Một vết ngứa nhỏ có thể thành ổ nhiễm trùng, cảnh báo loạt bệnh sau bão
Theo chuyên gia da liễu, sau bão lũ, người dân thường xuyên phải tiếp xúc với nước bẩn, ẩm thấp kéo dài. Đây là điều kiện lý tưởng cho các bệnh da liễu phát sinh.
Cảnh báo loạt bệnh sau bão, lũ
Bão số 3 (Wipha) gây ngập lụt nhiều khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, khiến người dân thường xuyên phải tiếp xúc với nước bẩn, ẩm thấp kéo dài. Đây là điều kiện lý tưởng cho các bệnh da liễu phát sinh, trong đó có những bệnh nếu không xử lý đúng cách có thể dẫn đến biến chứng nặng.
ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội Da liễu Việt Nam, cảnh báo: "Không chỉ gây ngứa hay nổi mẩn thông thường, các bệnh da liễu sau bão có thể tiến triển thành nhiễm trùng, thậm chí nhiễm trùng huyết nếu người dân chủ quan hoặc tự ý dùng thuốc sai cách".

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BSCC).
Ngâm mình lâu trong nước ngập khiến lớp bảo vệ da bị suy yếu. Các chất kích ứng, dị ứng dễ dàng xâm nhập, gây nên tình trạng viêm da tiếp xúc.
Theo BS.Thành, bệnh thường biểu hiện bằng ban đỏ, mụn nước, cảm giác bỏng rát, ngứa và đau nhức tại vùng da tiếp xúc. Người bệnh nên tránh xa yếu tố gây kích ứng, giữ khô da và có thể dùng kem chứa corticoid nhẹ hoặc thuốc kháng histamine đường uống để giảm viêm.
Ngoài ra, nấm da là bệnh phổ biến sau bão, đặc biệt ở vùng bàn chân, bẹn, nách, lưng – nơi ẩm ướt hoặc mặc quần áo chưa khô.
"Điểm sai lầm phổ biến là nhiều người tự ý bôi thuốc corticoid khiến tổn thương nấm bị che lấp tạm thời nhưng sau đó lan nhanh, sâu và khó điều trị hơn", BS. Thành cảnh báo.
Triệu chứng thường gặp gồm da đỏ, ngứa, bong vảy, nổi mụn nước nhỏ. Người dân nên dùng thuốc kháng nấm dạng bôi, tránh dùng phối hợp thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Trong quá trình dọn dẹp sau bão, người dân dễ bị chấn thương da nhỏ do va đập, trượt ngã. Khi tiếp xúc với nước bẩn, vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm, nổi bật là viêm mô tế bào, hoại tử, hoặc nặng hơn là nhiễm trùng huyết.
Để hạn chế biến chứng, BS.Thành khuyến cáo cần rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, bôi mỡ kháng sinh như mupirocin, theo dõi sát dấu hiệu nhiễm trùng như sưng tấy, sốt, đau lan rộng…
Môi trường sau bão là điều kiện thuận lợi để muỗi, kiến, bọ chét, rệp… sinh sôi. Các vết đốt không chỉ gây ngứa mà còn tiềm ẩn nguy cơ dị ứng hoặc nhiễm trùng.
Người dân cần rửa sạch vết đốt, hạn chế gãi, có thể bôi thuốc chứa corticoid và uống kháng histamine để giảm ngứa. Nếu có biểu hiện sưng đau lan rộng, mưng mủ hoặc nổi hạch, nên đến cơ sở y tế để kiểm tra.
Làm gì để phòng bệnh da liễu sau bão?
Theo BS.Thành, giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống sau bão là yếu tố then chốt để phòng ngừa bệnh ngoài da.
"Da của chúng ta như một tấm áo giáp. Sau bão, môi trường ô nhiễm, độ ẩm cao, nước sinh hoạt thiếu sạch... đều là tác nhân khiến "áo giáp" đó bị phá vỡ", BS.Thành nói.

Các bệnh da liễu sau bão có thể tiến triển thành nhiễm trùng (Ảnh: BSCC).
Chuyên gia này khuyến cáo: "Sau khi tiếp xúc với nước ngập, người dân nên nhanh chóng tắm rửa bằng nước sạch, lau khô toàn thân, đặc biệt là các vùng kẽ. Đừng để quần áo, giày dép ẩm tiếp xúc lâu với da vì đó là điều kiện lý tưởng cho nấm phát triển.
Ngoài ra, tuyệt đối không tự ý bôi thuốc corticoid mạnh khi chưa rõ bệnh, vì thuốc này có thể khiến tổn thương lan rộng, che giấu triệu chứng thật, làm khó điều trị hơn".
Không phải tất cả các tổn thương da đều có thể tự xử lý tại nhà. Theo BS.Thành, nếu ngứa không dứt sau 3-5 ngày, vết thương sưng, đỏ, có mủ, chảy dịch, có mùi hôi hay kèm theo sốt, mệt mỏi, người dân nên đi khám ngay. Đây có thể là dấu hiệu của viêm mô tế bào, hoại tử hoặc nhiễm trùng toàn thân.
"Tôi từng gặp những bệnh nhân chủ quan với một nốt ngứa nhỏ, bôi thuốc không đúng cách, vài ngày sau phải nhập viện vì nhiễm trùng lan nhanh. Trong điều kiện môi trường sau bão, sự chủ quan là rất nguy hiểm", BS.Thành nhấn mạnh.
Thương hàn thường gặp sau lũ lụt
Trước đó, Bộ Y tế cho biết, trong và sau bão, mưa lũ, ngập lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Hơn nữa, mưa lũ và ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus và trung gian truyền bệnh sinh sôi phát triển và gây bệnh cho con người.
Trong đó, thương hàn là một trong những bệnh thường gặp sau lũ lụt, có thể gây biến chứng nặng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo Bộ Y tế, thương hàn là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, mạch chậm, táo bón hoặc tiêu chảy và ho khan. Tuy nhiên, cũng có trường hợp nhẹ hoặc không triệu chứng.
Để phòng chống bệnh thương hàn, Bộ Y tế khuyến cáo cần tăng cường giám sát dịch tễ học tại các ổ dịch cũ, các vùng có nguy cơ cao (vùng đông dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường còn nhiều tồn tại, sử dụng nước sông, ao, hồ, vùng có bệnh lưu hành)...
Thông tin báo cáo tình hình bệnh theo quy định của Bộ Y tế, cải thiện hệ thống cung cấp nước sinh hoạt như xử lý chất thải, đặc biệt là tăng cường các biện pháp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Chuẩn bị thuốc, hóa chất, trang thiết bị, máy phun phòng chống dịch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức về vệ sinh phòng bệnh trong cộng đồng, thực hiện ăn chín uống sôi.