Mối tương giao giữa rừng và biển từ ngàn xưa

Ngày xưa, từ đồng bằng duyên hải xứ Quảng lên miền núi, Tây Nguyên là quãng đường xa cách nghìn trùng. Để đến nơi phải băng rừng, lội suối, trèo qua bao dốc núi cheo leo, vượt qua bao hiểm nguy. Với điều kiện xa xôi, cách trở như vậy, tưởng như hai miền tách biệt, không có mối liên hệ gì với nhau, đặc biệt là đối với địa bàn bắc Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, nhưng kỳ thực, trong quá khứ lại có sự tương tác, giao lưu, hỗ trợ giữa rừng và biển. Hương vị biển đã thấm đẫm trong chiều sâu văn hóa của các dân tộc bản địa cư trú ở núi rừng Trường Sơn và bắc Tây Nguyên.

Từ con đường muối

Các dòng sông xứ Quảng như sông Trà Khúc, Trà Bồng, sông Vệ, sông Trà Câu, sông Thu Bồn, sông Vu Gia... là trục buôn bán chính giữa miền xuôi và miền ngược. Từ vùng đồng bằng Quảng Ngãi lên bốn nguồn Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Ba Tơ là một hệ thống giao thông đường bộ, đường sông khá thuận lợi. Ở những nơi có thể dùng thuyền ngược sông được thì người ta còn dùng thuyền, nhưng phần nhiều gồng gánh đi bộ. Người Kinh đi buôn nguồn, từ đồng bằng mang hàng hóa từ miền xuôi như vải vóc, nông cụ, đá lửa, dầu hỏa, nồi đồng, chiêng, ché, mắm muối... lặn lội đến các làng nóc để buôn bán. Trong các sản vật ấy, cá, mắm, muối là chủ yếu. Cá biển sẽ được phơi khô hoặc hấp chín để bảo quản được lâu. Họ mua về các sản vật ở miền núi như trầu, quế, trái cây, dây mây, mật ong... Người dân ở đồng bằng Mộ Đức, Đức Phổ mang muối Sa Huỳnh hoặc muối tự làm lên bán cho đồng bào vùng cao. Bắt đầu từ Thạch Trụ, con đường dài hàng trăm kílômét, đến Ba Tơ, vượt qua đèo Viôlắc đến bản làng Xơ Đăng ở Kon Tum.

Thuyền buồm trên sông Trà Khúc là phương tiện quan trọng của cư dân đồng bằng trong việc buôn bán trên nguồn. Ảnh: Jean Yves Claeys (Chụp những năm 1929 - 1938)

Thuyền buồm trên sông Trà Khúc là phương tiện quan trọng của cư dân đồng bằng trong việc buôn bán trên nguồn. Ảnh: Jean Yves Claeys (Chụp những năm 1929 - 1938)

Bên cạnh người đồng bằng đi buôn nguồn, người miền núi cũng đến vùng tiếp giáp, vùng trung gian hay đến tận miền biển để đổi đồ vật lấy mắm muối. Ngày xưa, muối ăn có giá rất đắt nên không phải ai cũng có tiền để mua. Một vốc muối nhỏ, chỉ đựng vừa đầy một tách uống trà, thời bấy giờ có giá bằng một con gà mái, một gùi muối nhỏ có thể đổi được một con trâu to. Muối mua được rất ít nên thường được cất giữ như của quý. Muối ăn là mặt hàng quý hiếm nên hạt muối kiếm được, bà con để dành ăn dần, sử dụng một cách dè xẻn. Muối còn dùng để trao đổi lương thực, thực phẩm, vật nuôi, đồ dùng và nhu yếu phẩm trong nội bộ dân tộc và các làng lân cận. Thời chiến, muối ăn của đồng bào còn san sẻ cho bữa ăn của bộ đội, cán bộ ở vùng căn cứ cách mạng.

Đến giao thoa văn hóa ẩm thực các dân tộc

Trong quá trình trao đổi hàng hóa giữa người miền núi và đồng bằng qua “con đường muối” đã có những ảnh hưởng qua lại, đặc biệt là trong văn hóa ẩm thực. Hiện nay, hệ ẩm thực hay cơ cấu bữa ăn hằng ngày của các tộc người miền núi đã có những nét tương đồng. Nếu như trước đây, đời sống của các tộc người thiểu số ở miền núi xứ Quảng và bắc Tây Nguyên là hệ thống đồ nấu chủ yếu là ống tre (nấu lam) và cách bảo quản bằng bếp lửa (thịt gác bếp/thịt xông khói), cách chế biến thịt cá, củ quả chủ yếu là nướng bởi sự linh động trong môi trường đi rừng, thì quá trình giao lưu đã có những tiếp biến về văn hóa dùng nồi. Từ việc sử dụng nồi để phục vụ cho các bữa ăn, bước đầu tạo nên sự tiện lợi, cũng như thói quen trong cách chế biến các bữa ăn hằng ngày, trong lễ hội, và rất thuận lợi cho việc nấu một số thức ăn trên bếp lửa của gia đình vào những ngày mưa gió. Các món ăn sẽ được nấu chín dễ dàng và kiểm soát được độ chín, các gia vị cũng sẽ thấm đều, đặc biệt là các món được chế biến loãng như canh, cháo... Trong cơ cấu món ăn của các tộc người ở đây, các món ăn từ luộc, nướng chiếm đa số, nay đã có thêm các món xào, trộn, kho các loại... Các gia vị như mì chính, dầu ăn, nước mắm, ruốc... đều có mặt trong các bữa ăn thường nhật. Trước khi biết đến chén bát, đồng bào các dân tộc nơi đây ăn cơm đựng trong lá chuối, vỏ bầu khô... về sau họ có thể tìm được chén bát và ché ở xứ sở của muối ở ven biển (vùng người Kinh).

Đặc biệt là trong các chuyến hàng xuôi ngược của các dân tộc miền núi đều mang về mắm, muối, các loại nồi, kiềng sắt, chén bát, ghè, ché để ủ rượu, ủ chua thực phẩm, chiếu hoa của người Kinh - một vật dụng không thể thiếu cùng với chiếc mâm mây, hay chiếc rá có đế gỗ của đồng bào Cor, Xơ Đăng, Ca Dong, chiếc mâm đồng có chân để dọn cỗ tiệc khi cúng tế thần linh và tiếp đãi khách quý trong các lễ hội cộng đồng hoặc của từng gia đình... Đây là những mặt hàng vô cùng thiết yếu và quan trọng đáp ứng nhu cầu ẩm thực hằng ngày và ăn uống của cộng đồng trong hoạt động lễ hội của các dân tộc. Lâu dần, các cư dân miền sơn cước đã có những chuyển biến mạnh từ văn hóa bốc tay sang văn hóa chén bát, đũa và văn hóa ống sang văn hóa nồi.

Ngoài những sản vật bán ra, đồng bào mua vào nhiều loại hàng hóa, đồ vật phục vụ đời sống ẩm thực. Đối với đồng bào Tây Nguyên và các dân tộc miền núi xứ Quảng, ché, nồi đồng được coi là đồ vật quý giá. Sẵn có nguồn lâm thổ sản dồi dào, đồng bào đổi lấy nồi đồng loại to, cổ thắt miệng loe, có hai tai, thường đúc ở làng Phước Kiều (Quảng Nam), Chú Tượng (Quảng Ngãi) hay những ché sứ, chén, đĩa được làm ra từ làng gốm sứ Mỹ Thiện, ở thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn). Các loại nồi đồng dù to hay nhỏ đều có hình dáng giống nhau, kiểu như “nồi hông” (nồi cổ), có bụng rộng, phần hông nồi nở ra xung quanh, miệng nồi hơi loe ra. Nồi đồng loại lớn gọi là nồi bung được đồng. Nồi đồng và ché là hai đồ vật làm nên nét đắc sắc trong văn hóa tộc người nói chung, văn hóa ẩm thực của các dân tộc Tây Nguyên nói riêng.

Con đường muối cũng là con đường mở ra việc giao thương, hỗ trợ và gắn kết giữa người Kinh và người Thượng, cùng nhau làm ăn, khai khẩn, lập nghiệp ở miền núi xứ Quảng và vùng đất Tây Nguyên. Điều đó minh chứng cho sự có mặt của người Quảng trên vùng đất Kon Tum khá sớm. Con đường huyền thoại xưa làm cho biển và rừng gần lại với nhau, mang lại đổi thay cho bản làng, mang đến những sản vật, hàng hóa thiết yếu cho cư dân và mở ra cánh cửa giao thoa văn hóa giữa các tộc người. Sự hậu thuẫn từ rừng và biển, nền tảng kinh tế vốn được xác lập từ quá khứ, nay được tiếp thêm sức mạnh của thời đại, của Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

TẤN VỊNH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202505/moi-tuong-giao-giua-rung-va-bien-tu-ngan-xua-2930625/