Món ngon ốc đá vùng Bảy Núi
Sau mỗi trận mưa, người dân vùng Bảy Núi tỉnh An Giang lại lên núi tìm ốc đá về làm thức ăn và bán cho du khách.
Thợ săn ốc
Khoảng 5 giờ sáng 25.9, anh Bảy Hưng (46 tuổi, ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đeo chiếc túi vải (bên trong chứa con dao quắm, đèn pin) rồi xách thêm cái xô rảo bước về núi đá vôi sau nhà. Đêm qua, vùng này có mưa, đoán chắc nhiều ốc đá bò ra khỏi hang đi tìm thức ăn nên anh Bảy Hưng cùng vài người đi bắt ốc.
Băng qua vài đám rẫy trồng xoài keo, mít, mãng cầu… dưới chân núi là đến tới nơi có ốc, cách nhà anh Bảy Hưng khoảng 2km. Nhiều năm đi rừng bắt ốc nên anh khá thành thạo kỹ năng.
Khom người bước vào lùm cây rậm rạp trước mặt, luồn bàn tay xuống đám lá rụng dưới mặt đất, anh gặp ngay con ốc to bằng miệng chén nhặt bỏ cho vào xô.
Đảo mắt nhìn quanh, đi thêm vài bước, anh Bảy Hưng lại tìm được những con ốc khác. “Đang vào mùa mưa nên ốc béo, con nào cũng căng mình nhìn bắt mắt", anh Bảy Hưng nói. Ở vạt rừng đầu tiên, anh kiếm được hơn chục con. Đi tiếp sang các khu vực lân cận và sau khoảng 1 tiếng, anh Bảy Hưng trở ra với 3kg ốc đá.
Cùng khởi hành chuyến săn ốc với anh Bảy Hưng, vợ chồng anh Việt Bô (ngụ xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) trở về nhà khi trời đã tối. Một ngày mưa tầm tã, không phải là điều kiện thuận lợi để bắt ốc, nhưng hôm nay vợ chồng anh Việt Bô cũng thu hoạch được kha khá.
“Để có thành quả chừng 10kg ốc này, vợ chồng tôi đã phải tìm kiếm miệt mài ở cánh rừng Lê Trì, Lương Phi (huyện Tri Tôn), núi Cấm (thị xã Tịnh Biên). Hôm nay mưa lớn từng đợt nên ốc lặn, không thu được nhiều. Nhưng như tôi là may mắn, nhiều người đi cùng cũng chỉ được 3 - 5kg thôi. Khi vừa mang ốc xuống núi đã có khách tới mua, tôi bán trước một nửa số ốc với giá 130.000 đồng/kg”, anh Việt Bô kể. Anh bảo rằng dù anh ở TP.Long Xuyên nhưng lấy vợ ở vùng Bảy Núi nên anh mới biết đến việc đi bắt ốc núi đá này. Dẫu mới có mấy năm học việc từ... vợ, song anh cũng được xem là tay săn ốc nhiều kinh nghiệm.
Anh Việt Bô chia sẻ: “Mùa săn ốc bắt đầu vào mùa mưa. Khi mưa trút xuống, ấy là lúc ốc đá xuất hiện nhiều nhất. Bởi vậy, cứ sau mỗi trận mưa bà con lại rủ nhau đi lên núi tìm ốc. Nói về hình dạng, ốc đá khác hẳn với nhóm họ hàng nhà ốc ở đồng bằng. Chúng thân màu trắng, hơi dẹp, vỏ sọc đen. Mùa nắng, ốc núi rúc mình dưới tán lá cây, trong hốc đá. Mưa xuống, chúng bò ra đón sự tươi mát của đất trời và kiếm ăn”.
Bắt ốc vài năm, anh Bảy Hưng, anh Việt Bô thuộc từng hang đá, hốc cây, bờ khe… Kinh nghiệm cho thấy, cứ những nơi sạch, có nhiều cây thuốc quý là nơi ốc sinh trưởng tốt. Ốc ở những nơi này thường dày ruột, có hương vị đặc trưng do ăn các loại rong rêu, lá, rễ cây thuốc. Nhưng bây giờ, khi người đi săn ốc nhiều hơn thì lượng ốc cũng ít đi. Có những buổi đi từ sớm tới tối muộn cũng chỉ đủ một bữa cho gia đình ăn. “Việc đi bắt ốc khá vất vả, người săn ốc phải men theo hết núi nọ rồi vượt sang núi kia, chẳng nhớ nổi đi hết bao đoạn đường, chỉ khi chiếc xô xách trên tay nặng trĩu thì mới trở về nhà. Chưa kể, trời mưa, dốc núi thẳng, người bắt ốc rất dễ bị trượt ngã, nhẹ thì trầy xước, nặng hơn thì gẫy chân gẫy tay”, anh Bảy Hưng bộc bạch.
Trong khi đó, anh Tâm Tịnh (người chuyên bắt ốc đá ở núi Cấm) cho hay: “Ốc đá chủ yếu ăn cây cỏ, cây thuốc trên núi Cấm nên hương vị rất thơm ngon. Do đó, từ chỗ là món ăn dân dã, ốc núi trở thành đặc sản được nhiều người săn đón. Mức giá hiện nay từ 130.000 - 150.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ cung. Do năm nay mưa trễ, ốc chỉ xuất hiện lác đác đầu mùa nên việc đi tìm bắt khó khăn hơn”.
Món đặc sản được nhiều người khoái
Anh Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn cho biết: “Thuở trước, ốc đá tại huyện Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên nhiều vô kể nên chẳng mấy ai quan tâm. Chủ yếu những ngày mưa, người ta ra vườn bắt một mớ để tăng món cho bữa ăn. Khi người dân vùng Bảy Núi đãi bạn bè ở các tỉnh thành khác, họ mang ốc đá ra mời và được khách ưa thích.
Dần dần, ốc đá trở thành đặc sản nên người ta tìm bắt nhiều, khiến chúng giảm dần số lượng. Với người hay đi bắt ốc đá, họ sẽ không bắt con nhỏ mà đợi đến mùa khai thác năm sau. Đây cũng là cách giữ gìn nguồn sản vật tự nhiên, giúp du khách có cơ hội thưởng thức đặc sản chốn non cao về sau này”.
Một quản lý nhà hàng L.T (phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, để hút khách, nhà hàng đều tìm các món ăn “tủ” tạo điểm nhấn về ẩm thực thu hút khách. “Nhà hàng tôi thì rất chú trọng việc sử dụng những nguyên liệu dân dã, đặc trưng truyền thống để chế biến thành những món ăn độc đáo, mới lạ, ví như như món ăn được chế biến từ ốc đá”.
Cũng theo quản lý nhà hàng L.T, ốc đá chủ yếu ăn lá cây rừng, thảo dược nên khá sạch. Ốc bắt về rửa sạch, ngâm nước chừng nửa giờ là có thể nướng, hấp gừng sả, trộn gỏi hành tây... Ngon nhất vẫn là ốc luộc vì giữ được hương thơm của vị thuốc. “Ốc đá ở vùng Bảy Núi thịt dai, thơm và béo.
Theo nhiều tài liệu, mùa ốc đá bắt đầu từ mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch). Ốc đá rời khỏi khe đá sâu hay lớp lá mùn, bò ra nhiều để đón nước mới sau mỗi trận mưa rào hoặc sau những ngày mưa dầm dề, ẩm ướt. Đó là thời điểm bắt ốc đá tốt nhất.
Ốc đá phần lớn bằng ngón chân cái, có vỏ cứng dày nên nặng. Mặt dưới phần bám đá thường có màu trắng, phía trên có màu đen, màu nâu, điểm những vân vàng trông rất bắt mắt. Ốc đá có miệng vê tròn đều đặn, không mỏng mảnh như ốc đồng. Ốc đá - còn gọi là ốc thuốc vì nó thường ăn lá rừng, rêu đá, lá thuốc thảo dược trong rừng nên vị thơm, bổ dưỡng.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mon-ngon-oc-da-vung-bay-nui-224239.html