Một nhiệm kỳ khó khăn với tân Thủ tướng Israel

Sau khi được quốc hội phê chuẩn, chính phủ liên minh mới của Israel đã tuyên thệ nhậm chức, đánh dấu sự khởi đầu của một chính phủ cực hữu nhất từ trước tới nay, đồng thời đặt ra cho tân Thủ tướng Benjamin Netanyahu những thách thức trong việc cân bằng các chính sách đối nội và đối ngoại.

SỰ KHỞI ĐẦU CỦA MỘT CHÍNH PHỦ MỚI

Tân Thủ tướng Israel BENJAMIN NETANYAHU: “Tôi, Benjamin Netanyahu, với tư cách là thủ tướng, cam kết trung thành với Nhà nước Israel và luật pháp của đất nước, hoàn thành với trò thủ tướng và thực hiện các quyết định của Quốc hội.”

Với 63 phiếu ủng hộ trong tổng số 120 phiếu, chính phủ mới của tân Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội. Đây là chính phủ thứ 6 do ông Netanyahu đứng đầu và được mô tả là cánh hữu nhất, cực đoan nhất trong lịch sử các chính phủ ở Israel.

Tân Thủ tướng Netanyahu đã chỉ ra 3 nhiệm vụ cơ bản của chính phủ mới là ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran; phát triển cơ sở hạ tầng và khôi phục an ninh; quản trị nội bộ.

Tân Thủ tướng Israel BENJAMIN NETANYAHU: “Nhiệm vụ đầu tiên là ngăn chặn những nỗ lực của Iran nhằm phát triển kho vũ khí hạt nhân. Chúng ta cũng cần đảm bảo lợi thế quân sự của Israel trong khu vực. Và thứ 3 là tiếp tục mở rộng hòa đàm với các quốc gia A-rập nhằm chấm dứt xung đột.”

Chính phủ liên minh của ông Netanyahu được thành lập chỉ vài giờ trước khi hết thời hạn chót. Thành phần nội các mới có 30 bộ trưởng và 3 thứ trưởng, và được mô tả là cánh hữu nhất trong lịch sử Israel.

MỘT NHIỆM KỲ MỚI ĐẦY KHÓ KHĂN

Việc các thành viên mới trong nội các đều là cánh hữu hoặc cực hữu dẫn đến lo ngại nhiều chính sách xã hội tại Israel sẽ bị điều chỉnh theo hướng bảo thủ hơn.

Ông ASSAF SHAPIRA - Giám đốc Chương trình cải cách chính trị tại Viện dân chủ Israel: “Các chính phủ liên minh trước đây luôn có sự tham gia của một số đảng ôn hòa và thậm chí có đảng cánh tả. Chính phủ hiện nay không có đảng nào như vậy trong liên minh. Vì vậy, trong nhiệm kỳ này, ông Netanyahu có thể trở nên cực đoan và dân túy hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước.”

Về đối ngoại, tân Thủ tướng Netanyahu sẽ phải đối mặt với thách thức kiềm chế các thành viên trong liên minh nhằm giữ cho các mối quan hệ bang giao của Israel không gặp sóng gió. Trong nhiệm kỳ mới, các vấn đề lớn như cuộc xung đột với Palestine, nhân quyền hay vấn đề hạt nhân Iran, nếu không được xử lý khéo léo, sẽ làm mất lòng các đối tác lớn, đặc biệt là Mỹ, điều mà Israel không bao giờ muốn xảy ra.

Ông ASSAF SHAPIRA - Giám đốc Chương trình cải cách chính trị tại Viện dân chủ Israel: “Chính phủ mới đã được lựa chọn thông qua một quá trình bầu cử dân chủ và chiếm đa số Quốc hội. Vì vậy đây là một chính phủ dân chủ. Tuy nhiên, một số biện pháp, kế hoạch, các luật mà chính phủ này muốn thúc đẩy, theo như thỏa thuận liên minh, sẽ có thể ảnh hưởng tới bản chất dân chủ của Israel."

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng sau bầu cử đầu tháng 11, ông Netanyahu tuyên bố sẽ bảo vệ nền dân chủ của Israel, tôn trọng quyền cá nhân của mọi công dân và sẽ hành động đại diện cho tất cả nhân dân Israel. Với một loạt vấn đề phát sinh liên quan đến chính sách nhập cư, pháp lý, nhân quyền, bình đẳng giới, tôn giáo… do sức ép của các đảng cực hữu trong liên minh, tân Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ đối mặt với một nhiệm kỳ mới đầy khó khăn để thực hiện cam kết này.

Thực hiện : QT

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/mot-nhiem-ky-kho-khan-voi-tan-thu-tuong-israel