Một số doanh nghiệp đã lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế tự công bố sản phẩm để làm hàng giả
Liên quan đến hàng loạt sản phẩm là sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả liên tục được Cơ quan Cảnh sát điều tra triệt phá thời gian qua, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, số lượng sản phẩm tự công bố là rất lớn gây nhiều khó khăn trong công tác thanh tra, hậu kiểm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể tự công bố và sản xuất ngay mà không cần cơ quan quản lý thẩm định hồ sơ, do đó một số doanh nghiệp đã lợi dụng vào sự thông thoáng của cơ chế tự công bố sản phẩm để làm hàng giả.

Bà Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
“Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để đưa ra đánh giá và kết luận cuối cùng về những vụ việc này. Chúng tôi nhận định đây là những vụ việc nghiêm trọng và hi vọng các tổ chức, cá nhân phi đạo đức kinh doanh sẽ thay đổi hành vi sau những vụ triệt phá này. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang và có ý định sản xuất, kinh doanh hàng giả”.
Bà Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Sự "thông thoáng" để doanh nghiệp tự công bố sản phẩm bị lợi dụng
Theo bà Trần Việt Nga, về nguyên nhân và khó khăn trong quản lý, tình trạng thực phẩm giả và hàng hóa giả nói chung không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo một số tài liệu, việc sản xuất thực phẩm giả gây thiệt hại cho cộng đồng châu Âu hàng chục tỷ Euro mỗi năm. Các chuyên gia độc lập cũng ước tính ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu chịu thiệt hại khoảng 40 tỷ USD do thực phẩm giả.
Tại Việt Nam, tình trạng này có một phần nguyên nhân từ những bất cập trong cơ chế quản lý. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để làm ăn phi pháp.
Với cơ chế tự công bố, doanh nghiệp có thể tự công bố và sản xuất ngay mà không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Lợi dụng sự thông thoáng này, một số doanh nghiệp tự công bố các sản phẩm dinh dưỡng y học hoặc sản phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt là thực phẩm bổ sung, đây là hành vi lách luật đáng bị lên án.
Ngoài ra, thủ tục tự công bố khá đơn giản, hồ sơ không phức tạp và không mất phí. Do đó, nhiều doanh nghiệp ồ ạt tự công bố sản phẩm, nhưng số lượng sản xuất kinh doanh thực tế có thể không đúng với số lượng đã công bố, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, hậu kiểm.

Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất và kinh doanh thuốc giả, thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc.
Khi trao quyền cho doanh nghiệp, trách nhiệm của họ phải là cao nhất, phải tuân thủ đúng các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan quản lý ban hành. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chúng ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, bao gồm Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, các quy chuẩn kỹ thuật của các bộ, ngành. Trong lĩnh vực hàng giả, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định rõ về hàng giả và chế tài xử phạt. Bộ Luật Hình sự cũng có điều khoản riêng về xử lý hình sự đối với thực phẩm giả.
Nếu doanh nghiệp tuân thủ các quy định này thì sẽ không có vấn đề lớn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cố tình làm sai, sản xuất hàng giả vì lợi nhuận, bất chấp đạo đức kinh doanh.
Số lượng sản phẩm công bố quá lớn
Về phía cơ quan quản lý, bà Trần Việt Nga cho rằng, bên cạnh hành vi cố tình vi phạm của doanh nghiệp, chúng tôi cũng gặp khó khăn do số lượng sản phẩm công bố quá lớn. Bất kỳ doanh nghiệp nào có đăng ký kinh doanh đều có thể công bố sản phẩm thực phẩm.
Theo Cục An toàn thực phẩm, mỗi năm có khoảng 23.800 thực phẩm tự công bố sản phẩm, trong đó, gần 4.800 sản phẩm tự công bố là thực phẩm bổ sung; khoảng 9.200 thực phẩm đăng ký bản công bố sản phẩm (với 8.800 thực phẩm bảo vệ sức khỏe)
Trong khi đó, lực lượng hậu kiểm còn hạn chế. Công tác hậu kiểm bao gồm nhiều hoạt động như kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cơ sở sản xuất, lấy mẫu sản phẩm trên thị trường hoặc tại cơ sở sản xuất để kiểm nghiệm, chi phí cho công tác kiểm nghiệm khá cao, gây khó khăn cho các địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đang tiến hành sửa Luật An toàn thực phẩm, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thắt chặt quản lý và khắc phục những tồn tại hiện nay.
Chúng tôi cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư về nhân lực và kinh phí cho công tác hậu kiểm.
Doanh nghiệp phải đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu
Đối với tình trạng người tiêu dùng mua sản phẩm kém chất lượng có nguyên nhân một phần từ việc có quảng cáo trên mạng, từ những người nổi tiếng, thậm chí là giả danh bác sĩ hoặc bác sĩ về hưu, theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, trước hết, các cơ sở sản xuất phải đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của pháp luật về sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Sự trung thực và trách nhiệm của doanh nghiệp là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng.
Thứ hai, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là không thể thiếu. Việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật, cùng với việc trang bị các công cụ hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ sản phẩm lưu thông trên thị trường, là yếu tố then chốt để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cần được thực hiện nghiêm minh và thường xuyên.
Thứ ba, mỗi người dân cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể tự mình lựa chọn thực phẩm một cách thông thái. Việc tìm hiểu thông tin về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, thành phần, nhãn mác, cũng như cập nhật các cảnh báo từ cơ quan chức năng, sẽ giúp người tiêu dùng đưa ra những quyết định sáng suốt, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.