Hãng tin ABC News cho biết, hiện tại 3 tàu ngầm lớp Collins của Hải quân Australia được phát hiện có phần thân bị ăn mòn ở mức "cực kỳ nghiêm trọng", cần phải sửa chữa khẩn cấp, thực trạng trên khiến chúng không thể ra khơi cho tới cuối năm 2024.
Giới chức quân sự nước này đã xác nhận việc có tới 3 tàu ngầm phải về xưởng để bảo dưỡng. Như vậy lúc này chỉ có 3 tàu ngầm Collins có thể đi làm nhiệm vụ, con số thường trực ngoài khơi chỉ là 1 - 2 chiếc bởi vì tàu còn lại phải ở trạng thái dự bị.
Hãng tin ABC News đặc biệt lưu ý đến tình trạng chiếc tàu ngầm thứ 5 khi nó mới được hạ thủy vào năm 1999 nhưng đã bị hư hại do ăn mòn đối với các bộ phận ở khu vực ống phóng ngư lôi.
Những chi tiết nói trên được thiết kế giúp cho tàu ngầm chịu được áp suất cao dưới nước và có thể lặn xuống độ sâu lớn. Với lỗi kỹ thuật nói trên, chất lượng chế tạo các tàu ngầm đang bị đặt dấu hỏi.
Thân tàu ngầm Collins cấu tạo từ hợp kim thép đặc biệt có độ vững chắc cao và ít bị nhiễm từ, hợp kim này còn được phủ thêm một lớp mạ niken, giúp tăng khả năng chống ăn mòn. Nhà sản xuất cho biết độ bền của cấu trúc lên tới trên 25 năm, nhưng thực tế lại chưa được như vậy.
Theo nhận xét, lý do chính dẫn đến sự gia tăng tốc độ ăn mòn của cấu trúc thân tàu xuất phát từ việc đặt ngư lôi gần đó, hoặc đúng hơn là do hỗn hợp carbon monoxide (CO) và oxit nitơ dùng trong nhiên liệu của ngư lôi.
Bên cạnh đó còn xuất hiện ý kiến nghi ngờ khẩu kiểm soát chất lượng vật liệu ở giai đoạn đóng tàu chưa được đảm bảo, nhất là khi điều này đã được đề cập tới nhiều lần, cho dù sự xuống cấp của cấu trúc kim loại thân tàu ngầm là điều không thể tránh khỏi theo thời gian.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện, một đại diện của Hải quân Hoàng gia Australia cho biết, các bộ phận tàu ngầm Collins bị hư hỏng sẽ được khôi phục trong quá trình đại tu, sửa chữa lớn.
Lớp thép bị ăn mòn trên các bộ phận bị hư hỏng sẽ được loại bỏ và một lớp mới sẽ được hàn vào, sau đó chúng sẽ được mài giũa và tiến hành các thử nghiệm cần thiết để kiểm nghiệm chất lượng.
Trong lúc này, giới truyền thông còn nhắc tới việc ngay ở giai đoạn thiết kế và đóng mới, lớp tàu ngầm này đã gặp phải một số vấn đề liên quan đến việc thay đổi thiết kế, gây ra tình trạng gián đoạn về thời hạn bàn giao.
Tuy nhiên những chiếc tàu ngầm lớp Collins vẫn không thoát khỏi sai sót sau khi hạ thủy, nghiêm trọng nhất là phát sinh tiếng ồn lớn trong quá trình vận hành, điều này xuất phát từ loại động cơ được lựa chọn vào phút chót.
Các vấn đề liên quan tới chất lượng của các bộ phận kết cấu, công nghệ hàn, lỗi động cơ và chất lượng của kính tiềm vọng cũng được xác định, cho thấy năng lực đóng tàu ngầm của Australia rất có vấn đề.
Thực tế trên có lẽ càng khiến Hải quân Australia mong đợi những chiếc tàu ngầm hạt nhân do Mỹ và Anh chế tạo, sẽ được cung cấp cho họ theo điều khoản của Thỏa thuận AUKUS.
Khi tiếp nhận tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới, những chiếc Collins nói trên sẽ lần lượt được "nhận sổ hưu", còn hiện tại Australia vẫn phải khẩn trương sửa chữa chúng để năng lực tác chiến dưới nước không bị gián đoạn.