Một lát cắt về cuộc đời anh hùng áo vải Nguyễn Huệ

Vở cải lương 'Mặt trời đêm thế kỷ' của cố tác giả Lê Duy Hạnh, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn, vừa được Nhà hát Cải lương Việt Nam hoàn thành và ra mắt, là một lát cắt rất đời về anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - vua Quang Trung với những suy tư, trăn trở về vận mệnh đất nước.

Một cảnh trong vở cải lương “Mặt trời đêm thế kỷ” được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng.

Một cảnh trong vở cải lương “Mặt trời đêm thế kỷ” được Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng.

Là người con của quê hương Bình Định (xã Bình An, huyện Tây Sơn), tác giả Lê Duy Hạnh dành nhiều tâm huyết viết những tác phẩm sân khấu về phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. “Mặt trời đêm thế kỷ” ca ngợi công lao của hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, người đã đưa phong trào Tây Sơn từ cuộc khởi nghĩa nông dân trở thành phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, là một trong 3 kịch bản giúp tác giả Lê Duy Hạnh nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2001. Đây cũng là kịch bản được nhiều đơn vị kịch hát dân tộc dàn dựng và biểu diễn thành công trong những năm qua.

“Mặt trời đêm thế kỷ” thể hiện hình tượng trung tâm là vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, nhưng không đi sâu khai thác những chiến công lừng lẫy hay tài năng xuất chúng của ông mà tái hiện một Nguyễn Huệ - vầng “mặt trời đêm” với những suy tư, trăn trở về trách nhiệm của mình trước vận mệnh đất nước, dân tộc. Vở diễn là lát cắt về giai đoạn Nguyễn Huệ còn là Bắc Bình Vương, đóng quân ở Phú Xuân (Huế). Thế nước khi ấy, ở Đàng trong thì Nguyễn Ánh cầu viện giặc Xiêm đánh chiếm Gia Định, Đàng ngoài thì Lê Chiêu Thống chạy sang cầu viện nhà Thanh. Nguyễn Nhạc ngủ quên trên chiến thắng, chỉ muốn giữ một phủ Quy Nhơn, ngày đêm say sưa tiệc tùng, ca múa. Vũ Văn Nhậm (con rể Nguyễn Nhạc) thì chuyên quyền, tham lam vơ vét tiền của, đẩy dân vào cơ cực, lầm than. Nguyễn Huệ đành quyết định đem quân ra Bắc trừng trị Vũ Văn Nhậm… Đây là giai đoạn vô cùng khó khăn và dằn vặt của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ khi ông phải đối mặt với muôn vàn thách thức để chặn đứng cuộc xâm lăng của nhà Thanh, trải qua nỗi đau chia ly, mất mát, anh em bất hòa, chia rẽ… Song ông luôn đưa ra những quyết định, lựa chọn đặt vận mệnh dân tộc, lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, như một vầng mặt trời soi sáng cả màn đêm thế kỷ…

Đã từng dàn dựng hai kịch bản cũng rất nổi tiếng của tác giả Lê Duy Hạnh cho Nhà hát Cải lương Việt Nam là “Vua Thánh triều Lê” (năm 2015) và “Chiếc áo thiên nga” (năm 2018) đều giành Huy chương vàng trong các kỳ Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc, Nghệ sĩ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai bày tỏ luôn yêu thích dựng vở diễn về đề tài lịch sử của tác giả này: “Kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh vừa có sức hút với người làm sân khấu bởi sự tinh tế, nhuần nhị, bố cục kịch chặt chẽ; song cũng vừa là thách thức bởi luôn chất chứa nhiều tầng triết lý sâu xa, đòi hỏi người dàn dựng phải “vỡ” từng con chữ, từng lời thoại để xây dựng hành động kịch”.

Theo đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai, cũng như các tác phẩm khác của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, “Mặt trời đêm thế kỷ” không chỉ giúp khán giả hôm nay hiểu sâu sắc về lịch sử dân tộc, mà còn để lại những bài học về tinh thần yêu nước, thương dân, sự công minh, chính trực, đặc biệt là tinh thần “quân pháp bất vị thân”, xử lý sai phạm không có vùng cấm… vẫn còn nguyên giá trị trong thời đại ngày nay.

Kịch bản “Mặt trời đêm thế kỷ” do Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Chi chuyển thể cải lương, có lời ca gần gũi, dễ hiểu. Đạo diễn cũng đẩy nhanh tiết tấu vở diễn để phù hợp với thị hiếu khán giả hiện nay, đồng thời tinh tế sử dụng các điệu bài chòi Bình Định, tiếng kèn tuồng, tiếng trống trận mang âm hưởng miền đất võ Tây Sơn để dễ dẫn dắt khán giả về bối cảnh xưa.

Các vai diễn được lựa chọn và gửi gắm cho dàn nghệ sĩ tài năng, sung sức của Đoàn Nghệ thuật truyền thống của nhà hát, như Văn Thuận (vai Nguyễn Huệ), Văn Tuấn (vai Nguyễn Nhạc), Trung Tuấn (vai Nguyễn Lữ), Tuấn Thanh (vai Vũ Văn Nhậm), Nghệ sĩ ưu tú Hồng Hạnh (vai Ngọc Hân), Nghệ sĩ ưu tú Thiên Hoa (vai Thứ Phi)… đã góp phần tạo nên thành công cho vở diễn. Đặc biệt là nghệ sĩ Văn Thuận đã thể hiện hình tượng Nguyễn Huệ oai phong, uy dũng nhưng cũng đầy trăn trở, dằn vặt...

Sân khấu được thiết kế tối giản với duy nhất chiếc ngai vàng, bao quanh là vầng mặt trời, cũng là một điểm nhấn thể hiện chủ đề của tác phẩm.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/mot-lat-cat-ve-cuoc-doi-anh-hung-ao-vai-nguyen-hue-675179.html