Một số lưu ý khi tiêu thụ hạt chia
Hạt chia là loại hạt nhỏ, màu đen, giàu dinh dưỡng và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chúng chứa nhiều chất xơ, omega-3, protein, chất chống oxy hóa, canxi và các khoáng chất thiết yếu.
Ăn hạt chia có lợi ích gì?
Hạt chia là nguồn tuyệt vời giúp tăng lượng chất xơ, tăng cường khả năng miễn dịch và hỗ trợ sức khỏe tim mạch nhờ chứa nhiều axit béo omega-3.
Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), những hạt nhỏ bé này bao gồm nhiều thành phần chức năng khác nhau như chất xơ, polyphenol, chất chống oxy hóa, vitamin, axit béo omega 3, khoáng chất và peptide. Bên cạnh đó, loại hạt này cũng là nguồn cung cấp protein thực vật, chất béo không bão hòa, carbohydrate…
Ngoài những lợi ích đã nêu trên, hạt chia còn rất tốt đối với những người đang trong hành trình giảm cân. Siêu thực phẩm này nở ra khi ngâm trong nước, giúp kiểm soát cơn thèm ăn bằng cách lấp đầy dạ dày và khiến bạn no lâu hơn.

Tiêu thụ quá nhiều hạt chia có thể gây đầy bụng, khó tiêu.
Tác dụng phụ khi tiêu thụ quá nhiều hạt chia
Mặc dù hạt chia mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng tiêu thụ quá nhiều thường có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như:
- Đầy hơi: Hạt chia có nhiều chất xơ, do đó ăn quá nhiều siêu thực phẩm này có thể gây khó tiêu, đầy hơi.
- Tiêu chảy: Một tác dụng phụ khác của siêu thực phẩm này là tiêu chảy. Khi ăn quá nhiều hạt chia, chất xơ không hòa tan trong hạt chia có thể làm tăng lượng chất thải trong ruột, gây ra tiêu chảy, đặc biệt là ở những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm.
- Chảy máu: Mặc dù hạt chia rất tốt cho bệnh nhân tim, nhưng tiêu thụ quá nhiều có thể gây nguy cơ chảy máu do chúng giàu axit béo omega-3.
- Đầy hơi: Nếu bạn không quen với chế độ ăn nhiều chất xơ, hãy tránh tiêu thụ quá nhiều hạt chia để tránh tình trạng đầy hơi không mong muốn.
- Cản trở chất dinh dưỡng: Cuối cùng, ăn quá nhiều hạt chia có thể cản trở quá trình hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng như sắt, canxi…
Hạt chia ảnh hưởng đến các loại thuốc nào?
Các hợp chất trong hạt chia, như chất xơ hòa tan, có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể hấp thụ hoặc sử dụng các loại thuốc sau:
- Thuốc điều trị đái tháo đường: Hạt chia có thể giúp ổn định lượng đường trong máu bằng cách làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate. Nếu bạn tiêu thụ một lượng lớn hạt chia cùng với thuốc điều trị tiểu đường hoặc thực phẩm bổ sung có thể làm tăng tác dụng của chúng. Theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu và tham khảo ý kiến bác sĩ về thuốc bạn đang dùng.
- Thuốc huyết áp:Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hạt chia có tác dụng hạ huyết áp. Tuy nhiên, chất xơ hòa tan trong hạt chia có thể làm chậm quá trình hấp thụ một số loại thuốc, có khả năng làm giảm tác dụng của chúng. Bạn có thể cân nhắc uống hạt chia cách xa thuốc huyết áp trong vài giờ.
- Thuốc làm loãng máu (thuốc chống đông máu): Hạt chia là nguồn giàu axit béo omega-3 có nguồn gốc thực vật quan trọng. Liều lượng cao các axit này có thể làm chậm quá trình đông máu và có thể làm tăng tác dụng của thuốc làm loãng máu.
- Một số khoáng chất:Có thể xảy ra tương tác giữa hạt chia và các chất dinh dưỡng cụ thể. Chất xơ và axit phytic trong hạt chia có thể làm giảm khả năng hấp thụ các chất bổ sung kẽm, canxi và sắt…
Sử dụng hạt chia và thực phẩm bổ sung riêng biệt để giảm tương tác. Bạn cũng có thể giảm hàm lượng axit phytic bằng cách mua hạt chia nảy mầm hoặc ngâm hạt chia trước khi ăn. Hãy thảo luận với bác sĩ chăm sóc sức khỏe về bất kỳ mối lo ngại nào liên quan đến việc sử dụng hạt chia.
Nên ăn bao nhiêu hạt chia một ngày?
Theo các chuyên gia, lượng hạt chia lý tưởng mà một người nên tiêu thụ trong một ngày là 2-3 thìa canh (ngâm trong nước trước khi sử dụng). Sau đó uống nhiều nước để tránh bất kỳ tác dụng phụ nào có thể xảy ra.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mot-so-luu-y-khi-tieu-thu-hat-chia-169250706171045116.htm