Tôi là Đỗ Minh (24 tuổi), hiện làm hướng dẫn viên chuyên về tour du lịch ẩm thực quanh phố cổ Hà Nội. Tôi thường nhận 2 tour, vào 11-14h và 18-21h hàng ngày. Quãng đường di chuyển của khách do tôi lên kế hoạch tùy theo các món "mùa nào thức đó", đôi khi còn phụ thuộc vào thời tiết.
Khách của tôi chủ yếu đến từ Australia, Mỹ, Anh và một số quốc gia châu Âu, còn lại một phần nhỏ là du khách châu Á, Việt kiều. Do đó, tôi phải giao tiếp bằng tiếng Anh thành thạo. Ngoài giờ dẫn tour, tôi có công việc tay trái là làm marketing cho quán cà phê.
Tour tối thường bắt đầu lúc 18h với tối đa 6-7 khách để đem đến trải nghiệm tốt nhất. Trước đó khoảng một tiếng, tôi được quản lý thông báo tên khách và điểm đón. Sau đó, tôi tự sắp về lộ trình và thực đơn phù hợp. Hôm nay, tôi có 3 vị khách: Anita và Denise đến từ London (Anh), lần đầu tới Việt Nam du lịch, còn Zaina là người Syria, đang sinh sống và làm việc tại Dubai (UAE).
Điều quan trọng nhất, phải làm đầu tiên là xác nhận khách dị ứng hay không ăn được gì. Hôm nay, món đầu tiên tôi chọn cho nhóm là nem nướng. Tôi luôn gọi suất nhỏ để mọi người không bị quá no. 3 vị khách chăm chú lắng nghe khi tôi giới thiệu từng nguyên liệu và hướng dẫn cách thưởng thức. Họ tấm tắc khen hương vị món ăn, đặc biệt là nước chấm.
Không muốn khách chỉ “ăn và ăn”, tôi lồng câu chuyện về văn hóa, kiến trúc của phố cổ trên đường di chuyển. Học đúng chuyên ngành du lịch, tôi vẫn phải tự học thêm và cập nhật kiến thức để trò chuyện với khách. Hướng dẫn viên bản địa phải cung cấp nhưng thông tin không có trong các review hay bài viết trên mạng. Tôi cũng đưa ra nhiều câu đố vui để mọi người sôi nổi và tương tác với nhau.
Tôi cũng sẵn sàng trở thành “nhiếp ảnh gia” khi khách mong muốn. Dù đi hàng ngày quanh những biểu tượng du lịch quen thuộc của Hà Nội, tôi luôn tự hào khi nói với khách về Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn hay 36 phố phường.
Vì phải băng qua đường khá nhiều, tôi chỉ mọi người vài “bí kíp” như giơ tay xin đường, bước chân dứt khoát, không đi giật lùi. Dòng xe cộ đông đúc nhiều lần khiến các khách nữ hồi hộp. Khi đó, tôi sẽ vừa trấn an, vừa đi với từng người qua đường. Đảm bảo an toàn cho cả đoàn luôn là ưu tiên lớn nhất.
Món tiếp theo trong thực đơn tối nay là phở gà trộn. Trước tiên, tôi chỉ mọi người cách vệ sinh thìa, đũa thật kỹ trước khi sử dụng. Cả 3 vị khách đều khá lúng túng khi lần đầu dùng đồ ăn theo cách này. Thế nhưng, họ nhất quyết không đổi sang dĩa để thưởng thức ẩm thực theo cách của người Việt Nam. “Nhập gia thì phải tùy tục”, Anita cười nói.
Để xuôi bụng, tôi dẫn cả nhóm đi sâu hơn vào trong ngõ uống nước ép bưởi. Tôi còn chỉ mọi người cách “Dzô!” của người Việt Nam. Trong lúc ngồi trò chuyện, ai nấy đều bất ngờ khi biết những ngôi nhà quanh đây có tuổi đời hàng trăm năm hay vài hộ sát nhau dùng chung sân gạch, nguồn nước.
Cả nhóm xuyên qua con ngõ hẹp, phải dùng đèn pin soi đường để đến điểm ăn kế tiếp. Với Zaina, đây là trải nghiệm rất thú vị. Cô nói nếu TP.HCM sôi động và hiện đại hơn, phố cổ Hà Nội lại gây ấn tượng ở nét cổ kính, truyền thống.
Tại quán “tủ” từ thời học cấp 3, tôi giới thiệu cho mọi người cách ăn món bánh đa cá trộn và cá cuốn mà mình tâm đắc nhất. Ở địa điểm nào cũng vậy, tôi rất thích nói về những nguyên liệu và gia vị đặc trưng làm nên sự hấp dẫn cho món ăn.
Đoán đúng câu đố vui của tôi, 3 vị khách hào hứng khi được mời uống bia lon. Giống như 2 người đồng hành, đây cũng là lần đầu Denise (áo chấm bi) có trải nghiệm này. Bà khen đồ uống ngon, dùng với đồ ăn cũng rất tuyệt.
Trước khi rời đi, tôi xin chụp hình kỷ niệm với cô chú chủ quán. Đôi bên không còn gì xa lạ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi làm điều này. Với tôi, công việc dẫn tour không chỉ là tương tác với khách hàng, mà còn với những người tạo nên món ăn ngon.
Tôi tiếp tục đưa khách đi ăn bánh mì ngan nướng trước khi kết thúc bằng món tráng miệng. Qua gợi ý của tôi, Anista và Denise nói sẽ thử thêm nhiều loại bánh mì với nhân khác trước khi rời Hà Nội.
Quán chè là điểm dừng chân cuối cùng khi đồng hồ chỉ gần 21h. Vừa thưởng thức đồ ăn, mọi người vừa chia sẻ về lịch trình những ngày tới. Trong khi Anita và Denise ghé Hạ Long, Huế, Hội An, Zaina cũng muốn đến Hạ Long. Tôi lấy email của từng người để gửi chi tiết về tour hôm nay và gợi ý thêm về nơi vui chơi, món ăn cho họ ở điểm đến kế tiếp.
Kết thúc tour, Anita và Denise cho biết sẽ tự đi bộ về khách sạn, còn Zaina nhờ tôi đi cùng. Với tôi, mỗi lần dẫn tour đều như đi chơi cùng gia đình, những người bạn. Vì thế, dù đi một mạch 3-4 tiếng, tôi không cảm thấy mệt.
Điều tôi thích nhất khi dẫn food tour là lời cảm ơn và bày tỏ sự hài lòng của khách hàng khi nói lời tạm biệt. Về nhà, khi đọc đánh giá của mọi người, thấy tên mình được nhắc đến với nhận xét tích cực, tôi thấy rất vui.
Tôi còn dẫn tour cà phê, bảo tàng, áo dài, máy ảnh film. Tuy nhiên, food tour vẫn đặc biệt nhất. Thực tế, công việc này không đơn giản chỉ là dẫn khách đi ăn. Điều quan trọng là lồng được văn hóa, câu chuyện về Hà Nội vào trong những câu chuyện. Có lẽ, “điểm trừ” duy nhất là đôi khi ăn uống bên ngoài quá nhiều, tôi chỉ thèm một bữa cơm nhà với bố mẹ.
Thành Đông - Thiên Nhi