Một số địa phương, tỉ lệ chi thường xuyên cho giáo dục chủ yếu là chi lương
Nhiều địa phương thiếu nguồn lực đầu tư cho GD, có nơi tỉ lệ chi thường xuyên cho GD chủ yếu tập trung chi lương, còn chi cho các hoạt động dạy và học thấp.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Thiếu 63.920 phòng học bộ môn, thiết bị dạy học đáp ứng khoảng 0,5 bộ/phòng
Báo cáo nêu rõ một số kết quả đạt được trong công tác chuẩn bị các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học: Đoàn giám sát nhận thấy, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành trung ương và các địa phương đã quan tâm bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để chuẩn bị các điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo yêu cầu của Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.
Đến nay, hệ thống cơ sở vật chất trường học ngày càng được mở rộng về quy mô, chất lượng từng bước được nâng cao và chuẩn hóa; tình trạng phòng học 3 ca, phòng học tạm đã giảm đáng kể. Hệ thống thiết bị dạy học được tăng cường, hiện đại hóa.
Cả nước có 465.530 phòng học các cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập; trong đó, số phòng học kiên cố 406.016 phòng, đạt tỉ lệ kiên cố hóa là 87,42%.
Cơ bản các trường đều có phòng học bộ môn, thư viện. Tổng số phòng học bộ môn trong cả nước là 87.426 phòng.
Nhiều địa phương đã ưu tiên đầu tư bổ sung phòng học bộ môn Tin học và Ngoại ngữ ở cấp tiểu học. Cả nước hiện có 211.572 bộ thiết bị dạy học, đạt khoảng 0,5 bộ/phòng.
Tuy nhiên, hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định.
Về cơ sở vật chất: Số lượng phòng học chưa được kiên cố hóa còn lớn (59.514 phòng học), nhất là ở cấp tiểu học (tỉ lệ kiên cố hóa mới đạt 82%), gây khó khăn cho chủ trương học 2 buổi/ngày.
Nhiều địa phương có nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất có tốc độ dân số cơ học tăng nhanh, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, hệ thống trường lớp chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một số trường học ở khu vực đô thị gặp khó khăn về mặt bằng để mở rộng trường, lớp học và quy định về hạn chế số tầng tối đa của các công trình trường học (QCVN 06:2021/BXD được ban hành kèm theo Thông tư số 02/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng). Phòng học, phòng bộ môn xây dựng theo chương trình kiên cố hóa trường lớp học ở một số địa phương có diện tích chưa bảo đảm theo quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020, Thông tư số 14/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trên phạm vi cả nước, tổng số phòng học bộ môn còn thiếu của 3 cấp học là 63.920 phòng, không đạt mức quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT. Ở cấp tiểu học mới chỉ có 75,5% số trường có phòng tin học và 55,4% số trường có phòng học ngoại ngữ. Quy mô, chất lượng thư viện của các cơ sở giáo dục không đồng đều; còn thiếu 2.086 thư viện để bảo đảm tiêu chí mỗi trường phổ thông có 01 thư viện. Nhiều thư viện chưa có phòng đọc cho học sinh.
Một số địa phương thực hiện dồn ghép các cơ sở giáo dục một cách cơ học; việc quy hoạch, dành quỹ đất, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học chưa phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn trường học. Mặc dù các địa phương đã chủ động trong việc rà soát, sắp xếp lại trường, điểm trường, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều điểm trường có quy mô nhỏ, còn nhiều điểm trường lẻ dẫn đến đầu tư kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực. Việc đầu tư xây dựng đủ các phòng học, mua sắm trang thiết bị cho các phòng chức năng ngoại ngữ, tin học cho tất cả các điểm trường lẻ không khả thi.
Bàn ghế học sinh tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn còn sử dụng bàn ghế loại 4 chỗ ngồi kiểu cũ không phù hợp với mô hình học tập. Tại một số địa phương không tiến hành khảo sát nhóm chiều cao trung bình của học sinh trước khi mua sắm, mua sắm đồng loạt một cỡ số, bố trí học sinh ngồi tại một phòng học từ đầu cấp đến cuối cấp.
Về thiết bị dạy học: Tỉ lệ đáp ứng về thiết bị dạy học theo chuẩn quy định trên phạm vi cả nước còn thấp, trung bình chỉ đáp ứng được 54,3%. Cấp Tiểu học có tỉ lệ đáp ứng 56,1%; trung học cơ sở có tỉ lệ đáp ứng 54,3% và trung học phổ thông có tỉ lệ đáp ứng 58,9%. Số lượng bộ thiết bị cần bổ sung lớn trong khi việc mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu ở các địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Nguyên nhân chính là do các công ty không sản xuất sẵn để bán nên nguồn cung hạn chế, không có mẫu để duyệt giá; thiếu hướng dẫn về tiêu chuẩn định mức, kỹ thuật tạo thuận lợi cho đấu thầu.
Máy tính được trang bị tại các phòng học bộ môn Tin học mới đáp ứng nhu cầu cơ bản, đa phần là cấu hình thấp, đã được trang bị từ lâu. Thiết bị chuyên dùng của phòng học bộ môn ngoại ngữ còn thiếu, chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên.
Việc mua sắm thiết bị dạy học trong giai đoạn đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều vướng mắc về quy trình thẩm định giá trang thiết bị dạy học; nhiều đơn vị sản xuất chưa kịp sản xuất, đưa ra thị trường các sản phẩm, thiết bị mới; công tác đấu thầu, mua sắm ở các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Tỉ lệ chi thường xuyên cho giáo dục chủ yếu đang tập trung chi lương
Về kinh phí thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, Đoàn giám sát nhận thấy, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm kinh phí; ban hành và tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định, hướng dẫn việc phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí; bố trí, cân đối nguồn ngân sách và huy động các nguồn lực ngoài nhà nước để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của Chính phủ và các báo cáo quyết toán, dự toán ngân sách hằng năm, trong giai đoạn 2015-2022, kinh phí đã bố trí thực hiện nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của các bộ, ngành trung ương và các địa phương là 213.449,72 tỷ đồng, chiếm 1,46% tổng chi ngân sách nhà nước.
Nguồn vốn ngân sách trung ương đã bố trí 13.236,26 tỷ đồng; được phân bổ chủ yếu qua 10 chương trình, đề án, dự án lớn; đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời, phát huy tốt vai trò hỗ trợ, tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các địa phương, nhất là ở các địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Việc thu hút các nguồn kinh phí xã hội hóa trong thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đạt được một số kết quả bước đầu, nhất là trong huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa mới, hỗ trợ kinh phí trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Trong cả giai đoạn 2015-2022 đã thu hút được 6.420,22 tỷ đồng (chiếm 3%).
Bên cạnh các kết quả đạt được nêu trên, Đoàn giám sát cho rằng còn một số vấn đề đặt ra, cụ thể như sau:
Việc triển khai một số chương trình, đề án liên quan tới đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn hạn chế. Tỉ lệ giải ngân các chương trình, dự án còn thấp, phải hủy vốn đầu tư hoặc phải hoàn trả còn lớn, lãng phí cơ hội sử dụng vốn vay, nhiều nội dung trong các chương trình thành phần chưa hoàn thành, không thực hiện được toàn bộ các hoạt động theo thiết kế.
Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) tỉ lệ giải ngân chỉ đạt 23,05% (tổng số vốn vay chưa sử dụng đề nghị hủy trước ngày kết thúc dự án (30/12/2020) là 57,7 triệu USD/tổng mức đầu tư là 80 triệu USD); Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) tỉ lệ giải ngân đạt 63,0% (đạt 48,04 triệu USD/tổng mức dự án là 78,5 triệu USD). Văn kiện dự án RGEP được phê duyệt còn một số nội dung trùng lặp với chương trình, dự án khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nghị quyết 88/2014/QH13 quy định “ưu tiên hỗ trợ đầu tư kinh phí cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.
Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội (bao gồm cả các chính sách thuộc sự nghiệp giáo dục và đào tạo) còn chậm. Mặc dù Báo cáo của Chính phủ cho rằng, việc không thực hiện Tiểu thành phần 2 (cấp phát sách giáo khoa cho thư viện các trường thuộc vùng có điều kiện khó khăn) của Dự án RGEP là để tránh trùng lắp, lãng phí vì đã thực hiện chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng đối tượng thuộc nhiệm vụ của Đề án là “học sinh khuyết tật” chưa được thực hiện. Theo báo cáo của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đã thực hiện chuyển đổi 3 bộ sách giáo khoa sang chữ nổi Braille, tuy nhiên chưa có kinh phí để in.
Về ngân sách địa phương: Báo cáo của các địa phương chưa rõ kinh phí chi ngân sách địa phương cho thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do chưa có nguồn kinh phí riêng.
Qua giám sát thực tế cho thấy, việc bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất được các địa phương thực hiện lồng ghép thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn của địa phương; việc triển khai phụ thuộc vào khả năng cân đối của các địa phương dẫn đến mức độ đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất khác nhau. Việc bố trí ngân sách của các địa phương để thực hiện tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông còn khó khăn; chủ yếu lồng ghép trong ngân sách chi thường xuyên; việc xã hội hóa giáo dục còn đạt kết quả hạn chế,...
Tại một số địa phương, tỉ lệ chi thường xuyên cho giáo dục chủ yếu đang tập trung chi lương; chi cho các hoạt động giảng dạy và học tập còn thấp, chưa bảo đảm định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục theo Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự toán ngân sách cho giáo dục - đào tạo năm 2022 của 63 tỉnh/thành phố cho thấy, chỉ khoảng 50% địa phương bảo đảm tỉ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập tối thiểu, trong đó một số ít địa phương đạt trên 20%; các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn không bảo đảm tỉ lệ chi chuyên môn tối thiểu, thậm chí có những địa phương chi dưới 15%; một số địa phương dùng nguồn kinh phí chi cho giảng dạy, học tập để chi lương cho nhân viên hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, đã tạo ra những khó khăn, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giáo dục.
Nhiều địa phương thiếu nguồn lực đầu tư cho giáo dục nói chung và cơ sở vật chất, trang thiết bị nói riêng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu và chưa đồng bộ; thiếu kinh phí để duy tu, sửa chữa kịp thời cơ sở vật chất đã xuống cấp; nhiều địa phương chưa triển khai xong gói mua sắm thiết bị, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học; nguồn kinh phí mua sắm thiết bị dạy học lớn trong khi nguồn vốn thường xuyên của địa phương không cân đối được nên phải trình Hội đồng nhân dân bổ sung, điều chỉnh từ nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Nhiều địa phương địa bàn rộng, quy mô trường lớp còn nhỏ lẻ, việc bố trí nguồn lực dàn trải, tốn kém, hiệu quả chưa cao.
Phản ánh của một số Đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng, việc tính toán các điều kiện bảo đảm về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được quan tâm đúng mức, tạo nên một số bất cập trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hiện nay, nhu cầu về kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn rất lớn, trong khi ngân sách các địa phương hạn hẹp, việc xã hội hóa giáo dục gặp nhiều khó khăn. Việc bố trí vốn đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường lớp học do các địa phương chủ động bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của địa phương.
Kinh phí để bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (về đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học phổ thông) rất lớn nhưng ngân sách nhà nước còn khó khăn. Trong giai đoạn 2015-2022, tổng kinh phí bố trí thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chiếm 1,46% tổng chi ngân sách nhà nước. Hầu hết các địa phương, nhất là những nơi chưa cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về kinh phí đầu tư cơ vật chất, thiết bị dạy học.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương còn chưa chặt chẽ; thiếu cơ sở dữ liệu tin cậy về ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục; dữ liệu tài chính theo từng lĩnh vực chuyên môn trên toàn quốc là rất khó khăn, thậm chí không thực hiện được; các địa phương chưa thấy trách nhiệm và chưa có nhiệm vụ báo cáo dữ liệu tổng hợp quốc gia; các bộ, ngành chưa có sự phối hợp và chưa cập nhật đầy đủ thường xuyên để phục vụ hoạch định chính sách, xây dựng mục tiêu chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo.