Một năm xung đột Nga - Ukraine: Những trận đánh quyết định
Nga từng hy vọng sẽ nhanh chóng nắm quyền kiểm soát Ukraine khi cuộc chiến bắt đầu. Nhưng Ukraine đã chiến đấu với sự hỗ trợ vũ khí từ phương Tây.
Một năm kể từ cuộc xung đột Ukraine vào ngày 24/2/2022, tình hình có vẻ hoàn toàn khác so với những gì mà nhiều nhà quan sát đã dự đoán. Hiện tại, cuộc chiến đang ở trong tình trạng bế tắc và được xem như một cuộc chiến tiêu hao. Ukraine vẫn tìm cách giành lại lãnh thổ ở phía nam và phía đông nước này, còn Nga cũng không có thêm được bước tiến lớn nào trong vài tháng qua.
Cuộc tấn công bầu trời
Khi xung đột nổ ra, các nhà phân tích nhất trí rằng Nga sẽ chiến thắng một cách nhanh chóng “nếu giành quyền kiểm soát bầu trời và sau đó tận dụng lợi thế này”, Gustav Gressel, chuyên gia quân sự người Nga tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại ở Berlin lưu ý. Nhưng Nga đã thất bại trong việc làm chủ trên không và điều đó đã gây ra “những hậu quả đáng kể sau đó”.
Người Nga đã sử dụng hệ thống gây nhiễu điện tử cường độ cao để làm mù hệ thống phòng không của Ukraine, do đó giúp việc ném bom các mục tiêu như căn cứ không quân trở nên dễ dàng hơn nhiều. "Nhưng người Nga đã bất cẩn trong việc đánh giá hiệu quả của các vụ đánh bom, khi họ gây ra nhiều thiệt hại nhưng phá hủy được ít công trình chiến lược", ông Gressel nói.
Quân đội Nga sau đó đã quá vội vàng gửi bộ binh tới trước khi cuộc tấn công trên không đạt được mục tiêu. “Để tiến hành cuộc xung đột trên bộ, họ phải ngừng gây nhiễu các thiết bị điện, vì nếu không, họ sẽ ngăn quân đội của mình liên lạc với nhau", ông cho hay. "Và tại thời điểm này, các lực lượng Ukraine đã có thể phục hồi và tập hợp lại hệ thống phòng không của họ".
Trận chiến Kiev
Quân đội Nga đã cố gắng giành chiến thắng một cách nhanh chóng bằng cách tiến về thủ đô Ukraine vào ngày 24/2. Nhưng nỗ lực này đã thất bại do người Ukraine “nhanh chóng tổ chức phòng thủ hiệu quả, ngay cả khi họ bị bất ngờ”, ông Sim Tack, một nhà phân tích tại công ty tư vấn quân sự Mỹ Force Analysis, đánh giá.
Việc Nga cố gắng chiếm sân bay Hostomel vào ngày 24/2 mang tính biểu tượng về mặt này. “Nga gửi lực lượng đặc biệt bằng máy bay trực thăng, cũng như triển khai các máy bay vận tải truyền thống, với các đơn vị cơ giới sau đó tham gia cùng họ từ Belarus", ông Gressel giải thích.
Nhưng người Ukraine đã đẩy lùi thành công các máy bay vận tải, vì vậy quân đội phải đến bằng trực thăng bị cô lập và dễ bị tổn thương, qua đó không thể tiếp viện kịp thời cho quân đội và khí tài khổng lồ của mình đang ở bên ngoài Kiev, để rồi phải rút quân.
Trận chiến Kherson
Các lực lượng Nga đã cố gắng vượt sông tại Mykolaiv nhưng không thành công. Vì vậy, họ lao về phía bắc như một phương án B, hy vọng đi qua một thành phố nhỏ hơn như Voznesensk.
“Nga đã cố gắng sao chép những gì người Mỹ đã làm ở Iraq vào năm 2003, cử các đơn vị nhỏ tiến lên để chiếm giữ các mục tiêu một cách nhanh chóng", ông Tack phân tích. "Nhưng họ thiếu sự hỗ trợ trên không mà các lực lượng Mỹ từng có, và điều đó đã tạo nên sự khác biệt hoàn toàn".
Vì vậy, chiến lược này của Nga cuối cùng đã phản tác dụng vì nó “làm quân đội Nga bị kéo giãn ra và giúp quân đội Ukraine có thêm thời gian để tập hợp lại giữa hai đợt tấn công”, ông nhận định.
Trận chiến Kharkiv
Thành phố lớn thứ hai của Ukraine, Kharkiv, chỉ cách Nga 40 km và khiến nó trở thành mục tiêu chính cho cuộc xung đột. Kharkiv cũng là một “cửa ngõ vào miền trung Ukraine” theo quan điểm của Moscow.
Người Nga đã cố gắng chiếm Kharkiv trong ngày 24/2. Nhưng lực lượng phòng thủ Ukraine đã cầm cự trong nhiều tháng trước khi đẩy lùi quân Nga, ngay cả trong bối cảnh Nga thực hiện các cuộc không kích dữ dội.
“Trận chiến này đã chứng minh rằng quân đội Nga gặp khó khăn khi tác chiến tại các vùng đô thị, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Kharkiv", ông Tack phân tích thêm. “Điều đó cho thấy rằng, chiến tranh đô thị là một trong những hình thức chiến đấu phức tạp nhất và ngay cả Mỹ cũng không đưa ra được giải pháp dễ dàng nào".
Trận thành phố cảng Mariupol
Thành phố cảng chiến lược Mariupol ở đông nam Ukraine cũng là một trong những mục tiêu chính của Nga. “Kiểm soát Mariupol sẽ cho phép Moscow tạo cầu nối giữa khu vực Donbas và khu vực Kherson ở phía tây”, ông Tack chỉ ra.
Nhưng trận chiến giành Mariupol khó khăn và kéo dài lâu hơn nhiều so với những gì Moscow dự tính. Người Nga đầu tiên chiếm cảng, sau đó di chuyển đến trung tâm thành phố. Tuy nhiên, họ đã gặp phải sự kháng cự không mệt mỏi của nhiều nhóm du kích Ukraine.
Một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất về sự kháng cự quyết liệt của Ukraine trong trận chiến này là ở nhà máy thép Azovstal, nơi quân đội Ukraine tiếp tục cuộc cầm cự, cam chịu ngay cả khi phần còn lại của Mariupol đã thất thủ.
Và chính tại Mariupol, Nga “bắt đầu chiến lược ném bom dữ dội vào các thành phố khi chiến lược bộ binh không còn tác dụng”, ông Tack chỉ ra.
Sông Donets được coi là đường phân chia tự nhiên giữa miền bắc và miền nam Ukraine, và xét về vị trí chiến lược này, cuộc chiến để kiểm soát nó có thể được coi là “trận chiến quyết định cục diện cuộc chiến”.
Những nỗ lực vượt sông không thành công của Nga, đầu tiên là tại Izium vào tháng 3 và sau đó là tại nhiều điểm giao cắt khác giữa Izium và Lyssychansk trong những tháng tiếp theo, đã khiến các mặt trận lâm vào bế tắc.
Tại thời điểm này, cuộc chiến Nga - Ukraine đã chuyển từ một cuộc chiến nhanh sang một cuộc chiến giành các vị trí chiến lược. Do đó, việc Nga liên tục thất bại trong việc vượt qua Donets nhấn mạnh "sức mạnh của địa lý trong giao tranh", ông Tack nói.
“Ngay cả với tất cả các thiết bị hiện đại, việc vượt sông vẫn là một hoạt động rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp hoàn hảo", ông cho biết. Người Nga đã học được điều này một cách khó khăn khi chịu tổn thất nặng nề về người và vật chất trong những nỗ lực vượt sông thất bại.
Trận chiến Bakhmut
Sau khi chiếm được các thành phố Severodonetsk và Lysychansk ở vùng Luhansk vào tháng 6 và tháng 7, các lực lượng Nga bắt đầu một cuộc tấn công vào thành phố Bakhmut ở vùng Donetsk lân cận.
Trận giao tranh ác liệt nổ ra xung quanh thị trấn Popsana vào tháng 3 là điển hình cho chiến lược tấn công mũi nhọn của quân đội Nga. “Quân đội Nga đã sử dụng rất nhiều loại pháo để phá vỡ tuyến phòng thủ và mở đường cho bộ binh", ông Gressel cho biết.
Người Ukraine gặp khó khăn trong việc chống lại các trận địa pháo này ở Popsana. Ông Tack lưu ý rằng trận chiến giành Popsana “vẫn tạo ra động lực của cuộc chiến ngày nay, bởi vì nó đã mở ra con đường tới Bakhmut cho người Nga”.
Khi cuộc xung đột gần đến ngày kỷ niệm một năm, có những lo ngại về các cuộc tấn công mới của Nga nhằm giành quyền kiểm soát Bakhmut - một trong những trận chiến dài nhất của cuộc xung đột và có ý nghĩa mang tính biểu tượng cho sự phản kháng của Ukraine.
Hoàng Việt (theo AJ, France24)