Một lần đi trinh sát và lời hẹn gặp ngày chiến thắng
Nhớ lại một lần đi trinh sát, ông Dũng và hai đồng đội phải nấp trong một vườn dưa leo rộng cả ngàn mét vuông. Để tránh bị phát hiện, các trinh sát trẻ được cô du kích Củ Chi đưa cho bộ quần áo bà ba, hóa trang thành nông dân nhằm qua mắt địch...

Cựu chiến binh Nguyễn Anh Dũng kể về kỷ niệm thời làm lính trinh sát bộ binh và lời hẹn gặp nhau trong ngày chiến thắng.
Ông là Nguyễn Anh Dũng, sinh năm 1952, quê Thái Bình. Hồi đó, chàng trai trẻ rời ghế nhà trường, nhập ngũ tháng 5/1971, đúng vào ngày thi tốt nghiệp cấp 3.
Sau một khóa huấn luyện, tháng 12/1971, ông được bổ sung vào Trung đoàn 48, sư đoàn 320 để lên đường vào Nam chiến đấu. Từ Trạm 5 ở Quảng Bình (nay là khu Phong Nha – Kẻ Bàng), đơn vị ông bắt đầu hành quân bộ trên một tháng để vào đến mặt trận Tây Nguyên.
Nhớ cô du kích Củ Chi
Ông Dũng là lính trinh sát bộ binh của Trung đoàn 48. Sau khi giải phóng Tây Nguyên, đơn vị ông về giải phóng thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Sau đó, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, Củ Chi và là một trong năm mũi tiến vào giải phóng Sài Gòn từ hướng Tây Bắc…
Tháng 4/1975, đơn vị ông Dũng được lệnh chuẩn bị đánh căn cứ Đồng Dù ở Củ Chi. Đây là căn cứ của Sư đoàn 25 Việt Nam cộng hòa, án ngữ cửa ngõ phía Tây Sài Gòn. Đơn vị ông có nhiệm vụ trinh sát, dẫn tiểu đoàn chủ công của trung đoàn mở hướng tấn công chính ở hướng Tây Bắc vào căn cứ Đồng Dù.
Tổ trinh sát của ông nhiều đêm điều tra căn cứ. Từ khu rừng non lúp xúp để tiếp cận căn cứ phải qua một bãi trống khoảng gần một km, đến khu ruộng trồng rau màu của bà con rồi lại đến một khoảng trống ngăn cách với hàng rào của căn cứ. Khoảng trống này do địch trong căn cứ phóng hỏa đốt để tạo vùng đệm chống xâm nhập. Thường thì, những người lính sẽ tập kết ở khu rừng chờ trời tối mới tiếp cận hàng rào và trở ra trước khi trời sáng.
“Hôm ấy, sau khi chui vào qua 7 hàng rào đến gần hào chống tăng, chúng tôi phát hiện địch mới bổ sung thêm một hàng rào bùng nhùng nữa. Thế là lại phải bò tiếp vào để điều tra. Khi trở ra đến bãi trống ngoài hàng rào thì trời rạng sáng. Ba anh em bò đến cánh đồng trồng hoa màu của bà con thì trời sáng rõ. Bây giờ mà đi qua khoảng đất trống rộng thì kiểu gì cũng lộ. Anh em trong tổ bàn nhau và quyết định sẽ ém lại trong vườn dưa leo của đồng bào chờ đến tối mới ra”, ông Dũng nhớ lại.

Ông Dũng (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng đội và nữ du kích Củ Chi năm xưa.
Nơi ông Dũng và đồng đội trú ẩn là một vườn dưa leo rộng cả ngàn mét vuông. Những dậu dưa sai trĩu quả đang chờ thu hoạch. Ba người chia nhau chui vào các dàn, mỗi người quan sát một hướng. Mặt trời lên rất nhanh và nhiệt độ tăng dần. Nhờ có dàn dưa leo che nắng nên cũng đỡ mệt nhưng đầu vẫn căng như dây đàn.
“Chúng tôi phải căng mắt ra quan sát đề phòng địch đi tuần tra ngoài hàng rào, cả tình huống dân phát hiện nữa. Mặc dù dân Củ Chi là dân cách mạng nhưng sợ khi bất ngờ họ có phản ứng đột ngột sẽ gây sự chú ý của địch trong căn cứ”, ông nói.
Chỗ các trinh sát nằm khi ấy hoàn toàn trong tầm quan sát từ chòi canh của địch. Mặc dù đã thống nhất phương án đối phó với từng tình huống cụ thể song vẫn chưa thể yên tâm. Nếu bị lộ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến anh em trong tổ mà nguy hiểm hơn có thể lộ hướng tấn công và địch sẽ tăng cường tuần tra và phòng thủ.
Thời gian trôi qua chậm chạp, lác đác một số đồng bào ra làm ruộng nhưng là ở các thửa khá xa. Một lúc sau có hai người phụ nữ, một già, một trẻ chở nhau trên chiếc xe đạp đi thẳng đến chỗ các đồng chí trinh sát. Ông Dũng ngồi dậy trong luống dưa, đội mũ tai bèo lên đầu chờ đợi.
Người phụ nữ khoảng 50 tuổi còn cô gái khoảng 14, 15 tuổi. Trong khi cô bé còn ngồi trên bờ ruộng để bịt khăn rằn lên mặt che nắng thì người phụ nữ đi lại đầu luống dưa chỗ anh lính trinh sát ngồi. Khi nhìn thấy một người lính trẻ, bà sững người lại.
Ông Dũng vội nói: “Má, tụi con là bộ đội giải phóng”. Định thần, bà bảo người lính trẻ ngồi yên rồi quay lại nói gì đó với cô gái. Trở lại chỗ ông Dũng ngồi với bi đông nhựa của lính Mỹ đựng đầy nước. Bà vừa hái dưa vừa nghe ông nói.
Bà đưa cho người lính mấy quả dưa ngon nhất rồi bảo: “Để má cho con Tư về báo cho du kích”. Nói rồi bà quay lại chỗ cô gái ngồi. Cô gái đạp xe đi. Bà mang bi đông nước và những trái dưa đến cho từng người.

Các cựu chiến binh Sư đoàn 320 tại Dinh Độc Lập.
Khoảng nửa tiếng sau thì có hai người phụ nữ đạp xe đến. Một cô khoảng 20 tuổi đến luống dưa chỗ ông Dũng ngồi, rồi nói: “Tôi là Bẩy Thơm, du kích Củ Chi. Bây giờ tôi sẽ đưa mấy anh ra khỏi đây”. Cô đưa cho các anh lính trinh sát mỗi người một bộ bà ba, một chiếc mũ rộng vành lấy từ trong chiếc bao mang theo. “Các anh mặc quần áo vào. Bỏ súng vào bao dưa rồi từng người một dùng xe đạp chở dưa ra khỏi đây. Các anh đi thẳng đến chỗ cây cao mép rừng thưa kia sẽ có người đón”, cô du kích nói.
Theo chỉ dẫn của cô, ba người lính lần lượt thoát ra ngoài an toàn. Đến điểm hẹn trong rừng thưa họ lại gặp nhau. Cô đưa cho mỗi người một ổ bánh mì và một chai nước. Lúc này, người lính trẻ mới có dịp nhìn kỹ cô gái. Bẩy Thơm dong dỏng cao, khuôn mặt thanh thoát, dưới lông mày mắt bên trái có một nốt ruồi màu đỏ.
Nói chuyện một lát thì những người lính trinh sát phải chia tay Bẩy Thơm và các cô du kích Củ Chi để về đơn vị. “Bắt tay cám ơn và tạm biệt, chúng tôi hẹn gặp nhau trong ngày chiến thắng”, ông thổn thức.
Vẫn tin ngày chiến thắng
Ông Dũng cho hay, hàng năm, anh em, đồng đội mỗi khi gặp lại nhau, những người lính già đều cùng nhau ôn lại kỷ niệm khi còn ở chiến trường. Những ngày tháng ấy vô cùng gian khổ, ác liệt, sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng họ chưa bao giờ nhụt chí.
Những người lính kiên trung ấy cảm thấy vô cùng may mắn khi còn sống sót và trở về sau chiến tranh. Khi nhắc về những người đồng đội đã nằm xuống nơi chiến trường, có người còn không tìm được hài cốt, ai cũng ngậm ngùi, xót thương và cảm thấy còn nợ những người đã ngã xuống.

Cựu chiến binh Nguyễn Anh Dũng cùng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Xuân Thiện.
“Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, đơn vị tôi có lúc gần như bị xóa sổ, quân số hao hụt vì hy sinh, vì thương tật, vì ốm đau. Những lúc ấy chẳng ai nghĩ đến ngày trở về. Những người lính mới như chúng tôi khi lần đầu chứng kiến đồng đội hy sinh thật khủng khiếp. Sau mới hiểu rằng sự hy sinh trong chiến tranh là điều không tránh khỏi. Xót thương đồng đội đã tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trong chiến đầu. Dù chiến tranh ác liệt nhưng trong sâu thẳm vẫn tin ở ngày chiến thắng dù có thể còn xa, rất xa…”, ông Dũng bộc bạch.
Là những người lính đã trải qua chiến tranh, ông rất tự hào khi được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định. Giờ đây, những nước cựu thù của chúng ta nay đã trở thành bạn bè, thành đối tác chiến lược...
Khi bom rơi đạn nổ quanh mình, cảm giác cái chết ở rất gần. Khoảnh khắc ấy, những người lính trẻ không nghĩ đến chiến thắng hay thua cuộc mà chỉ nghĩ đến mẹ và gia đình. Trong các trận đánh, chiến thắng mang lại niềm vui nhưng không có chiến thắng nào không có sự hy sinh, tổn thất. Đối với ông, nỗi ám ảnh lớn nhất trong chiến tranh là khi nhìn thấy đồng đội của mình ngã xuống. Bất cứ cuộc chiến tranh nào, hậu quả mà nó để lại cũng vô cùng khốc liệt, lâu dài và đau thương. Vì thế, trải qua chiến tranh mới thấy cái giá của hòa bình thật lớn biết nhường nào.

Ông Dũng cùng đồng đội thăm lại Dinh Độc Lập.
Như bao người lính khác được sống trở về sau chiến tranh, ông chỉ nghĩ mình đã hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc. Sự đóng góp của mình trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc chỉ là hạt cát trong biển cả. “Được sống và trở về sau khi chiến tranh kết thúc là sự may mắn, hạnh phúc lớn lao so với rất nhiều đồng đội đã ngã xuống, hy sinh tuổi thanh xuân cho độc lập của dân tộc, cho hòa bình của đất nước”, người lính già tâm sự.
Trở về với đời thường, người lính ngoài 70 tuổi luôn tâm niệm, mỗi việc mình làm hôm nay là sự bù đắp cho những người đã ngã xuống hôm qua. Dường như, trong câu chuyện với tôi, ông luôn thể hiện niềm yêu đời, lạc quan, kiên trung của người lính cụ Hồ. Trong dòng ký ức của ông luôn có hình ảnh những người đồng đội đã hy sinh, cô du kích đã đưa ông và đồng đội ra khỏi vườn dưa...
Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng trong đôi mắt của người lính già ấy vẫn còn đau đáu về vấn đề giải quyết hậu quả của chiến tranh để lại, mà như ông nói "vẫn còn rất nhiều việc phải làm". Đó là tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, nạn nhân chất độc màu da cam...
Ông bộc bạch: “Hy vọng, với việc tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì việc đền ơn đáp nghĩa sẽ ngày càng được quan tâm và giải quyết tốt hơn để xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc".
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-lan-di-trinh-sat-va-loi-hen-gap-ngay-chien-thang-311981.html