Mỗi tấm thổ cẩm của người Ê Đê là một câu chuyện kể
Đối với người Ê Đê ở Đắk Lắk, mỗi tấm thổ cẩm được dệt ra, ngoài ẩn chứa giá trị của sức lao động còn mang một ý nghĩa, một câu chuyện.
Mỗi tấm vải thổ cẩm được dệt ra không chỉ là sản phẩm vật chất, thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của người làm, ẩn chứa giá trị của sức lao động, gửi gắm niềm tin, thể hiện bản sắc riêng.
Khi mỗi tấm thổ cẩm là một câu chuyện riêng
Vẫn là những chiếc túi, ví, chiếc váy, áo thổ cẩm, nhưng thổ cẩm của người Ê Đê không rực rỡ sắc màu như các dân tộc ở khu vực miền núi phía Bắc. Với người Ê Đê, thổ cẩm chỉ gồm các màu cơ bản như đen, đỏ, vàng, xanh. Màu đen hoặc chàm sẫm thể hiện sự trang nghiêm, đứng đắn. Màu vàng hay đỏ lại là biểu tượng của sự dũng cảm, sức mạnh và nhiệt huyết.
Bà H'Yam Krông, Chủ nhiệm HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Với người Ê Đê, áo nam ngoài hình con rồng ở đường viền thì lại có ngực đỏ, thể hiện sự hùng dũng của người đàn ông. Với người phụ nữ, ở chân váy cũng có loại hoa văn đó. Nền đặc trưng của thổ cẩm người Ê Đê là đen với đỏ. Từ những màu sắc đơn giản, trong mỗi tấm vải thổ cẩm, người Ê Đê sẽ phối kết thành các hình tượng cây cối, con vật, đồ vật để làm hoa văn những con rồng, con rùa, thằn lằn, con voi, cây dương xỉ, quả trám. Trong mỗi hoa văn, họ đều gửi gắm về quan niệm sống, niềm tin với thần linh, tình yêu thiên nhiên".
Thổ cẩm cũng là nơi những người phụ nữ Ê Đê gửi gắm câu chuyện cuộc đời của họ. Như với bà H'Yar Kbuôr (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) việc dệt thổ cẩm như viết lên tấm vải câu chuyện của bản thân. Đó là nỗi lòng của người phụ nữ khuyết tật, nhưng vẫn vượt lên số phận với nghề dệt truyền thống. Bà cũng đã kêu gọi được nhiều chị em cùng tham gia tổ hợp tác với mình. "Con em người dân trong buôn khi thấy tôi dệt thì họ tới mua cái váy hay khăn trùm đầu... Sau này đi ra đường, mọi người bảo mình tuy khuyết tật, nhưng vẫn làm rất nhiệt tình. Ai cũng khen mình, mình thấy vui lắm", bà H'Yar Kbuôr tâm sự.
Vẫn còn đó, nhiều bí ẩn đằng sau tấm vải thổ cẩm đầy sắc màu. Ngày nay, thổ cẩm của người Ê Đê đã đi vào thời trang hiện đại với sự cách tân, đổi mới. Tuy đi muôn nơi, nhưng mỗi sản phẩm thổ cẩm vẫn mang linh hồn, cảm xúc mà người dệt gửi gắm. Những đường nét hoa văn, màu sắc riêng biệt, thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người mà không thể hòa lẫn vào đâu được.
Duy trì cho thế hệ sau
Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống có từ lâu đời, đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Ê Đê tại Đắk Lắk nói riêng và đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung. Giữa lòng thành phố hiện đại, nghề truyền thống này vẫn trường tồn ở nhiều buôn làng ngay trong đô thị Buôn Ma Thuột.
Phải mất vài tuần đến cả tháng ngồi bên khung cửi, những người phụ nữ Buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP.Buôn Ma Thuột mới dệt xong 1 tấm thổ cẩm. Người Ê Đê thường chọn màu đen và đỏ làm nền chủ đạo trên thổ cẩm. Đen và đỏ tượng trưng cho đất và lửa. Điểm xuyết thêm các màu sắc như xanh, vàng, trắng. Các hoa văn về cỏ, cây, hoa, lá, chim muông, thú… gần gũi với cuộc sống được đưa vào thổ cẩm cách điệu dưới dạng như hình tam giác, chữ nhật, hình thoi, mũi tên, đường gấp khúc, song song.
Nếu đến Buôn Tơng Jú vào bất kỳ tháng nào trong năm, chúng ta đều dễ dàng bắt gặp tiếng nói, cười rộn ràng của các chị em bên các sản phẩm thổ cẩm rực rỡ. Sau gần 20 năm, vận động, dạy nghề, bà H'Yam Krông đã lập nên hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông với có 45 thành viên. Với các sản phẩm độc đáo, doanh thu của hợp tác xã có năm đạt 1,2 tỉ đồng. Nhiều thế hệ lớp trẻ trong buôn làng đã đặt niềm tin tiếp tục gắn bó với nghề dệt.
Em H'An Ji Byă (buôn Tơng Jú, Xã Ea Kao) hào hứng kể: "Hằng ngày, sau khi đi học vào buổi sáng, buổi chiều em đến hợp tác xã để học khâu áo, kết cườm. Nghề dệt có lẽ đã ăn sâu vào người, em làm say mê, không cảm thấy khó nhọc và xem đây như là cách để góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào mình".
Bà H'Yam Krông cho biết: "Năm nào tôi cũng xin các cấp hội từ cấp tỉnh đến thành phố để mở lớp dạy nghề truyền thống của người Ê Đê. Trong đó, nếu có lớp dệt thì tôi tham gia giảng dạy. Khi truyền dạy, nếu theo truyền thống thì rất ít người học nên tôi vừa dệt hoa văn truyền thống vừa dạy các em tạo ra sản phẩm phù hợp với giới trẻ. Để tạo hoa văn đẹp, thì người dệt phải đặt tâm vào sản phẩm, phải có chủ ý từ khi mắc sợi.
Tùy theo trang phục mà học viên chọn các hoa văn phù hợp. Dù bị ảnh hưởng từ quá trình phát triển và giao lưu văn hóa, sản phẩm thổ cẩm hiện nay không hoàn toàn làm thủ công như trước. Nhiều sản phẩm cũng đa dạng, cách tân từ váy, áo, túi xách, khăn trải bàn… phù hợp với hiện đại nhưng vẫn lưu giữ các hoa văn độc đáo và đáp ứng nhu cầu thị trường".
Mời quý độc giả xem video nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ về phương pháp độc đáo, có một không hai: Để tằm tự dệt chăn: