Một doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ chia sẻ chiến lược ứng phó với mức thuế 46%
Trước thông tin Mỹ ký sắc lệnh áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp là lo ngại, bàng hoàng. Tuy nhiên, một doanh nghiệp thuần Việt và kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới hơn 50% giữ tâm thế bình tĩnh với việc đưa ra 5 chiến lược ứng phó.
Theo biểu thuế đối ứng của Mỹ do Tổng thống Donald Trump công bố ngày 2/4 vừa qua, thuế nhập khẩu đối ứng được Mỹ áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại, trong đó khoảng một nửa số nền kinh tế chịu mức thuế chung là 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4. Các đối tác thương mại lớn của Mỹ chịu mức cao hơn, lên tới 50%, từ 9/4. Nhằm "đối ứng" với thuế nhập khẩu Việt Nam đang áp với hàng hóa Mỹ, Việt Nam chịu mức thuế 46%.
Thông tin này ngay lập tức khiến nhiều doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và giới chuyên gia lo ngại về việc giảm cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Mỹ, đồng thời gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam.
Tuy vậy, tại hội thảo đánh giá tác động và giải pháp ứng phó cho doanh nghiệp về thuế đối ứng của Mỹ ngày 5/4, chia sẻ từ CTCP Secoin về cách ứng phó đã gây nhiều chú ý.
Theo bà Võ Thị Liên Hương - Tổng Giám đốc Secoin, Secoin là doanh nghiệp Việt Nam 100% chuyên sản xuất gạch nghệ thuật sinh thái và đã xuất khẩu sang Mỹ trong nhiều năm qua. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Secoin sang Mỹ chiến tới hơn 50%.
Do vậy, thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là một cú sốc đối với Secoin và nhiều doanh nghiệp khác.

Bà Võ Thị Liên Hương - Tổng Giám đốc CTCP Secoin.
Song, ngay lập tức Secoin đã xác định những việc cần phải làm ngay khi 'cơn bão" ập đến. Có 5 yếu tố mà Secoin xem xét dựa trên quá khứ, những chiến lược đã đi vào thị trường Mỹ cũng như những mong muốn của Secoin đối với cả Chính phủ.
Thứ nhất, doanh nghiệp phối hợp với các đối tác, mắt xích trong chuỗi cung ứng để cùng ứng phó. Chuỗi cung ứng của Secoin gồm có chuỗi cung ứng cả ở bờ Tây và bờ Đông của nước Mỹ.
"Nhà phân phối của Secoin ngay lập tức trấn an Secoin cần bình tĩnh. Họ đánh giá việc áp thuế là ngắn hạn cứ không phải là dài hạn. Những diễn biến xảy ra trong những ngày tới là chưa rõ nhưng chắc chắn sẽ không tệ hơn những gì chúng ta đang nghe dựa trên kinh nghiệm của họ, sẽ tốt hơn nhưng sẽ không tốt như cũ. Cũng theo các nhà phân phối của Secoin, cho dù chúng ta có làm việc như thế nào thì trong bối cảnh mới các bên phải cùng hợp tác với nhau và Secoin cũng sẵn sàng chia sẻ. Sự chia sẻ giữa các bên, bao gồm nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà bán lẻ sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra giải pháp cuối cùng", bà Hương nói.
Thứ hai, về chiến lược của công ty, trước đây Secoin cũng xuất khẩu đi nhiều nước, trong đó Mỹ vẫn là một thị trường lớn, trọng điểm.
Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, Secoin sẽ tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, tức không bỏ trứng vào một giỏ. Khi con đường xuất khẩu sang thị trường Mỹ gặp trở ngại thì doanh nghiệp đồng thời tìm đường sang các thị trường khác. Secoin sẽ hướng sang khai thác thị trường châu Âu, Australia, Nhật Bản, Úc.
"Đây là những thị trường mà Secoin đã vào từ lâu nhưng đây là cơ hội để chúng tôi mở rộng các thị trường đó. Các đối tác, kênh phân phối, chuỗi cung ứng ở các thị trường đó cũng rất chia sẻ với doanh nghiệp. Họ nói sẵn sàng chung tay với chúng tôi nếu doanh nghiệp gặp khó khăn. Thay vì việc tập trung vào phát triển thị trường Mỹ, chúng tôi lại hướng sang các thị trường này", bà Hương chia sẻ.
Thứ 3, về phương án ứng phó về tài chính và quản trị nội bộ của doanh nghiệp, dù chưa có kết quả đàm phán từ Chính phủ nhưng Secoin cũng đãdự tính doanh số xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường Mỹ sẽ giảm, lợi nhuận của doanh nghiệp đối với những đơn hàng tại trường này cũng sẽ giảm.
Secoin phải xem xét vấn đề dòng tiền, xem xét chi phí đầu vào, chi phí nguyên vật điệu làm sao để quản trị theo hướng tinh gọn nhất và linh hoạt nhất. Từ khóa của Secoin trong bối cảnh hiện này là tinh gọn và linh hoạt.
Thứ 4, chiến lược cạnh tranh của Secoin từ xưa đến nay là khi ra sân chơi toàn cầu, phải khai thác những thế mạnh của Việt Nam. Lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp là trên sân nhà. Khi xuất khẩu gặp khó khăn, Chính phủ Việt Nam cũng đang có những hỗ trợ tích cực như hạn chế hàng nhập khẩu, giúp cho hàng Việt Nam có lợi thế cạnh tranh lớn hơn.
"Đây cũng là lúc mà chúng tôi có thể hướng về sân nhà nhiều hơn, khai thác thị trường Việt Nam nhiều hơn và khai thác tất cả những phương thức kinh doanh mới chẳng hạn như D2C để làm sao mình đến với khách hàng, với thị trường nhanh hơn", bà Hương nói.
Cùng đó, doanh nghiệp phải đưa ra các sản phẩm khác biệt để cạnh tranh. Sản phẩm hiện nay của Secoin là sản phẩm handmade, sản phẩm nghệ thuật đi vào những thị trường ngách ở các nước phát triển. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục đi theo hướng khác biệt và cạnh tranh bằng yếu tố nghệ thuật, yếu tố bản sắc của Việt Nam.
Thứ 5, thay vì đánh giá tin tức theo kiểu tiêu cực, doanh nghiệp nhìn vào những điểm tốt, điểm tích cực của thông tin. Trong nguy luôn có cơ. Khi một chuỗi cung ứng bị xáo trộn mà doanh nghiệp hoảng sợ, đổ mọi chi phí lên các mắt xích trong chuỗi cung ứng là điều không nên.
Theo cách tiếp cận của Secoin, đây là thời cơ để công ty củng cố chuỗi cung ứng, củng cố niềm tin từ các nhà phân phối của mình, cùng chia sẻ, đồng hành với họ. Nếu như các bên cùng nhau vượt qua được cơn bão này, quan hệ của doanh nghiệp đối với cả hệ thống phân phối chuỗi cung ứng sau này sẽ có rất nhiều lợi thế để phát triển lâu dài.
Theo bà Hương, 5 yếu tố trên chính là chiến lược phản ứng nhanh của Secoin trước thông tin Mỹ có thể mạnh tay áp thuế với Việt Nam. Vào thời điểm hiện tại, doanh nghiệp nhìn lại, đánh giá cái gì then chốt, việc gì phải làm ngay thì tập trung làm ngay, qua đó hướng con thuyền của doanh nghiệp đi đúng hướng đã định.
Cũng theo bà Hương, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam kịp thời vào cuộc, nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy vậy, Tổng Giám đốc Secoin bày tỏ mong muốn Chính phủ có chính sách giải quyết bài toán về thao túng tiền tệ, tạo môi trường công bằng cho doanh nghiệp Việt để doanh nghiệp thực sự cạnh tranh được không chỉ trên sân nhà mà còn vững vàng bước ra thế giới.