Món quà quý báu
70 năm trôi qua, những khẩu lựu pháo đã không còn nguyên vẹn, đôi chỗ gỉ sét, vết đạn vẫn in hằn sau cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Số đạn pháo thu được từ quân địch, vượt mưa bom bão đạn kịp thời chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi nhận là 'món quà quý báu'.
Lấy vũ khí địch đánh địch
“Lựu pháo 105mm này do Mỹ sản xuất, viện trợ cho quân viễn chinh Pháp vào năm 1953 để thành lập các binh đoàn chủ lực cơ động trong chiến tranh Đông Dương. Sau những năm tháng đóng góp cho cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, khẩu pháo được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4 như một chứng tích của lòng quả cảm với phương châm “lấy vũ khí địch đánh địch” của quân và dân ta”, Trung tá Nguyễn Hữu Hoành, Trợ lý trưng bày Bảo tàng Quân khu 4 (thành phố Vinh, Nghệ An) chia sẻ.
Theo Trung tá Hoành, cuối năm 1953, để kéo giãn đội hình quân đội Pháp ở Việt Nam, ta mở chiến dịch Trung Lào - Hạ Lào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho Sư đoàn 325 (sư đoàn chủ lực của Liên khu 4) mở các chiến dịch, trong đó có chiến dịch Trung Lào nhằm lôi kéo, chia cắt lực lượng địch để giãn quân chủ lực của Pháp ở Việt Bắc. Cuối năm 1953, đầu năm 1954, lực lượng chủ lực là các đơn vị Sư đoàn 325 Liên khu 4 phối thuộc với các đơn vị địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh theo đường cửa khẩu số 8 (Hà Tĩnh) chiến đấu ở Trung Lào. Lúc này, Pháp đã ngay lập tức cho chi viện người và vũ khí tới các cứ điểm ở đây.
Trong cuộc tấn công vào đồn Khăm He (tỉnh Khăm Muộn, Lào), Tiểu đoàn 274 và Tiểu đoàn 232, Sư đoàn 325 tham gia chiến đấu, sau một giờ đã tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch, thu giữ toàn bộ pháo và đạn pháo, trong đó có khẩu lựu pháo M2A1 số hiệu NO.16258 cùng với gần 1.000 viên đạn 105mm chưa sử dụng. “Số pháo và đạn pháo này đối với ta thời điểm đó là cực kỳ quan trọng. Lựu pháo 105mm chính là vũ khí hạng nặng đầu tiên của quân đội Việt Minh làm nên những chiến thắng lừng lẫy dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ”, Trung tá Hoành nói.
Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn nhập ngũ năm 1950 và gắn bó với quân đội đến năm 1984 với vai trò là trợ lý cán bộ nghiên cứu - Học viện Chính trị. Ông là thương binh 3/4 và đã được nhận nhiều huân, huy chương của Đảng và Nhà nước. Năm 2022, Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn là một trong 75 đại biểu người có công tiêu biểu vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật tại Trụ sở Trung ương Đảng nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022).
Khi nghe báo cáo về số chiến lợi phẩm thu được ở chiến dịch Trung Lào, ngay lập tức, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh bức điện cho Liên khu 4, yêu cầu vận chuyển khẩn cấp hàng ưu tiên đạn pháo và pháo ra Điện Biên Phủ. Từ Khăm Muộn (Lào), 4 khẩu pháo này được đưa về Liên khu 4. Theo yêu cầu của Tổng tư lệnh mặt trận, toàn bộ vũ khí thu được ngay lập tức chuyển ra mặt trận. Số đạn pháo được chia làm hai đợt vận chuyển, mỗi đợt 450 viên. Trong đợt 1, những viên đạn pháo được cho lên xe đạp thồ vận chuyển bằng đường chiến lược theo đường 15, qua Nghệ An, Thanh Hóa, ngược lên Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu. Số đạn pháo còn lại cũng kịp thời vận chuyển ra phục vụ chiến dịch. Sau đó, 4 khẩu lựu pháo cũng chia làm hai đợt để đưa ra chiến trường Điện Biên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, năm 1967, những khẩu lựu pháo này được tặng lại Bảo tàng Quân khu 4 để phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử.
“Không ngại hy sinh, không sợ đổ máu”
70 năm trước, Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn (SN 1928, trú thành phố Vinh, Nghệ An) lúc đó là Chính trị viên Tiểu đoàn 12 pháo binh, Sư đoàn 316, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cho biết, số đạn, pháo từ Liên khu 4 gửi ra chiến trường thời điểm đó đã giúp quân đội ta tăng thêm hỏa lực, đánh tan các cứ điểm của địch, mở đường cho bộ binh tấn công tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. “Cuối chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, đạn pháo rất khan hiếm nên số khẩu pháo, đạn pháo thu được từ quân địch có ý nghĩa rất quan trọng, vừa giúp tiêu diệt sinh lực địch, vừa kiềm chế pháo binh của địch. Quá trình đó giằng co mãi cho đến lúc địch đầu hàng”, Đại tá Thìn chia sẻ.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Thìn được giao nhiệm vụ chuẩn bị chiến trường. Buổi tối theo sự phân công của cấp trên, ông và đồng đội tiếp cận hàng rào của Pháp để xem hướng tấn công, phòng ngự của địch, xác định phương án tác chiến. Ban ngày lại lên núi cao quan sát đội hình Pháp đóng quân. “Ngày đó, chúng tôi tham gia chiến dịch với tinh thần tiến công, không ngại hy sinh, không sợ đổ máu, vào chiến trận là chỉ biết xông lên, đầy quyết tâm. Niềm vui vỡ òa khi nhìn thấy quân địch dùng cờ trắng để đầu hàng và lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy”, Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn bồi hồi nhớ lại.
“Vượt qua hàng nghìn km mưa bom bão đạn, đường rừng hiểm trở, số đạn pháo này đã kịp thời vận chuyển ra chiến trường trước giờ nổ súng tổng tiến công. Việc cung cấp kịp thời này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi nhận trong hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” là món quà quý báu của hậu phương Liên khu 4 cho chiến dịch Điện Biên Phủ” - Trung tá Nguyễn Hữu Hoành.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Thìn trở về địa phương. Tháng 2/1958, đơn vị ông được lệnh trở lại Điện Biên xây dựng lực lượng và làm kinh tế. Trong lần trở lại này, ngoài công việc như dò mìn, phá hủy bom đạn địch để lấy đất sản xuất,… ông nhận thêm một nhiệm vụ đặc biệt, đó là tìm mộ liệt sĩ để xây dựng nghĩa trang. Khi nhận nhiệm vụ, ông đã tổ chức lực lượng, phân công các tổ tìm kiếm và thống kê ở nhiều hướng khác nhau với quyết tâm không để sót một liệt sĩ nào. “Sau nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi đã đánh dấu và thống kê được gần 4.000 ngôi mộ. Sau đó, các ngôi mộ được quy tập về ba nghĩa trang ở chân đồi A1, Him Lam và Độc Lập”, ông Thìn cho hay.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mon-qua-quy-bau-post1631501.tpo