Một doanh nghiệp ngành gỗ bị chi phí bào mòn tới 70% lợi nhuận
Theo Gỗ An Cường, lợi nhuận của công ty giảm mạnh chủ yếu do tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu.
Công ty Cổ phần Gỗ An Cường (HoSE: ACG) vừa công bố thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2023. Theo đó, doanh thu thuần trong quý của công ty đạt 680 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù giá vốn hàng bán đã tiết giảm so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty vẫn tụt dốc từ 251 tỷ đồng tại quý I/2022 xuống chỉ còn 191 tỷ đồng trong quý I/2023, tương đương giảm 23%.
Đáng chú ý, các khoản chi trong quý của công ty đều phát sinh mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, chi phí tài chính tăng gấp đôi lên 16 tỷ đồng. Chi phí bán hàng đạt 136 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 36 tỷ đồng; tăng lần lượt 28% và 16% so với cùng kỳ năm 2022.
Khấu trừ các chi phí, Gỗ An Cường báo lãi 36 tỷ đồng, giảm mạnh 70% so với quý I/2022. Theo giải trình của Gỗ An Cường, lợi nhuận của công ty giảm mạnh chủ yếu do tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu và chi phí bán hàng tăng do công ty chủ động mở rộng hệ thống phân phối.
Năm 2023, Gỗ An Cường đặt mục tiêu thu về 5.000 tỷ đồng doanh thu và 668 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, kết thúc 3 tháng đầu năm, Gỗ An Cường đã hoàn thành 13% kế hoạch doanh thu và 5,4% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Về tình hình tài chính của doanh nghiệp, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Gỗ An Cường đạt 5.265 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số đầu năm. Chỉ số hàng tồn kho của công ty tăng hơn 5% lên 1.546 tỷ đồng, phần lớn từ 739 tỷ đồng nguyên vật liệu.
Dư nợ đến cuối kỳ của doanh nghiệp là 1.306 tỷ đồng, giảm 16% so với số đầu kỳ, trong đó chiếm đa số là nợ ngắn hạn với 1.295 tỷ đồng.
Theo báo cáo về Thực trạng và kiến nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), việc sụt giảm giá trị xuất khẩu lâm sản chủ yếu do một số khó khăn do lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển nên chính phủ các nước đã ban hành nhiều chính sách thắt chặt tiền tệ, dẫn đến người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ của các quốc gia tiếp tục phát huy nhằm bảo hộ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước; do vậy, đã làm ảnh hưởng tới việc thương mại sản phẩm gỗ của Việt Nam. Phòng vệ thương mại giữa các quốc gia có nhiều diễn biến phức tạp. Ngành gỗ đối mặt với các vụ kiện về ván dán và các vụ điều tra về mặt hàng tủ bếp và bàn trang điểm đối với thị trường Hoa Kỳ.
Từ những khó khăn trên, VIFOREST kiến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó tập trung vào tiêu chí là giá sản phẩm phải tốt; sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu; sản phẩm phải đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt.
Ngoài ra, tái cấu trúc, tổ chức lại sản xuất của doanh nghiệp, trong đó chú trọng đổi công nghệ, hoàn thiện hệ thống quản trị sản xuất, nâng cao tính hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực.
Theo VIFOREST doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.