Mỗi tháng có khoảng 1.160 vụ tấn công mạng
Hệ thống giám sát của Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc Gia Việt Nam (NCS) ghi nhận 13.900 vụ tấn công mạng vào các tổ chức tại Việt Nam trong năm 2023, trung bình mỗi tháng xảy ra 1.160 vụ, tăng 9,5% so với năm 2022.
Theo NCS, các mục tiêu chịu nhiều cuộc tấn công nhất trong năm qua là các cơ quan chính phủ, hệ thống ngân hàng, tổ chức tài chính, hệ thống công nghiệp và các hệ thống trọng yếu khác.
Đặc biệt, trong 3 tháng cuối năm 2023 số vụ tấn công mạng tăng mạnh, lên tới 1.614 vụ trong 1 tháng, gấp rưỡi so với trung bình. Nguyên nhân vì thời điểm cuối năm, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có nhiều dự án CNTT cần hoàn thành, nhân sự thường phải hoạt động trên 100% năng suất nên khả năng xảy ra nhiều sai sót, đây cũng là cơ hội để hacker có thể tấn công, phá hoại.
Bên cạnh đó, dịp cuối năm, mã độc mã hóa dữ liệu cũng bùng phát. Theo tổng hợp của NCS, tỷ lệ máy tính tại Việt Nam bị mã độc tấn công trong năm 2023 là 43,6%, tuy có giảm nhẹ 8,6% so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao của thế giới.
NCS đánh giá nỗ lực liên tục giảm tỷ lệ máy tính bị nhiễm mã độc qua từng năm của Việt Nam rất đáng được ghi nhận, bởi trước đó vào năm 2018, tỷ lệ lây này còn ở mức rất cao tới hơn 60%.
Trong năm qua cũng ghi nhận nhiều vụ việc tấn công mã hóa dữ liệu ransomware gây hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ mã hóa dữ liệu nhằm đòi nạn nhân trả tiền chuộc, tin tặc có thể rò rỉ, bán dữ liệu cho bên thứ 3 để tối đa số tiền thu được.
Đã có tới 83.000 máy tính, máy chủ ghi nhận bị tấn công bởi mã độc mã hóa dữ liệu, tăng 8,4% so với năm 2022.
Đặc biệt, quý IV-2023, số cuộc tấn công mã hóa dữ liệu tăng mạnh, vượt 23% so với trung bình 3 quý đầu năm. Một số cơ sở trọng yếu cũng ghi nhận bị tấn công mã hóa dữ liệu vào thời gian này. Số lượng biến thể mã độc mã hóa dữ liệu xuất hiện trong năm 2023 là 37.500 mã, tăng 5,7% so với năm 2022.
Các hình thức tấn công mã độc phổ biến tại Việt Nam hiện nay là tấn công dò mật khẩu yếu, khai thác lỗ hổng của hệ điều hành Windows, lỗ hổng của phần mềm Microsoft Office, lây qua các phần mềm không rõ nguồn gốc trên mạng hoặc lây qua các ổ đĩa USB.
Để phòng tránh, người dùng nên sử dụng mật khẩu mạnh, không nên tải phần mềm không rõ nguồn gốc trên mạng, không mở file đính kèm nếu không biết rõ người gửi, cập nhật đầy đủ các bản vá lỗ hổng của nhà sản xuất, cài thường trực phần mềm diệt virus trên máy, cập nhật đầy đủ mẫu nhận diện và tính năng mới nhất.
Ngoài ra, các chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo về tình trạng lừa đảo trực tuyến, lộ lọt dữ liệu cá nhân gia tăng tại Việt Nam.
Dự báo về tình hình an ninh mạng 2024, NCS cho biết, các hình thức tấn công mạng, tấn công có chủ đích APT vào các hệ thống trọng yếu, tấn công mã hóa dữ liệu sẽ tiếp tục tiếp diễn.
Người dùng di động sẽ phải đối mặt nhiều hơn với các loại mã độc có khả năng xâm nhập, khai thác lỗ hổng, chiếm quyền điều khiển điện thoại, bao gồm cả các điện thoại chạy hệ điều hành Android và hệ điều hành iOS (iPhone).
“Sẽ có những đợt tấn công quy mô lớn nhắm vào các thiết bị IoT, đặc biệt các thiết bị có khả năng thu thập thông tin, hình ảnh như camera an ninh, màn hình quảng cáo công cộng.
Công nghệ trí tuệ nhân tạo đã có những bước phát triển thần kỳ trong năm 2023 và sẽ tiếp tục bùng nổ ứng dụng trong năm 2024. Điều này sẽ kéo theo những công cụ phục vụ mục đích xấu như lừa đảo, tấn công mạng.
AI tạo sinh như ChatGPT và DeepFake sẽ được sử dụng để tự soạn các kịch bản lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Mã độc và các công cụ khai thác lỗ hổng sẽ được trang bị thêm trí tuệ nhân tạo để tăng khả năng khai thác lỗ hổng cũng như giúp qua mặt các giải pháp an ninh mạng”- ông Vũ Ngọc Sơn- Giám đốc Công nghệ NCS cho biết.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/moi-thang-co-khoang-1160-vu-tan-cong-mang-post560830.antd