Một thành phố ở Đông Nam Á là 'siêu đô thị chìm nhanh nhất thế giới'

Không có nơi nào trên thế giới đang chìm nhanh hơn Jakarta...

Venice đang chìm. Rotterdam, Bangkok và New York cũng vậy. Nhưng không nơi nào có thể so sánh được với Jakarta, siêu đô thị chìm nhanh nhất hành tinh.

VỊ CỨU TINH

Trong 25 năm qua, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở thủ đô Indonesia đã bị lún hơn 4,8m. Các chuyên gia cho rằng thành phố này có thời hạn đến năm 2030 để tìm ra giải pháp, nếu không sẽ quá muộn.

PT Air Bersih Jakarta (ABJ) là công ty được chính phủ khai thác để mở rộng khả năng tiếp cận nước máy cho 11 triệu cư dân của thành phố.

Tính đến thời điểm hiện tại, cứ ba người dân Jakarta thì có một người không được tiếp cận với nước máy, thay vào đó phải dựa vào hàng nghìn giếng bất hợp pháp nằm rải rác trong thành phố - làm cạn kiệt tầng ngậm nước và làm suy yếu mặt đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chìm sâu hơn.

Không có nơi nào trên thế giới đang chìm nhanh hơn Jakarta.

Nếu ABJ của tỷ phú Anthoni Salim có thể giúp thực hiện kế hoạch đưa nước đến từng hộ gia đình ở Jakarta, các chuyên gia cho rằng thành phố này có cơ hội thoát bị chìm – và bản thân công ty này cũng sẽ thu về hàng tỷ USD.

Nếu thất bại, rất có thể sự hỗn loạn sẽ ngự trị ở đô thị lớn thứ hai thế giới. JanJaap Brinkman, chuyên gia về lũ lụt tại viện nghiên cứu nước Deltares của Hà Lan cho biết: “Sẽ có rất nhiều nước biển tràn vào và việc này sẽ không bao giờ dừng lại. Mọi người sẽ không có lối thoát”.

Tỷ phú Salim vốn là người đã tích lũy được hơn 10 tỷ USD thông qua một số ngành công nghiệp, trong đó có một trong những nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn cung cấp nước của thủ đô luôn là ưu tiên cá nhân của ông kể từ khi một cuộc cách mạng gần như phá hủy tập đoàn của gia đình ông 25 năm trước. Khi chính phủ tìm cách đấu thầu để cải tạo cơ sở hạ tầng nước của thành phố, tập đoàn của Salim là một trong hai công ty tham gia.

Hợp đồng mới của ABJ bao gồm quyền vận hành năm nhà máy xử lý nước lớn nhất thành phố và bán hơn một nửa nguồn cung cấp nước đã qua xử lý cho đến năm 2048. ABJ cũng sẽ xây dựng một nhà máy và đường ống mới, tăng gấp đôi số lượng kết nối vào cuối thập kỷ này.

Theo Lafrik Bano Rangkuty, chủ tịch của ABJ, không có nhược điểm thực sự nào đối với ABJ: Công ty dự kiến sẽ đạt doanh thu khoảng 4,8 tỷ USD từ thương vụ này. Simon Melhem, giám đốc công ty mẹ Moya Holdings Asia Ltd, thuộc sở hữu của Salim, cho biết ngay cả trong trường hợp xấu nhất, ABJ sẽ không mất tiền. “Chỉ là bạn không kiếm được lợi nhuận kha khá thôi”. Chỉ có điều, Jakarta sẽ “gặp họa”.

Salim hiện được xem như vị cứu tinh của Jakarta. Ông sinh năm 1949, là con trai út của ông trùm gốc Trung Quốc Sudono Salim – người đã xây dựng một đế chế kinh doanh khổng lồ. Vào thời kỳ đỉnh cao vào những năm 1990, Salim Group có hàng trăm công ty liên kết.

Khi còn là thiếu niên, Anthoni Salim thường đi cùng cha đến thăm nhà máy. Sau hai năm học ở Anh, ông trở lại Jakarta để làm việc cùng cha. Khi ở độ tuổi 30, Anthoni đã sẵn sàng tiếp quản cơ nghiệp của gia đình.

 Tỷ phú Anthoni Salim.

Tỷ phú Anthoni Salim.

Anthoni tham gia cung cấp nước địa phương từ những năm 1990. Ngân hàng Thế giới vừa cấp cho Jakarta một khoản vay để củng cố cơ sở hạ tầng nước và nước thải, đồng thời làm cho các công trình nước của thành phố trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Suharto chia hệ thống nước của Jakarta làm đôi và trao một nửa cho hai nhà điều hành tư nhân.

Nhưng ngay sau khi hợp đồng được ký kết, gia tộc Salim gặp biến cố khiến anh cả Salim đã trốn sang Singapore và sau đó là Los Angeles, để lại Anthoni một mình cứu công việc kinh doanh của gia đình. Ông bắt đầu giảm bớt các công ty của cha mình, chỉ giữ lại những tài sản cốt lõi.

Salim, sau khi đã ổn định được tập đoàn, bắt đầu xây dựng đế chế nước của mình. Phải mất 20 năm, Salim mới giành lại được quyền kiểm soát một nửa công trình cấp nước ở Jakarta.

Theo thỏa thuận mới nhất, công ty sẽ chi khoảng 1,7 tỷ USD để xây dựng nhà máy xử lý, đường ống và kết nối cũng như bảo trì các nhà máy hiện có. Công ty tiện ích nhà nước PAM Jaya sẽ thanh toán trả góp cho ABJ tiền nước và cơ sở hạ tầng khi chúng được xây dựng.

TRƯỚC 2030

Jakarta là một trong số ít thành phố có sự tham gia của khu vực tư nhân vào hệ thống nước của mình. Khoảng 90% lượng nước trên thế giới thuộc sở hữu công. Ở Anh, một trong số ít quốc gia có hệ thống tư nhân, Thames Water đang gặp khủng hoảng: Giá nước tăng cao, nợ hàng tỷ bảng Anh và vẫn có thể cạn tiền trong vòng sáu tháng.

Nhưng Jakarta không có đủ tiền để quản lý hệ thống nước một mình. Yudi Irawan, giám đốc cấp cao của PAM Jaya cho biết: “Thành phố cần một đối tác tư nhân, không chỉ giúp vận hành các nhà máy xử lý nước mà còn hỗ trợ đầu tư nhiều hơn nữa”.

Với nguồn nước mặt phần lớn bị ô nhiễm bởi nước thải, Jakarta mua phần lớn nước thô từ bên ngoài thành phố. Lượng nước này được xử lý, sau đó được phân phối qua mạng lưới đường ống, một số trong đó đã hơn 100 năm tuổi.

Nhưng chúng bị rò rỉ - khoảng 40% lượng nước bị mất trên đường đi - và phần lớn lượng nước còn lại bị tái ô nhiễm khi chảy qua hệ thống. Ngay cả những người có nước máy đôi khi cũng thích khai thác các giếng bất hợp pháp thay vì trả tiền cho PAM Jaya cho loại nước không thể uống được.

Chính quyền thành phố Jakarta định đầu tư 11 nghìn tỷ rupiah vào xây dựng các đường ống phân phối nước mới, nhưng kế hoạch đó đã sớm thất bại sau đại dịch, khi ngân sách thành phố giảm 28%.

 Số lượng nước sạch ở Jakarta rất ít ỏi.

Số lượng nước sạch ở Jakarta rất ít ỏi.

Irawan cho biết gánh nặng tài chính là mối lo ngại thường trực đối với PAM Jaya. Vì nước máy không phổ biến và đáng tin cậy nên hầu hết các tòa nhà không bắt buộc phải sử dụng nước máy và giá nước chưa được tăng trong hơn 15 năm.

Các nhà phê bình cho rằng thỏa thuận này làm giàu cho Salim mà không giải quyết được vấn đề nước cấp bách nhất của Jakarta. ABJ chọn phần dễ dàng hơn: Xử lý nước và đặt PAM Jaya vào một vấn đề khó khăn: Phân phối và thu tiền hóa đơn.

Nước của ABJ sẽ tiếp tục chảy qua các đường ống bị rò rỉ, bị ô nhiễm cho đến khi thành phố đại tu mạng lưới đường ống, việc này sẽ mất nhiều năm. Sau đó, vẫn còn trở ngại trong việc thuyết phục các hộ gia đình và nhà phát triển chuyển từ nước ngầm sang nước máy mà họ phải trả tiền.

Irawan cho biết việc giảm thất thoát nước là ưu tiên hàng đầu và họ đã nhờ các chuyên gia tư vấn đưa ra khuyến nghị. Nếu không tìm ra điều này, “họ chỉ cam kết mua nước mà không biết liệu nó có đến tay khách hàng hay không”, Dhar nói.

Trên bờ biển phía bắc của thành phố, không xa các khu phát triển sang trọng mới sáng bóng dọc Vịnh Jakarta, là khu phố Muara Baru. Hàng nghìn gia đình chen chúc trong những ngôi nhà mái kim loại và tường bê tông, cách nhau bởi những con hẻm chỉ đủ rộng cho xe máy len lỏi qua. Giống như nhiều khu dân cư nghèo khác ở Jakarta, rất ít hộ gia đình ở đây có nước máy hoặc có tiền để đào giếng đủ sâu để lấy nước ngầm.

Vào một ngày thứ năm oi bức, Sugiarti, một bà mẹ hai con 40 tuổi đang múc nước từ một cái hố trên mặt đất. Người phụ nữ này dùng tay múc một vốc nước màu nâu trong xô, tạt lên mặt, lắc đầu thở dài. “Nó bốc mùi quá”.

Trong vài thập kỷ qua, Sugiarti và những người hàng xóm của mình đã cầu xin PAM Jaya xây dựng đường dẫn nước trực tiếp tới nhà của họ. Ở Muara Baru, có người bán chào bán nước theo thùng và mỗi mét khối có thể có giá 200.000 rupiah - gấp 30 lần giá nước máy.

Trong mùa hạn hán, PAM Jaya cử xe chở nước đi cấp nước khẩn cấp cho người dân trong vùng. Sugiarti bổ sung nước ngầm bị ô nhiễm từ giếng cạn của mình bằng nước máy từ một người hàng xóm, chi 1/4 trong số tiền lương 2 triệu rupiah hàng tháng để mua nước cho gia đình bốn người của mình.

Theo quan điểm của Sugiarti, việc dẫn nước đến các cộng đồng như cộng đồng của chị là một hoạt động kinh doanh có ý nghĩa. Khả năng cung cấp nước máy chất lượng cao hơn với mức giá rẻ hơn nhiều sẽ đảm bảo cho hàng triệu khách hàng mới sau khi họ được kết nối. Sugiarti nói: “Chúng tôi chỉ muốn có nước sạch chảy vào nhà mình. Chúng tôi đã chờ đợi và lên tiếng quá lâu”.

Cho đến lúc đó, Sugiarti và những người như chị sẽ cố gắng hết sức có thể. Nếu không có gì thay đổi, vùng đất mà chị đang đứng có thể chìm dưới nước vào năm 2030.

Bảo Linh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/mot-thanh-pho-o-dong-nam-a-la-sieu-do-thi-chim-nhanh-nhat-the-gioi-post546220.html