Môi trường học đường cần được trong sáng

Những ngày cuối tháng 12 này là thời điểm học sinh chuẩn bị cho kỳ thi hết học kỳ 1, năm học 2024-2025, dự kiến diễn ra đầu tháng 1-2025. Và tại không ít trường học, một vấn đề rất đáng quan tâm tiếp tục được phát hiện: Sách giáo khoa giả xâm nhập học đường.

Mới đây, giáo viên dạy môn Sinh học lớp 8 một trường THCS chia sẻ câu chuyện, trong giờ học, có một học sinh bất ngờ phát hiện công thức trong sách giáo khoa bị sai hoàn toàn, làm cả cô và trò cùng hoang mang. Sau khi dò lại kỹ, cả lớp phát hiện cuốn sách đó là giả, là sách lậu, còn sách giáo khoa thật không bị như thế. Câu chuyện này một lần nữa làm nóng lên những vấn đề vốn nhiều lần được nhắc tới: Tình trạng sản xuất, kinh doanh, buôn bán sách giáo khoa, sách tham khảo, đồ dùng học tập giả mạo làm “vẩn đục” môi trường giáo dục.

Sách giáo khoa là tri thức nền tảng của học sinh. Sách giả, sách kém chất lượng, tri thức sai, thiếu nội dung, thiếu trang… ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, với cả thầy và trò. Thế nhưng, một điều ảnh hưởng còn lớn hơn thế, nguy hiểm hơn thế, song lại rất ít khi được nhắc đến. Đó là khiến con trẻ tiếp xúc với việc giả mạo, gian dối trong cuộc sống, ảnh hưởng tới quá trình hình thành nhân cách của trẻ.

Công nghệ ngày càng phát triển và chi phí sản xuất ngày một thấp hơn nên sách giả, sách lậu ngày càng tinh vi, khó phân biệt. Thị trường phân phối sách cũng ngày một đa dạng, không còn là sân chơi của các nhà sách, tiệm tạp hóa đồ dùng học tập… Sự tham gia mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử đã khiến sách giả, sách lậu, đồng dùng học tập giả mạo xâm nhập vào từng gia đình, trường học một cách dễ dàng hơn, khó kiểm soát hơn. Nhiều phụ huynh, thậm chí cả giáo viên, nhà trường cũng dễ bị sập bẫy giá rẻ, giảm giá, khuyến mãi, chiết khấu… của các sàn thương mại điện tử.

Nếu nhà trường làm cầu nối giữa học sinh và các đơn vị cung cấp sẽ góp phần giảm nguy cơ sách giả, sách lậu, đồ dùng học tập giả mạo. Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp từ phía nhà trường, không bắt buộc được phụ huynh hay học sinh, đồng thời cũng thêm gánh nặng cho nhà trường, thầy cô giáo và là giải pháp từ ngọn. Vậy giải pháp từ gốc là gì? Đó phải là làm thế nào để không còn sách lậu, sách giả, đồ dùng học tập giả trên thị trường.

Chuẩn bị bước vào năm học 2024-2025, lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng đã phá thành công chuyên án SGK-192, triệt xóa một đường dây chuyên sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả quy mô lớn trên địa bàn Đà Nẵng. Tiếp tục mở rộng điều tra tại TP. Hồ Chí Minh, ban chuyên án phát hiện, bắt giữ một loạt các nghi phạm. Công an thành phố Đà Nẵng đã thu giữ 1 triệu con tem, 600.000 cuốn sách giả thành phẩm và bán thành phẩm, toàn bộ máy in, máy cắt, máy đóng kim, máy may chỉ, máy dán keo, xe ôtô, bản kẽm, giấy in...

Trước đó, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai cũng phát hiện lô sách giáo khoa hơn 33.800 bản phẩm giả mạo nhãn mác Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trước đó nữa, tháng 1-2024, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xét xử vụ án liên quan gần 9,5 triệu cuốn sách giáo khoa giả, với các bản án 8-9 năm tù về tội “nhận hối lộ” và tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”…

Sách giáo khoa, đồ dùng học tập, muốn làm giả phải có máy in, cơ sở in, cơ sở sản xuất. Sản xuất xong còn phải đưa đi tiêu thụ… Đó đều không phải là cây kim, hạt cát mà khó phát hiện. Đặc biệt, sách giáo khoa, đồ dùng học tập… giả, kém chất lượng, hậu quả trực tiếp và lớn nhất, là các em học sinh - những mầm non của tương lai. Đó là điều không thể chấp nhận được trong một xã hội văn hiến, văn minh hôm nay.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/167019/moi-truong-hoc-duong-can-duoc-trong-sang