA Aeronautics Import & Export. Hainan Jianheng nắm giữ 30% cổ phần của liên doanh, tương đương HNA.
Từ năm 2000 đến năm 2016, Hainan HNA Aeronautics đã kiếm được 420 triệu NDT từ việc nhập khẩu thiết bị hàng không cho Hainan Airlines.
Trong một thời gian, em trai của ông Vương cũng kiểm soát tất cả hoạt động kinh doanh liên quan đến in ấn của HNA. "Một bản in của sản phẩm chỉ có giá 1 NDT ở Bắc Kinh, nhưng chúng tôi phải làm tại Hải Nam và giá là 4 NDT", một cựu nhân viên của HNA tiết lộ.
Do cấu trúc cổ phần phức tạp, không rõ HNA làm ăn với bao nhiêu công ty liên kết của tập đoàn, hoặc có quan hệ với các giám đốc điều hành. Theo Caixin, khó có thể theo dõi dòng tiền giữa HNA và những công ty này.
Theo báo cáo tài chính năm 2004-2005 của Hainan Airlines, Hainan Jiahui Investment đã có một số lượng lớn giao dịch nợ với Hainan Airlines.
Hainan Jiahui thuộc sở hữu 20% của Yangtze River Investment, một chi nhánh của HNA. Đại diện pháp lý của Hainan Jiahui cũng đảm nhận các vị trí quản lý cấp cao trong một số công ty có liên quan đến anh trai của ông Vương.