Một cửa hàng huyền thoại ở New York phải dẹp tiệm

Trước giá thuê mặt bằng đắt đỏ ở New York, người chủ của Artbag - nơi từng đón tiếp nhiều người nổi tiếng đến sửa túi xách, đồ hiệu - buộc phải chuyển cửa hàng sang một bang khác.

Ngày 30/6, cửa hàng Artbag nằm trên đại lộ Madison (New York, Mỹ) chuyên phục chế, “phù phép” lại cho những chiếc túi đồ hiệu như Hermes, Chanel sẽ đóng cửa sau 90 năm tồn tại ở Big Apple, theo NY Times.

Christopher Moore, con trai của người chủ cửa hàng, và vợ sẽ chuyển công việc kinh doanh đến Coral Springs, bang Florida.

Suốt gần 1 thế kỷ hoạt động, những cái tên nổi tiếng mà cửa hàng đã đón tiếp có thể kể đến như cố đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy, nhà báo Diane Sawyer, nữ diễn viên Elizabeth Taylor và Cicely Tyson. Họ mang theo những chiếc túi Chanel, Louis Vuitton tìm đến Artbag mỗi khi cần sửa chữa.

The Vogue thậm chí còn gọi nơi này là "huyền thoại" trong giới thời trang, túi xách.

 Artbag chuyên phục hồi, sửa chữa những chiếc túi hàng hiệu có giá trị từ vài nghìn USD trở lên. Ảnh: Insider.

Artbag chuyên phục hồi, sửa chữa những chiếc túi hàng hiệu có giá trị từ vài nghìn USD trở lên. Ảnh: Insider.

Từng bị Hermes kiện

Tầng lớp giàu có trên khắp nước Mỹ cũng tin tưởng vào khả năng phục chế ở nơi này. “Một khách hàng trung thành từ Long Island từng gửi cho chúng tôi 160 chiếc túi xách để làm sạch vì khói từ đám cháy trong nhà của cô ấy làm hỏng chúng”, Christopher kể lại.

Lần khác, anh nhận nhiệm vụ khôi phục một chiếc túi Hermes sau khi bạn trai của nữ khách hàng suýt làm hỏng nó bằng một cây bút.

Vào những ngày này, cửa hàng ở trong tình trạng lộn xộn, thùng hàng, túi giấy xếp ngổn ngang. Việc dọn dẹp, đóng gói đang được tiến hành nốt.

“Công việc kinh doanh của chúng tôi vẫn tiến triển tốt. Trong đại dịch, cửa hàng vẫn bám trụ qua giai đoạn khó khăn. Nhưng giá thuê mặt bằng trên Đại lộ Madison đang ‘bóp nghẹt’ chúng tôi. Các vị trí đẹp khác ở New York cũng có giá thuê đắt đỏ”, Christopher giải thích.

Kỹ năng liên quan đến phục hồi một chiếc túi xách hiệu không chỉ nằm ở riêng việc làm sạch bề mặt mà nhiều lúc còn cần định hình lại chiếc túi. Khâu này có thể yêu cầu loại bỏ cấu trúc cũ và thay thế bằng một khung túi mới để khôi phục lại hình dạng.

Tồn tại gần 1 thế kỷ ở tiểu bang New York, giờ Artbag chuyển địa điểm sang bang Florida. Ảnh: NY Times.

Tồn tại gần 1 thế kỷ ở tiểu bang New York, giờ Artbag chuyển địa điểm sang bang Florida. Ảnh: NY Times.

Trong giai đoạn mà Artbag tạo ra những thiết kế nguyên bản cũng như bản sao của những chiếc túi xách hàng hiệu, chiếc túi nổi tiếng nhất thuộc về dòng túi Hermes Kelly. Có thời gian, cửa hàng sản xuất những chiếc túi đặt riêng theo yêu cầu của từng khách để phù hợp với phần gọng do hãng Cartier sản xuất.

Mở rộng kinh doanh không phải là không có xung đột. Vào cuối những năm 1990, Hermes từng kiện Artbag và các công ty khác vì sao chép mẫu thiết kế túi xách của mình.

Năm 2000, Artbag quyết định hợp tác với Hermes và không còn may những chiếc túi bản sao nữa. Cửa hàng tiếp tục phục hồi những chiếc túi Hermès Kelly và Birkin, cũng như những chiếc túi của các nhà thiết kế nổi tiếng khác.

Thế hệ thứ hai tiếp quản

Năm 1932, Hillel Tenenbaum, người sở hữu cửa hàng lúc bấy giờ, mở cửa hàng ở thị trấn Lexington (hạt Greene, New York) với số vốn 60 USD. Sau đó, cửa hàng trải qua hai lần chuyển địa điểm trước khi dừng chân ở đường 59 và 86 trên đại lộ Madison.

Đến năm 1959, cha của Christopher, ông Donald Moore, vào Artbag làm việc.

Việc sửa chữa những chiếc túi xách bị hư một cách tỉ mỉ đã làm nên danh tiếng của cửa hàng. Ảnh: NY Times.

Việc sửa chữa những chiếc túi xách bị hư một cách tỉ mỉ đã làm nên danh tiếng của cửa hàng. Ảnh: NY Times.

“Tôi bắt đầu làm việc với nhiệm vụ quét sàn nhà và phủ bụi đồ đạc hàng ngày”, người đàn ông 80 tuổi nhớ lại. Sau này, ông Donald chuyển sang học cách may túi xách và thường xuyên làm việc từ 8h30 đến 22h, trung bình mất 2 ngày để hoàn thành một sản phẩm.

Đến năm 1976, ông Tenenbaum bán một phần nhỏ cổ phần cho ông Donald. Gần hai thập kỷ sau, vào năm 1993, ông Donald mua lại toàn bộ cửa hàng. Sáu năm sau, ông chuyển giao quyền sở hữu cho Christopher.

Christopher tiết lộ thêm gia đình mình có truyền thống kinh doanh nhiều đời.

“Ông cố của tôi có cửa hàng tổng hợp đầu tiên thuộc sở hữu của người da màu ở thành phố Elizabeth, New York. Còn ông nội từng là một nhà thầu nông nghiệp, chuyên đi thuê công nhân cho các trang trại của người da trắng trong khu vực”.

Trong giai đoạn phân biệt chủng tộc còn hằn sâu trong xã hội Mỹ, nhiều khách hàng đến cửa hàng cũng tỏ rõ thái độ không muốn làm việc, trao đổi với người đàn ông da màu.

Trong ký ức của ông Donald, chỉ những khách hàng đang vội mới chịu trao đổi với mình, khi những nhân viên bán hàng khác đều bận. Nhưng điều đó dần thay đổi theo thời gian.

Hiện tại, gia đình Moore nuôi hy vọng cửa hàng ở Florida vẫn giữ vững vị trí. Họ chọn Coral Springs vì khu vực này nằm giữa Miami và Palm Beach, có thể dễ dàng di chuyển từ hai sân bay gần đó.

Khách hàng vẫn có thể dễ dàng gửi túi đến Artbag sửa chữa. Tuy nhiên, nhóm khách hàng giàu có ở New York không mấy vui vẻ với sự rời đi của địa chỉ lâu năm này.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-cua-hang-huyen-thoai-o-new-york-phai-dep-tiem-post1327611.html