Một cách khác đón Tết
Tết gợi lên một cảm thức đặc biệt mà chỉ ở Việt Nam mới có.
Nhiều người tha hương có đầy đủ bánh chưng, giò chả nhưng vẫn thiếu bầu không khí nhà nhà đón Tết từ khắp mọi nẻo đường. Thời đại mới, con người cần gì từ Tết và có thể lược bỏ những gì cho Tết được thảnh thơi hơn?
Tết xưa
Tuổi thơ của tôi ấn tượng nhất là vào dịp Tết, bà ngoại "ngả ra con lợn béo" mà cả gia đình nuôi ròng rã một năm để đón các con cháu về tụ họp.
Đó là giống lợn ỉ đen với lông đen, chân ngắn, lưng võng, thịt mỡ nhiều chứ không phải siêu nạc nhưng thịt của nó thơm ngon hiếm có, kể cả mỡ cũng ngon. Từ một con lợn mà ngày Tết sẽ có nhiều món ngon như giò lụa, giò thủ gói lá chuối, canh măng khô hầm chân giò, nem rán, nhân thịt gói bánh chưng... ăn dần cho nhiều ngày Tết.
Ngoài những món ăn, ấn tượng đọng lại trong tôi còn là mùi hương đặc biệt của một thời không có hương hóa chất. Nó thơm sâu thăm thẳm, đưa người ta về một miền tâm linh đầy lòng biết ơn và trầm lắng. Không hiểu sao khi ấy, mặc dù tôi chỉ là một đứa trẻ nhưng trong bầu không gian lan tỏa khói hương đặc biệt, cộng với mùi hương từ đóa hoa huệ trên ban thờ, mùi hương của thức ăn đặt lên bàn cúng tổ tiên, tôi đã cảm nhận được rất sâu sự thiêng liêng của ngày Tết ở vùng nông thôn miền Bắc bấy giờ.
Thường ngày mùng 1 Tết, bà tôi và con cháu sẽ lên chùa thắp nhang và vãn cảnh. Ngày đó chùa chiền đúng là nơi tu hành thực sự, không xô bồ và cầu xin tài lộc như bây giờ. Bà tôi chỉ thắp nhang khấn vái cho con cháu được khỏe mạnh, học hành tấn tới. Trước Tết, đi ngang qua chùa, sẽ thấy các bà sãi cầm cây chổi tre quét lá rụng xào xạo, yên tĩnh, chậm rãi, nhẹ nhàng, tôi tưởng rằng cái bầu không khí này ngàn năm trước vẫn thế. Nó gợi cho tôi về một thời gian như ngừng lại chốn ấy.
Sau này ra thành phố ở cùng bố mẹ, có những Tết không được về quê vì lúc ấy ông bà nội ngoại tôi đã mất, không khí Tết cũng bớt đi phần nào sự thiêng liêng. Mặc dù bố mẹ vẫn giữ tục lệ gói bánh chưng, chúng tôi thức khuya để canh lửa, chờ khoảnh khắc vớt bánh rồi đón giao thừa với tiếng pháo đì đùng và mùi pháo thơm khét nhưng cảm giác Tết vẫn không được như thời sống với bà ngoại.
Bố mẹ tôi ở tuổi hơn 70 vẫn còn thích gói bánh chưng vào dịp Tết. Tôi cản mà không được nhưng cũng hiểu rằng vấn đề không phải là món ăn, mà là tâm thức đón Tết cổ truyền vẫn là một truyền thống không thể thiếu được với người già - để được bận rộn và không cô đơn, để con cháu sum vầy có câu chuyện nói về.
Tết nay
Khi mẹ chồng tôi chuyển từ Huế vào TP HCM, năm đầu tiên đón Tết, bà nấu rất nhiều món vì vẫn giữ thói quen và tập quán đón Tết ở Huế. Mạ tôi kể ở Huế còn nấu gấp đôi ở đây, vì có khách thì sẽ mời cơm, đông họ hàng, cháu chắt cần có món ngon để mời.
Nhưng khi vào TP HCM, ít người thăm viếng hơn, nấu xong mâm cúng vẫn dư, cộng với việc chồng tôi chỉ thích đi ăn tiệm vào các ngày mùng 2, mùng 3, nên dần dần mạ nấu ít lại. Mạ công nhận rằng cuối cùng, bà đã được giải phóng khỏi tập tục đè nặng lên người phụ nữ bao nhiêu năm. Cho tới bây giờ, mâm cơm cúng dịp Tết bà nấu món chay hoặc món mặn thì chỉ hai đến ba món, ăn ngày nào hết ngày đó, tránh tình trạng cúng xong lại cất tủ lạnh, đến ngày sau ăn không còn ngon nữa.
Tôi may mắn lấy người chồng không đòi hỏi phải nấu nướng cuối tuần hay vào dịp Tết. Tuy nhiên, nếu thấy khỏe và hào hứng, tôi sẽ tái hiện một mâm cỗ xưa để luôn thấy ký ức hiện về thật đẹp. Mâm cỗ miền Bắc quê tôi không thể thiếu món nem rán, bánh chưng, dưa hành, dưa muối, canh măng giò lợn, canh bóng thả, giò thủ (đi mua), rau xào... Tôi thực hiện cả món Tết miền Nam như thịt kho hột vịt, tôm khô ngâm củ kiệu, dưa giá, nấu canh khổ qua nhồi thịt, bánh tét đi mua. Về món Huế, chồng tôi chỉ thích món thịt ngâm nước mắm (thịt dầm) nên năm nào tôi cũng làm hũ thịt dầm trước Tết 10 ngày để ăn vào các ngày Tết. Mùng 1 Tết, tôi cùng gia đình ăn chay kiểu Huế với món canh nấm rơm - đậu hũ, đậu hũ và nấm rơm kho tương, nấm xào rau
củ. Ngày Tết, ăn chay xen ăn mặn thấy người nhẹ nhàng và khỏe hơn, vì vậy tôi hầu như không tăng ký sau Tết.
Là người nghiên cứu về ẩm thực nhiều năm, lại sống ở TP HCM, Tết với tôi không nặng về ăn uống như miền Bắc, có nhiều thời gian đi chơi hay uống cà phê. Ngày Tết, các dịch vụ ăn uống vẫn mở khá nhiều nên không nhất thiết ngày nào cũng phải nấu nướng. Miền Nam có từ chơi Tết, tôi cực kỳ tâm đắc vì cả năm làm việc vất vả, nếu ngày Tết cũng tập trung nấu nướng, ăn uống thì quá mệt, trừ phi đó là điều bạn thích.
Món Tết hiện đại
Nhìn vào thực đơn món Tết 3 miền, có thể thấy lượng đạm và calo quá nhiều, dễ gây tăng cân, cộng với việc Tết không phải làm nhiều việc thì việc dư cân có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Tùy theo gia đình và vùng miền, bên cạnh những món ăn truyền thống không thể thiếu như bánh chưng, bánh tét, giò chả, thịt các loại, để cân bằng hơn nên có thật nhiều món rau như gỏi hoa chuối, gỏi dưa leo xanh mát, nộm su hào, rau xà lách cà chua, tăng cường thêm các món chay nấu với củ như su hào, cà rốt, su su, đậu hũ, nấm rơm...
Các món ăn nên giảm muối và đường tối đa để ăn lạt khi phải ăn nhiều. Nếu trong ngày có một bữa ăn nặng nề thì có thể dùng bữa ăn sau nhẹ nhàng với rau luộc hoặc xà lách. Nếu vẫn thích bận rộn cho vui ngày Tết thì có thể dành thời gian trình bày món ăn thật đẹp, trang trí nhà cửa cho gọn gàng vui mắt. Có thể trổ tài nấu một món ăn duy nhất nhưng nó thật "ấn tượng" cho người thân của mình.
Ngày Tết, ai cũng có tâm lý nấu thật nhiều rồi cất vào tủ lạnh, làm món ăn mất ngon, thậm chí cuối cùng phải đổ đi. Trên mạng xã hội, năm nào cũng có chuyện hài với vài con gà luộc phải cất vào tủ lạnh sau các bữa cơm cúng không biết làm món gì cho ngon. Không giống món thịt kho, thịt gà luộc xong chỉ ăn trong ngày là ổn nhất, để tủ lạnh không còn vị ngon nữa.
Nếu cho rằng truyền thống là phải ăn như "các cụ" thì không lẽ tôi phải mổ lợn vào dịp Tết như thời bà ngoại mới gọi là Tết? Tục lệ nào đẹp, làm cho người ta khỏe khoắn, vui vẻ, hạnh phúc, an lành thì có thể giữ mãi. Nếu tục lệ nào là gánh nặng thì có thể suy nghĩ để "buông" cho thân tâm an lạc.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/du-lich-xanh/mot-cach-khac-don-tet-20230118120944948.htm