Môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục hấp dẫn doanh nghiệp Đài Loan - Trung Quốc

Theo ông John Campbell - Phó giám đốc, Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam, môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục hấp dẫn doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc). 6 tháng đầu năm, Đài Loan có 39 dự án sản xuất đăng ký mới tại Việt Nam với tổng giá trị 513,37 triệu USD, chiếm 49% tổng FDI của nước này.

Ông John Campbell - Phó giám đốc, Dịch vụ Bất động sản Công nghiệp Savills Việt Nam nhận định, năm 2023 là năm đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Thương mại Đài Loan (Trung Quốc) tại Hà Nội. Năm 2024, các phòng thương mại tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai cũng sẽ đánh dấu ba thập kỷ hoạt động.

Đây là những cột mốc cho thấy sự cam kết đầu tư lâu dài của Đài Loan vào Việt Nam và mối quan hệ kinh doanh mạnh mẽ giữa hai nền kinh tế.

Tính đến tháng 6/2023, Đài Loan đứng thứ tư về vốn đầu tư với 3.186 dự án và 40,23 tỷ USD, chiếm 8% tổng vốn FDI vào Việt Nam từ năm 1988. Đến nay, dòng vốn FDI của Đài Loan ở Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Trong 6 tháng đầu năm, Đài Loancó 39 dự án sản xuất đăng ký mới tại Việt Nam.

Một khảo sát của Bộ Kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy, khoảng 18% các doanh nghiệp sản xuất truyền thống của Đài Loan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp đều nhấn mạnh sự hấp dẫn của thị trường đầu tư của Việt Nam.

Trong năm 2023, Việt Nam đã thành công thu hút 36,6 tỷ USD FDI, tăng hơn bốn lần so với năm 2022. Đài Loan là nhà đầu tư lớn thứ sáu với 2,88 tỷ USD, chiếm 8% tổng FDI đăng ký và tăng 13% so với năm 2022.

Hiệu suất này củng cố mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ và lâu dài giữa hai khu vực. Điện tử vẫn là ngành sản xuất lớn nhất từ Đài Loan vào năm 2023.

6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút tổng cộng 15,18 tỷ USD FDI đăng ký, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất chiếm 70% với 10,68 tỷ USD đăng ký, tăng đáng kể 26% so với cùng kỳ. Trong đó, có 541 dự án sản xuất mới đăng ký 6,82 tỷ USD, 390 dự án sản xuất hiện có tăng vốn, 190 dự án có vốn góp và mua cổ phần.

Trong đó, xét về tổng FDI đăng ký, Đài Loan (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn thứ sáu với 1,05 tỷ USD, chiếm 7% tổng vốn, với 88 dự án mới đăng ký 529,8 triệu USD. Cùng với đó là 46 dự án hiện có tăng vốn 392,9 triệu USD và 93 dự án có vốn góp và mua cổ phần lên đến 129 triệu USD.

Trong 6 tháng đầu năm, Đài Loan có 39 dự án sản xuất đăng ký mới tại Việt Nam với tổng giá trị 513,37 triệu USD, chiếm 49% tổng FDI của Đài Loan trong giai đoạn này. Có 22 dự án nằm ở phía Bắc và 17 dự án ở phía Nam.

Mặc dù phía Bắc thu hút nhiều dự án sản xuất mới hơn, song phía Nam ghi nhận nhận phần lớn giá trị đầu tư với 285,4 triệu USD. Sự khác biệt này chủ yếu nhờ vào khoản đầu tư lớn 250 triệu USD của Công ty Tripod Technology tại Khu công nghiệp Châu Đức ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

“Theo dữ liệu của chúng tôi, trong số 39 dự án sản xuất mới của Đài Loan trong 6 tháng đầu năm 2024, có 24 giao dịch là đất công nghiệp và 15 dự án nhà xưởng. Các dự án cần đất công nghiệp chiếm ưu thế về doanh thu, chiếm 92% vốn đầu tư.

Tuy nhiên, các giao dịch nhà xưởng chiếm 38% tổng số dự án, cho thấy nhu cầu ngày càng tăng từ nhiều nhà sản xuất Đài Loan. Từ nhà cung cấp đến các tập đoàn điện tử lớn, các ngành công nghiệp giá trị gia tăng trung bình cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Campbell cho biết.

Hoài Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/dau-tu/moi-truong-dau-tu-cua-viet-nam-tiep-tuc-hap-dan-doanh-nghiep-dai-loan-trung-quoc/20240724083056572