Một vụ án, hai lần tòa bị viện… 'tuýt còi'
Bà Nguyễn Thị Điệp (SN 1955, ngụ P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) khởi kiện ông Phạm Quốc Khánh (SN 1964, ngụ cùng phường) 'lấn chiếm' hơn 4.000m2 đất. Thụ lý từ năm 2015, nhưng hơn 4 năm sau, Tòa án nhân dân (TAND) TP.Long Khánh mới mở phiên xét xử. Bản án này đã bị Viện kiểm sát kháng nghị, tòa phúc thẩm tuyên hủy. Đến cuối tháng 5/2023, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 nhưng bản án lại bị Viện 'tuýt còi'…
Thắng kiện nhờ… "suy diễn" (?!)
Theo hồ sơ, bà Nguyễn Thị Điệp tham gia cách mạng, được Nhà nước cấp một phần đất. Ngày 02/11/1992, UBND huyện Long Khánh (sau lên thị xã, nay là TP.Long Khánh) xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số 2526 cho bà Điệp theo diện chính sách, diện tích 17.340m2 thuộc thửa 1076, tờ bản đồ số 10, xã Xuân Vinh, H.Long Khánh (nay là ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang, TP.Long Khánh). Quá trình sử dụng, bà nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước.
Năm 2002, bà Điệp phát hiện ranh đất của bà và đất ông Phạm Quốc Khánh bị thay đổi, nhưng nghĩ đã có GCNQSDĐ nên không có ý kiến. Năm 2006, bà làm thủ tục cấp đổi GCNQSDĐ theo chủ trương chung. Mãi đến giữa năm 2014, bà mới nhận được GCNQSDĐ số BT 289445 ngày 15/5/2014. Theo đó, thửa 1076 đổi thành thửa số 16, tờ bản đồ 48, bị "teo tóp" còn 12.502m2, thiếu 4.802m2. Bà khiếu nại lên xã, mới biết diện tích đất bị "bốc hơi" do ông Khánh lấn chiếm, sử dụng một phần; phần còn lại chưa ai kê khai. Ông Khánh xác định đang sử dụng khoảng 13.000m2 đất nhưng GCNQSDĐ chỉ có 6.720m2. Ông khai mua của một số người nhưng không kê khai đăng ký.
Ông Khánh trình bày: Ông không lấn chiếm đất của bà Điệp. Phần đất tranh chấp bị đơn sử dụng ổn định từ xưa đến nay, có ranh giới là hàng cây dâm bụt của ông và hàng cây rừng của bà Điệp trồng. Đất này ông mua lại từ cha ruột và một số người khác. Năm 2014, ông bán phần đất này cho ông Lê Tranh bằng giấy tay. Nếu Tòa án chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn thì bà Điệp phải bồi thường giá trị cây trồng, tài sản của ông trên đất tranh chấp. Việc mua bán đất giữa ông và ông Tranh, 2 người tự giải quyết.
Ông Tranh trình bày: Sau khi mua đất từ bị đơn, ông đã trồng nhiều loại cây ăn trái. Ông yêu cầu bồi thường giá trị cây trồng (sầu riêng, xoài, mãng cầu...) trên diện tích đất tranh chấp với số tiền 400 triệu đồng.
Tại bản án sơ thẩm số 07/2019/DS-ST ngày 30/7/2019, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND TP.Long Khánh do thẩm phán Phí Thị Hồng Năm làm chủ tọa, tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc ông Khánh và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan giao trả đất cho bà Điệp. Nguyên đơn thanh toán cho bị đơn chi phí đầu tư, chăm sóc đất, cây trồng với số tiền 51 triệu đồng.
Ngày 13/8/2019, Viện trưởng Viện KSND TP.Long Khánh Huỳnh Thanh Tùng ký Quyết định (QĐ) kháng nghị, hủy một phần bản án đã tuyên.
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 08/01/2020, TAND tỉnh Đồng Nai với HĐXX do Thẩm phán Ngô Thanh Sỹ làm chủ tọa, tuyên hủy án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng, bỏ sót không đưa ông Lê Tranh vào tham gia vụ án; chưa thu thập chứng cứ để làm rõ một số nội dung liên quan.
Thụ lý lại vụ án ngày 28/02/2020, nhưng mãi đến ngày 25/5/2023, TAND TP.Long Khánh mới mở phiên sơ thẩm lần 2 do Thẩm phán Trương Thị Mỹ Lệ ngồi ghế chủ tọa, tuyên Bản án số 01/2023/DS-ST (Bản án 01) đảo ngược bản án sơ thẩm lần 1, bác yêu cầu khởi kiện của bà Điệp yêu cầu ông Khánh trả lại phần đất lấn chiếm đo thực tế 3.557,7m2.
HĐXX đưa ra nhiều nhận định, trong đó vài lập luận rất đáng chú ý: Ranh giới bản đồ địa chính lập 1992 và diện tích được cấp GCNQSDĐ không hẳn đã chính xác so với diện tích thực tế sử dụng. Bà Điệp xác định khi nhận GCNQSDĐ (số BT 289445) mới biết đất bị thiếu là vô lý. Bà Điệp cho rằng, năm 2002 phát hiện ông Khánh lấn chiếm đất nhưng bà không khởi kiện là không phù hợp với lẽ thường tình vì diện tích đất bị lấn chiếm rất lớn, hơn 4 sào. Bà không trình báo chính quyền địa phương, ban ấp để ghi nhận, lập biên bản. Trong khi đó, hàng ranh giữa 2 bên đã lâu năm và rất dài, nếu ông Khánh phá bỏ thì phải gây ra động tĩnh lớn, ban ấp và người dân xung quanh phải biết (?!)...
Nguyên đơn phản ứng: "Là những người nhân danh công lý, "cầm cân nảy mực", nhưng HĐXX đưa ra nhận định kiểu "lập lờ, nước đôi". Đã là ranh giới bản đồ địa chính và diện tích được cấp GCNQSDĐ thì chỉ có đúng hoặc sai, sao lại "không hẳn"? Cơ sở pháp lý nào để HĐXX phán tôi khi nhận GCNQSDĐ (số BT 289445) mới biết đất bị thiếu là "vô lý”? Tại sao ông Khánh phá bỏ hàng ranh thì phải gây ra "động tĩnh lớn", chính quyền và người dân phải biết? Vụ án kéo dài hơn 8 năm, có dư thời gian để thu thập tài liệu chứng cứ, nhưng lạ thay HĐXX lại "phỏng đoán, suy diễn" nhằm có lợi cho bị đơn, tuyên bản án thiếu căn cứ" (?!)
Khi tòa "quên" gửi bản án cho viện…
Ngày 08/6/2023, Viện trưởng Huỳnh Thanh Tùng ký QĐ kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án 01. Theo Viện trưởng, tại thời điểm ban hành kháng nghị, TAND TP.Long Khánh chưa gửi Bản án 01 cho Viện kiểm sát.
QĐ kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND TP.Long Khánh nhận định: HĐXX bác yêu cầu của bà Điệp là không thuyết phục, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn. Tại công văn số 3417/UBND-NC ngày 21/9/2021, UBND TP.Long Khánh xác định: Thửa đất 1076 đã cấp đổi GCNQSDĐ cho hộ bà Điệp năm 2014 với diện tích 12.502m2. Phần đất còn lại của thửa 1076 hiện nay do ông Khánh kê khai đăng ký năm 2005, 2006 và một phần chưa ai kê khai.
Tại phiên tòa, bà Điệp khai khi cấp đổi GCNQSDĐ năm 2006, bà chỉ đem GCNQSDĐ số 2526 đi nộp, không viết vào đơn kê khai hay tách thửa, cũng không có ai xuống khu đất đo đạc. Đến năm 2014, bà nhận được GCNQSDĐ số BT 289445 mới thấy diện tích chỉ còn 12.502m2 nên làm đơn gửi xã và UBND thị xã Long Khánh. Sau đó, UBND xã Bảo Quang trả lại cho bà GCNQSDĐ số 2526 có ghi thêm nội dung ở trang số 4: "Thửa đất 1076 được cấp cho bà Nguyễn Thị Điệp với 12.502m2 tại thửa số 16, tờ bản đồ số 04; diện tích còn lại 4.802m2 tại thửa số 1076 tờ bản đồ số 10, xã Xuân Vinh (cũ)".
Như vậy, thửa đất 1076 với 17.304m2 đã được Nhà nước công nhận cấp cho bà Điệp. Quá trình cấp đổi đã cấp thiếu cho bà, được UBND xã Bảo Quang chỉnh lý tại trang 4 của GCNQSDĐ cũ. Nhà nước thừa nhận diện tích cấp thiếu vẫn là đất của bà Điệp. Một phần bị cấp thiếu hiện nay đang do ông Khánh kê khai, quản lý, sử dụng.
Ông Khánh cho rằng phần đất đang tranh chấp là ông mua lại của ông Lê Văn Thảo (2 sào) và mua của ông Huỳnh Văn Hiệp (2 sào), nhưng không cung cấp được chứng cứ nào chứng minh nguồn gốc đất của những người này.
Vì vậy, yêu cầu khởi kiện của bà Điệp là có cơ sở chấp nhận. Ngoài ra, HĐXX không chấp nhận yêu cầu của ông Lê Tranh về bồi thường thiệt hại trên đất là không thuyết phục. Ông Khánh bán đất cho ông Tranh năm 2014, khi mua đất, ông Tranh không biết đất tranh chấp nên yêu cầu bồi thường là có cơ sở.
Với các lẽ trên, Viện trưởng Viện KSND TP.Long Khánh kháng nghị đối với Bản án 01 của TAND TP.Long Khánh; Đề nghị TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm, theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và người có quyền và nghĩa vụ liên quan là ông Tranh.