Một thuở làng lụa, làng dệt...

Quảng Ngãi từng vang danh là nơi cung cấp lụa gấm. Từ xa xưa, nơi đây còn có những làng dệt nổi tiếng...

Vùng cung cấp nguyên liệu dệt tơ, lụa

Quảng Ngãi là vùng đất nổi tiếng cả nước về nguyên liệu kén tơ để dệt tơ, lụa. Nghề nuôi tằm dệt vải ở Quảng Ngãi có từ rất sớm. Vào khoảng đầu thế kỷ XX, người dân trồng rất nhiều cây dâu và nuôi tằm để lấy kén, dệt vải với khoảng 275ha trồng dâu, sản lượng 3.112,5 tấn/năm. Theo Chủ sự hành chính A. Laborde, nghề chăm tằm ở Quảng Ngãi khá thịnh vượng vì những nhà dệt tơ, lụa ở Bình Định bắt đầu yêu cầu mua kén tằm ở Quảng Ngãi.

Năm 1923, một người dân làng Hòa Vinh Tây (Mộ Đức) dựng lên một trại nuôi tằm khá nổi tiếng. Trại nuôi tằm này đã sản xuất hơn 1.500kg kén tơ. Sách “Quảng Ngãi tỉnh chí” ghi rằng, ông Võ Chỉnh ở làng Nhu Năng (Tư Nghĩa) đã chế ra một khung dệt vải kiểu mới, dệt sợi vải nhỏ, nhanh và tiện lợi. Một ngày, một người có thể dệt một cây rưỡi vải.

Chủng loại vải ngày càng đa dạng, trong đó vải lụa vẫn được nhiều người yêu thích. Ảnh: HỒNG HOA

Chủng loại vải ngày càng đa dạng, trong đó vải lụa vẫn được nhiều người yêu thích. Ảnh: HỒNG HOA

Sách “Đại Nam nhất thống chí” khi viết về mục “thổ sản” của Quảng Ngãi đã nêu “vải, lụa, là, nhiễu” trước tiên và cho biết Bình Sơn, Mộ Đức là hai huyện có nhiều loại thổ sản này. Sách “Đồng Khánh dư địa chí” cũng ghi nhận sản vật đặc trưng của Quảng Ngãi là “bông, vải, lụa, là, nhiễu”, bên cạnh ngãi sâm, quế, dầu hương, muối, các loại đường, ngũ cốc...

Một thời canh cửi

Sách “Quảng Ngãi tỉnh chí” (1933) của Nguyễn Bá Trác đề cập đến nghề dệt đầu tiên trong 5 “kỹ nghệ” tiêu biểu của người dân xứ Quảng. Nghề dệt “thao, lụa, lĩnh, xuyến, lương” có ở các làng Chánh Lộ, Thanh Khiết, Phú Thọ (Tư Nghĩa), Sung Tích (Sơn Tịnh), Châu Tử, Ngọc Trì (Bình Sơn), Kim Thành (Nghĩa Hành), Thạch Bi, Sa Huỳnh (Đức Phổ). Còn vải ta thì “ở các làng đều có dệt”, nhưng nhiều nhất là ở các làng An Hà, Nhu Năng (Tư Nghĩa), Kim Thành (Nghĩa Hành). Thời đó, dọc các vùng đồng bằng ven sông Vệ, Trà Bồng, Trà Khúc, các làng dệt nổi tiếng rộn ràng trong tiếng canh cửi.

Trong “Địa dư tỉnh Quảng Ngãi” (1939), hai tác giả Nguyễn Đóa và Nguyễn Đạt Nhơn mô tả khá rõ về tình hình nghề dệt vải ở Quảng Ngãi vào nửa đầu thế kỷ XX: “Khắp nơi trong tỉnh đều có”, trong đó, xưởng dệt Võ Đình Long ở làng Năng Đông (Tư Nghĩa) dệt đủ thứ các loại khăn, vải.

Cho đến những năm 60, 70 của thế kỷ trước, nghề dệt thủ công ở Quảng Ngãi vẫn phát triển mạnh, mặc dù lúc này dệt may công nghiệp đã rất phổ biến, các loại vải lụa nhập ngoại đã có mặt trước đó khá lâu trên thị trường. Trong “Nước non Quảng Ngãi” (1962), tác giả Phạm Trung Việt cho biết, cùng với làm gạch ngói, dệt chiếu, chằm nón thì dệt vải vẫn là nghề tiểu thủ công nghiệp quan trọng của Quảng Ngãi giai đoạn này.

Về nghề dệt truyền thống của người miền Ấn - Trà, công trình “Địa chí Quảng Ngãi” (2008) khẳng định: “Xưa kia, khi chưa có vải công nghiệp thì nghề trồng bông dệt vải phổ biến hầu khắp các làng quê Quảng Ngãi”. Có thể nói, trước khi lùi dần vào quá khứ từ những năm sau 1975, nghề dệt từng một thời rất phát triển ở Quảng Ngãi.

Ở các làng quê Quảng Ngãi ngày trước, hầu như nơi nào cũng có nghề trồng bông, dệt vải. Cùng với tiếng quay của những bờ xe nước, tiếng ép mía ở các lò nấu đường, tiếng canh cửi lách cách khắp thôn xóm là những thanh âm quen thuộc, đặc trưng của làng quê ở Quảng Ngãi một thời chưa xa...

Dấu xưa còn đó

Người dân Quảng Ngãi ngày trước dệt nhiều loại vải, lụa, nhiễu, thao, lĩnh, xuyến... Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là dệt vải ta, loại vải thông dụng phục vụ nhu cầu may mặc thường nhật của người dân. Ca dao Quảng Ngãi nhắc nhiều đến nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa: “Ai về Quảng Ngãi mà xem/ Bãi tơ vàng óng, đồng ken lúa vàng”; hay “Ăn chanh nhớ tỏi ngùi ngùi/ Ngồi trong đám hẹ nhớ mùi rau răm/ Hỡi người bạn cũ trăm năm/ Quay tơ có nhớ mối tằm ta xưa”...

Phụ nữ Hrê ở huyện Ba Tơ đang dệt thổ cẩm. Ảnh: LÊ MINH THỂ

Phụ nữ Hrê ở huyện Ba Tơ đang dệt thổ cẩm. Ảnh: LÊ MINH THỂ

Nghề dệt thủ công của người Kinh ở đồng bằng đã mai một. Đối với đồng bào các dân tộc ở miền núi Quảng Ngãi hiện nay vẫn còn giữ và phát triển được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Nghề dệt thổ cẩm của người Hrê được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sản phẩm thổ cẩm Làng Teng (Ba Tơ) đã vươn ra thế giới là những minh chứng cho sức sống bền bỉ của thổ cẩm truyền thống. Với đồng bào Ca Dong, nghề dệt thổ cẩm vẫn giữ vai trò nhất định trong đời sống hiện đại.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL, dưới mái nhà sàn của người Ca Dong vẫn còn tiếng bật bông, xe chỉ và những bà mẹ ngồi lặng yên bên khung dệt bằng nứa, dệt nên những chiếc váy, chiếc khố, khăn quàng rực rỡ sắc màu. Với người Ca Dong, việc khoác lên người đầy đủ trang sức cùng trang phục truyền thống được dệt bằng chính đôi tay của mình không chỉ để làm đẹp cho bản thân, cho làng xóm mà còn để tỏ lòng biết ơn tổ tiên, thực hành những nghi lễ mà cha ông trao truyền, để được hòa hợp với thiên nhiên và tương thông với các đấng thần linh.

Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các tác phẩm biên khảo, địa chí về Quảng Ngãi từ trước đến nay đều nhắc đến vải lụa, thổ cẩm hay nghề dệt như là một loại sản vật, nghề thủ công tiêu biểu của địa phương. Ngày nay, nghề dệt thủ công đã lùi xa vào quá khứ. Dẫu vậy, người dân Quảng Ngãi và trong sử sách vẫn còn lưu giữ ký ức, hình ảnh về làng lụa, làng dệt một thời thịnh đạt, tiếng canh cửi rộn vui khắp các làng quê.

TUẤN VŨ - TẠ HÀ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202406/mot-thuo-lang-lua-lang-det-7ec25c6/