Món quà hồi môn gây tranh cãi và câu chuyện chênh lệch giới tính
Gần đây, cư dân mạng xôn xao về việc chỉ vì mong kiếm được vợ cho con trai mà một người đàn ông Trung Quốc đã tuyên bố tặng 20 cuốn sổ đỏ. Câu chuyện này cho thấy sự chênh lệch nam - nữ ở quốc gia đông dân nhất thế thế giới với 1,4 tỷ người .
Người đàn ông kể trên hiện đang sinh sống ở tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc, nói rằng sẵn sàng tặng món quà cưới là 20 cuốn sổ đỏ để giúp cậu con trai độc thân (24 tuổi) sớm tìm được bạn đời. Tuy nhiên, câu chuyện cũng đã làm dấy lên làn sóng tranh cãi trong dư luận Trung Quốc về việc tại sao các ông bố bà mẹ lại quá ám ảnh và khao khát mong con cái lấy vợ lấy chồng.
Để tìm vợ cho con trai, người cha đã mang “một túi sổ đỏ” sở hữu đất đai tìm tới “góc ghép đôi” - một địa điểm công cộng với sự có mặt của những ông mai bà mối. “Người cha nói rằng, con trai ông là người tử tế và đang làm một công việc đầy triển vọng. Hiện ông muốn tìm người yêu thích hợp cho con trai mình” - người mai mối họ Zhang chia sẻ với Jimu News. Bà Zhang nói thêm rằng, người cha nọ không có ý định khoe khoang, nhưng ông hy vọng có thể tìm được một người con dâu xuất thân trong gia đình phù hợp với gia đình ông.
Xung quanh câu chuyện này, nhiều người bày tỏ mối quan ngại về ý định thực sự của người cha, trong khi rất ít người ca ngợi món quà hào phóng mà người cha tặng cho cậu con trai. Người ta đặt câu hỏi nghi vấn tại sao cậu con trai lại cần tới gần 20 căn nhà để chào mời tìm bạn đời. Một số người nhấn mạnh: Liệu rằng ông bố có đồng ý đưa tên con dâu vào trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất không? Có đưa tên cô ấy vào tất cả sổ chứng nhận không? Vì đây là tài sản thừa kế trước hôn nhân.
Trở lại với câu chuyện chênh lệch giới tính ở Trung Quốc, vào tháng 2 năm nay, Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đã công bố dữ liệu về giới trong năm 2021. Theo đó, Trung Quốc có 723,11 triệu nam giới và 689,49 triệu nữ giới. Tính theo độ tuổi kết hôn truyền thống là từ 20 - 40, nam giới Trung Quốc đang nhiều hơn nữ giới 20 triệu người.
“Chính sách 1 con” được Trung Quốc duy trì nhiều năm trước khi “nới” ra là 2 con rồi 3 con, với mục đích khuyến khích sinh để đối phó với tình trạng dân số sụt giảm và mất cân bằng giới tính trầm trọng. Người ta nhận ra rằng, với cặp vợ chồng chỉ có 1 con, không chỉ đứa trẻ lớn lên sẽ thành những “cậu ấm, cô chiêu” mà chúng sẽ phải gánh công việc rất nặng nề là chăm sóc cha mẹ già yếu. Có nghĩa là người chồng, vợ cùng với trách nhiệm chăm sóc con cái, thì mỗi người phải gánh trên vai nghĩa vụ với “4 bố mẹ”, gồm bố mẹ chồng, bố mẹ vợ.
Cũng chính vì thế mà chính sách sinh đẻ của Trung Quốc đã thay đổi mang tính thực tế hơn. Có thể nêu ví dụ từ tỉnh Quảng Đông. Với chính sách khuyến sinh mới của tỉnh này đã cho phép mọi trẻ em đều được đăng ký khai sinh dù là con ngoài giá thú. Chính quyền tỉnh Quảng Đông cho hay thủ tục đăng ký khai sinh sẽ không còn là công cụ để hạn chế sinh đẻ ở địa phương. Ủy ban Y tế tỉnh Quảng Đông xác nhận chính sách đăng ký khai sinh mới được thi hành bắt đầu từ ngày 1/5. Theo đó, người dân địa phương không cần nộp đơn xin sinh thêm con và mọi đứa trẻ đều được làm giấy khai sinh. Nói cách khác, giấy khai sinh hiện được dùng làm công cụ để giám sát dân số, thay vì là công cụ giới hạn sinh đẻ như những năm trước.
Đây là một phần trong công cuộc cải cách chính sách dân số để khích lệ tỷ lệ sinh đẻ ở đất nước tỷ dân. Quảng Đông hiện là khu vực có tỷ lệ sinh đẻ ở mức cao nhất trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, sau khi chính phủ Trung Quốc cho phép các cặp đôi sinh 3 con kể từ tháng 5/2021. Các cặp vợ chồng sinh con nhưng vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình sẽ không còn phải nộp tiền phạt như quy định trước đây.
Ngay sau khi chính phủ Trung Quốc cho phép các cặp vợ chồng sinh 3 con, nhiều tỉnh thành ở nước này đã bắt đầu thay đổi chính sách quản lý dân số và ban hành nhiều biện pháp khuyến khích các cặp đôi sinh thêm con. Ông Huang Wen-zheng - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho rằng với việc thay đổi các chính sách kiểm soát dân số, hy vọng sẽ sớm chấm dứt tình trạng mất cân bằng giới tính ở nước này.