Môi trường sống: Từ Homo Sapiens đến Phono Sapiens

Tôi nhớ những năm 1960 vùng quê nghèo Hoa Lư đồng trắng nước trong, chưa có đê quai nên chỉ cấy được một vụ, dù được mùa vẫn không đủ thóc gạo ăn cho cả năm. Đói đầu gối phải bò, làng tôi (xóm Tụ An) rủ nhau đi bộ 30-40 ki lô mét đến tận Đồng Bài (Nho Quan) để đốt rừng làm nương, trồng ngô, khoai, sắn, đi theo tiếng gọi... khai hoang. Thu hoạch được khá nhưng vận chuyển về cũng gian nan, gánh trên vai mấy chục ký lương thực, đi chân trần dưới cái nắng gần 40 độ C thì chỉ thế hệ đó mới nhớ và mường tượng ra được...

Thế hệ Z lớn lên cùng Internet và mạng xã hội... Ảnh: N.K

Thế hệ Z lớn lên cùng Internet và mạng xã hội... Ảnh: N.K

Cả một thung lũng toàn cỏ tranh, trên núi nhiều cây cổ thụ mấy trăm năm, đêm đêm nghe tiếng hổ gầm, chim kêu, vượn hú, với một đứa trẻ 7-8 tuổi như tôi thì núi rừng thật đáng sợ, cứ mong ngày nào đó nơi đây là thành phố như giấc mơ thuở đó “Núi rừng có điện thay sao...”.

Cỏ tranh phát sát gốc, để phơi vài tuần dưới nắng hanh, chỉ cần một mồi lửa là hàng mẫu được dọn sạch, tro làm phân, đất đỏ trồng ngô, khoai, sắn rất tốt. Nhưng rồi không có phân chuồng, phân đạm, chỉ vài vụ đất đã bạc màu, và mọi người lại rủ nhau sang khai hoang khu khác. Những năm gần đây, khi đi du lịch Tây Bắc thấy đồi trọc, rừng đã mất hết, tôi cũng hiểu, khi không đủ ăn thì đành nhờ vào mồi lửa.

Sau này làm cho Ngân hàng Thế giới tôi biết, đó là phát triển không bền vững, môi sinh bị phá, đói vẫn hoàn đói, cái vòng luẩn quẩn của người nghèo. Không có hiểu biết về môi trường, về hậu quả, sự luẩn quẩn ấy có thể hiểu được. Nhưng có thông tin đầy đủ, về đánh giá tác động của môi trường do dự án tạo ra nhưng do lợi nhuận và lợi ích nhóm, các nhà đầu tư vẫn nhắm mắt làm liều.

Những ly cà phê nâng tầm giá trị Việt nghe rất sang, nhưng thực ra có bao khu rừng bị phá dưới danh nghĩa xây dựng đất nước. Khai thác tài nguyên thiên nhiên như đào than, hút dầu mỏ và khí đốt, thấy lỗ nhưng vẫn làm, bởi chả biết làm gì với công nghệ cao, y chang người quê xứ tôi từng khai hoang đốt rừng.

Người có tri thức cộng thêm quyền lực bị lạm dụng cho mục đích cá nhân mà dùng trí tuệ để phá hoại thì tác động ghê gớm.

Các thế hệ của loài người

Nhờ vào ChatGPT, tôi biết loài người đã trải qua 12 thế hệ. Thế hệ Homo Sapiens (300.000 năm trước - 10.000 năm trước) là lớp người đầu tiên có trên Trái đất, có khả năng tư duy, ngôn ngữ và sáng tạo, sống chung với thiên nhiên.

...Họ lớn lên cùng trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh và công nghệ thực tế ảo, yêu thích học hỏi vì tương tác trực tuyến và thành thạo công nghệ.

...Họ lớn lên cùng trí tuệ nhân tạo, điện thoại thông minh và công nghệ thực tế ảo, yêu thích học hỏi vì tương tác trực tuyến và thành thạo công nghệ.

Tiếp theo là thế hệ Người Đá (10.000 năm trước - 4.000 năm trước), sử dụng công cụ bằng đá, biết khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Thế hệ Người Đồ Đá mới (4.000 năm trước - 1.500 năm trước) biết phát triển nông nghiệp, xây dựng cộng đồng và tạo ra công cụ phức tạp hơn, hướng tới làm chủ thiên nhiên.

Thế hệ Người Đồ Sắt (1.500 năm trước - 500 năm trước, vào thời Đinh Tiên Hoàng lập ra nước Đại Cồ Việt) đã biết sử dụng công cụ bằng sắt, phát triển công nghệ luyện kim và chiến tranh. Tiếp theo là Thế hệ Kỹ thuật cơ khí (từ 500 năm trước đến năm 1.800) biết phát triển máy móc cơ khí, khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp. Thời kỳ này môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hơn 30 năm trước tôi từng viết IT là chìa khóa phát triển đất nước bên cạnh nông nghiệp bền vững và du lịch. Nhưng rồi để phát triển cho nền tảng IT, nhiều người thấy buôn bán máy tính dễ ăn hơn. Tin hay không tùy bạn nhưng nước ta chưa có một thiết bị hay phần mềm nào mang thương hiệu quốc tế.

Khi Thế hệ Kỹ thuật điện tử (1800-1945) ra đời thì nhân loại có điện thoại, radio và máy tính, tiếp đến là Thế hệ Baby Boomer (1946-1964) với sự tăng trưởng vượt bậc về kinh tế và xã hội sau Thế chiến thứ II, yêu thích âm nhạc rock “n” roll và văn hóa đại chúng. Kinh tế kéo theo môi sinh bị tàn phá.

Thế hệ X (1965-1980) họ tự do, độc lập và tự chịu trách nhiệm, yêu thích âm nhạc rock, grunge và hip-hop. Trong khi đó, thế hệ Y (Millennials 1981-1996) lớn lên cùng sự phát triển của Internet và công nghệ di động, yêu thích mạng xã hội, âm nhạc điện tử và đa phương tiện. Lúc này công cuộc đào núi lấp biển gần như đã xong.

Thế hệ Z (1997-2012 hay gọi là Gen Z) lớn lên cùng Internet và mạng xã hội, mê TikTok, YouTube và trò chơi điện tử.

Hết Z thì quay lại A (từ A-Z), hiện nay thế giới đang có sự giao thoa giữa Thế hệ Alpha (2013-2025) và Thế hệ Phono (gọi là Phono Sapiens - sinh ra trong thời đại điện thoại thông minh). Họ lớn lên cùng trí tuệ nhân tạo (AI), điện thoại thông minh và công nghệ thực tế ảo, yêu thích học hỏi, tương tác trực tuyến và thành thạo công nghệ. Từ Gen Z thì không có khái niệm rừng vàng biển bạc.

Thời gian của các thế hệ ngày càng ngắn lại. Xưa là mấy trăm ngàn năm rồi vài ngàn năm đến vài trăm năm và thế kỷ 21 tính bằng thập niên. Thay đổi chóng mặt này là do công nghệ mang đến.

Ứng xử với môi trường của Gen Z

Những ly cà phê nâng tầm giá trị Việt nghe rất sang, nhưng thực ra có bao khu rừng bị phá dưới danh nghĩa xây dựng đất nước.

Thế hệ Gen Z và Phono (gọi chung là Gen Z) là thế hệ trong bụng mẹ đã biết điện thoại thông minh và mạng xã hội vì bố mẹ chúng đi siêu âm 3D có kết quả đã tung lên mạng khoe, chưa chừng chào đời cũng livestream luôn cho cả thế giới chiêm ngưỡng. Thế hệ này không thể biết tại sao chúng sinh ra thì thú hoang dã chỉ có trong sở thú và rừng là đồi trọc, bởi cha ông chúng thời Baby Boomer đã gần như xóa sổ môi trường thiên nhiên. Muốn biết rừng nguyên sinh ở Nho Quan mà người viết bài này từng biết có “mặt mũi” ra sao thì chúng hỏi AI, nhờ vẽ hộ để xem trên thực tế ảo.

Chợt nhớ du học Ba Lan rồi về nước (1977), thấy bạn bè và cả tôi toàn một lũ quần loe tóc dài, đi lại khệnh khạng, ông bà, bố mẹ nhìn ngao ngán, rồi lũ này vô dụng, nhờ chi chúng. Nhưng sau 30-40 năm, đám “vô dụng” ấy thành lãnh đạo, chủ tịch hay giám đốc những tập đoàn lớn.

Bây giờ cũng thế. Nhắc đến Gen Z người ta cũng tưởng tượng những người đầu trùm kín, đeo khẩu trang, chả cần biết đến ai, bỏ việc như cơm bữa, đi lại như những xác không hồn (zombie), tay cầm điện thoại và chúi mũi vào màn hình bé tí được coi là thế giới của họ.

Những tưởng họ sẽ chả làm nên trò trống gì, nhưng thật ra, những Gen Z đó sẽ làm chủ thế kỷ 21. Dạy chúng ứng xử với môi trường bằng não trạng thế kỷ 20, kêu gọi suông bằng khẩu hiệu như thế kỷ 19 là vô ích. Tính cá nhân (identity) của thế hệ này rất cao “tôi mới là số 1”, thì khẩu hiệu “chung tay bảo vệ môi trường” sẽ không có giá trị gì và cũng khó tin chúng bỏ thời gian đọc khẩu hiệu trên phố hay xem ti vi bàn về khí hậu toàn cầu.

Như vậy việc ứng xử với môi trường của thế hệ Gen Z rất khác với thế kỷ 20, vì giới trẻ sống bằng công nghệ nên cách giáo dục về môi trường cũng phải theo công nghệ.

Một ví dụ. Vì muốn khẳng định “cái tôi” trong thế giới toàn cầu hóa, Gen Z luôn muốn khẳng định sự khác biệt “tôi là ai”. Những nhà kinh doanh tìm cách sản xuất những vật dụng mang nặng tính cá nhân, cà phê latte thêm trái tim và tên người mua, cốc dùng nhiều lần hơn là cốc giấy dùng một lần hại môi trường, ba lô không giống ai để dùng suốt đời... Chiêu vặt này lại thu hút và thuyết phục được lớp trẻ và từ đó lan rộng thành phong trào sống xanh.

Theo một nghĩa nào đó, Gen Z phải được lợi gì thì mới làm, không thể dọa nạt hay phạt, bắt lũ trẻ biết xài điện thoại - công nghệ từ trong bụng mẹ nghe theo một người mà coi mạng xã hội là rác rưởi thì quả là vô lý.

Thời của AI, Gen Z và Phono Sapiens

Đừng tưởng AI là chìa khóa cho mọi thứ. AI như vị thần đèn nhưng muốn dùng thì phải biết hỏi. Người kém kiến thức thì đưa ra câu hỏi kém và sẽ được câu trả lời kém. Người có trí tuệ sẽ tìm được câu trả lời có trí tuệ. Thời AI hoành hành sẽ có những đào tạo dùng AI. Và đó cũng là một hướng kinh doanh khá tốt. Để có thông tin về các thế hệ loài người ở trên, tôi nhờ AI giúp 100% vì tôi biết hỏi như thế nào.

Khi tôi đang viết bài này thì được tin Việt Nam và Nvidia ký kết mở Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và Trung tâm Dữ liệu AI nhằm thúc đẩy ứng dụng AI, mở rộng việc làm cho nhân lực trong nước, một tin vui cho thế hệ Gen Z ưa thích và sống bằng công nghệ. Các trung tâm không chỉ đóng vai trò chủ chốt trong việc hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu, ứng dụng AI, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp mà còn tạo cơ hội việc làm cho đội ngũ nhân tài trong nước.

Dùng AI để phát triển đất nước thì rõ là... xanh rồi vì không phải phá rừng, đào núi, khai khoáng, lấp sông hay biển để xây bất động sản. Nếu đi đúng hướng thì bán ứng dụng AI chắc chắn giá trị hơn nhiều so với xui Gen Z đào than, hút dầu đem bán, hoặc đi xuất khẩu lao động chân tay.

Đương nhiên để định hướng cho thế hệ này thì người lãnh đạo cũng phải có cái đầu trên một bậc, có tầm nhìn công nghệ hàng chục năm, có tâm với phát triển mới đủ trình độ tạo ra môi trường cho Gen Z sáng tạo.

Hơn 30 năm trước tôi từng viết công nghệ thông tin (IT) là chìa khóa phát triển đất nước bên cạnh nông nghiệp bền vững và du lịch. Nhưng rồi để phát triển cho nền tảng IT, nhiều người thấy buôn bán máy tính dễ ăn hơn. Tin hay không tùy bạn nhưng nước ta chưa có một thiết bị hay phần mềm nào mang thương hiệu tầm quốc tế.

Đến thời của AI cũng vậy. Tôi vẫn cho rằng, AI chính là chìa khóa cho kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, thân thiện với thiên nhiên. Rừng, biển đã bị phá gần hết, để dựng lại thiên nhiên như xưa sẽ mất hàng thế kỷ.

Hiệu Minh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/moi-truong-song-tu-homo-sapiens-den-phono-sapiens/