Mùa cỏ hoang
Vẫn nghĩ mùa hạ không đúng nghĩa lắm ở miền cố xứ kéo dài từ trước tết đến giờ rồi sẽ dịu, sẽ nhường cho heo may mùa thu và chút đông se lạnh. Nhưng dẫu sao đó vẫn là niềm mơ giữa cái nắng nóng khắc nghiệt cả ngày lẫn đêm. Tầm nửa buổi sáng nhìn ra trắng xóa đến nhức mắt.
Trưa chiều lướt giữa đường, cảm giác như quần áo vừa là ủi trăm độ. Buổi tối tôi lau nhà bằng nước mát mấy dạo, rồi nằm trên nền, mở toang cửa, bật một máy quạt hơi nước có bỏ đá lạnh và thêm một quạt gió thường, vẫn nóng hấp. Nửa đêm ngỡ như có lửa bốc lên. Nằm trằn trọc, tôi ước cái không gian của mấy người công dân ngủ ở ngoài bãi đất hoang ngút cỏ dại và gió phía sau nhà không xa. Sáng sáng dậy sớm, tôi thường đi dạo mấy vòng quanh khu đô thị mới giải phóng đất và phân lô, cỏ mọc um cùng loài hoa dại. Nhiều đám cỏ khô cháy. Hoa dại chỉ đủ sức khoe sắc vào tầm sáng, rồi cụp dần héo hắt. Tôi cầu một trận mưa xối xả tắm hết khu đất rộng thênh này để cỏ hoang vươn mình xanh mướt, để muôn hoa dại có thêm lần minh chứng cho những ẩn tàng vi diệu thuộc về bí mật của tự nhiên. Tôi nhớ mùa mưa năm ngoái, khi khu đất được vỡ hoang chưa lâu, cỏ xanh mướt trên những đống đất tươi, rồi mưa làm xói mòn khiến hoa cỏ chúi dụi, chúng lại vươn về phía mặt trời một ngày chợt nắng.
Tôi nhớ ngôi nhà rất xưa của nội dưới Thủy Dương, trước khi tôi đến ở nó đã tạm bỏ không nên cỏ lút vườn. Vào ở được mấy tháng gặp cơn lụt kinh hoàng, mờ sáng đã nghe tiếng còi xe cứu thương khi nước còn trắng đồng. Mưa trút, ngồi bên song cửa rít thuốc, nhấp ly trà nóng khiến nỗi buồn cũng trở nên giá trị. Vẫn biết ngoài đường lúc đó bao người nông dân nhọc nhằn vun cho từng gốc lúa, bao người vẫn lầm lụi trên các con đường ngõ hẻm kiếm dăm ba ngàn… Nhớ đến anh chị em tôi thủa nào chân lấm tay bùn nhổ cỏ, nhớ mẹ phải tháo dép bấm từng ngón chân trên mặt đường trơn đẩy chiếc xe đạp chở hai bì khoai nặng chịch mà nếu ngã chỉ biết đứng khóc. Mùa mưa tôi còn nhớ mái tranh ba dọi mãi không kín. Ngôi nhà của nội đang ở cũng dột, các đường xà thớ rui mọt đều đục rỗng. Tôi hứng thau dưới chỗ dột, đêm nằm nghe tong tong như ai kể chuyện cổ tích. Ở khá lâu mới có người thân đến thăm. Họ ngớ người nhìn khu vườn, cỏ ơi là cỏ. Cỏ ăn cả vào hiên. Tôi cười, ngồi kể mẩu chuyện về một sớm quét nhà, quét đến nơi có cái hũ nhỏ thằng bạn họa sĩ có lần về ở mấy ngày vẽ vời rồi cuốn tranh bỏ ở đó, nay thấy cái dây gì vàng vàng, nhìn lại mới giật mình, thì ra một con rắn vắt nửa trong nửa ngoài trên thành hũ. Tôi nhăn mặt, rồi chợt phì cười, nhẹ nhàng lấy cán chổi nâng con rắn đặt ra ngoài vùng cỏ. Có lần khác quét dưới bếp, thấy mấy con rắn con nhúc nhúc bò tới, quét ra chúng cứ bò tới. Tôi à lên, như thế này là rắn làm ổ trong góc nhà dưới bếp ni rồi. Thế là từ ngày đó tôi mặc bếp bẩn, đóng chặt cửa thông với nhà trên. Ban đêm về thì đạp xe từ ngoài cổng ào vô hiên, không dám dắt bộ, rồi bật máy lửa thủ sẵn soi xem có rắn trên nền nhà không. Có lẽ cỏ vườn nhiều quá, mát quá, rắn rết rủ nhau về sống. Mà tôi thấy chúng cũng hiền như cỏ, có dạo rắn còn vô tư bò qua khi tôi ngồi trước hiên nhìn những vồng rau đang lên xanh cùng cỏ.
Trong ngôi nhà hoang thật nhiều kỷ niệm với cỏ, với những con người vừa quen vừa lạ, đôi khi là bước vào hỏi thăm nhầm ngõ. Mưa. Lạnh. Suốt mùa mưa năm 2005, tôi đắp mỗi cái chăn chiên mỏng của thằng bạn vứt lại sau khi nhận bằng tốt nghiệp. Lạnh thật, nhưng tôi nghĩ tới cu N. đang lạnh lẽo hơn bội phần... Đến một hôm thằng bạn bên trường nghệ thuật qua chơi; đêm thứ hai lạnh quá nó về mang tới cái chăn bông. Nằm ấm, tôi lại thương cu N., và thương em với bóng hình liêu xiêu bên bờ biển… Những lúc vắng người, tôi bước thẩn trong khu vườn, ngồi với cỏ. Cỏ mọc chen lên rau mà tôi không buồn nhổ. Rau và cỏ đều đẹp, đều ý nghĩa dưới những khoảng không vô tận.
Rồi trong sự thanh vắng, đôi lúc tiếng hát của cô gái từ quán nhậu cách đó không xa vọng tới. Tiếng hát thanh, như giọng quê còn trong vắt. Gạch nối giữa chiều với màn đêm thường buồn hơn hết. Thời khắc dành cho một không gian hoàn toàn trầm lắng với sương mờ cô quạnh làm ta có thể nghe được tiếng chạm khẽ của đôi bờ tình ái trên đỉnh núi xa nhất. Bài hát ngân lên với tất cả nỗi niềm của người con gái đợi chờ một sự thật phủ rêu và đang dần mộng mị. Chiều ấy có người con gái xõa tóc bên sông, lung linh giọt lệ. Nhịp cầu tình duyên đã khuỵu trong lòng cô u uẩn. Ấy là tất cả âm thanh có thể len được giữa thời gian và làm mục rũa thời gian... Con thuyền tình duyên lặng lẽ chở nỗi niềm trôi như một huyền thoại về những phút giây đôi tình nhân gần gụi. Tôi nhớ cỏ trong đêm. Nhìn ra vườn thấy nhấp nhô một màu đen khẽ rung trong gió.
Ngày xa xăm nào đó không còn nhớ, tôi tặng hoa cho em. Bó hoa bình thường bởi nó dường như không mang thông điệp gì đặc biệt. Song hoa đã rẽ lối cuộc đời em. Em vào Huế làm ăn nuôi con, thuê phòng ở trên phố, sáng đi tối mới về. Cứ bữa tôi lên ăn cơm cùng hai đứa, hướng dẫn chúng học bài, xem thời sự rồi về lại ngôi nhà của nội. Độ khoảng tiếng sau em mới về. Một ngày ý nghĩa, lại không hoa, tôi làm bộ có lỗi, nói về muộn nên rảo khắp phố vẫn không kiếm ra chỗ nào còn hoa… Em cười hiền dịu. Em khuất sau cánh cổng sắt hoen gỉ, tôi trở vào, lên giường nằm đọc sách, không thu được chữ nào. Tưởng đến cảnh em về đến phòng trọ, bước vào, hỏi con (nó học cấp 3 cũng dễ có hoa ai tặng): “Hoa đâu ra vậy?” (chứ không phải “Hoa ai tặng con vậy?”). Đó là bó hoa tôi gom từ cỏ hoang và hoa dại trong vườn.
Một ngày đã xa. Nửa chiều qua nhà thằng bạn thấy nó ngồi ủ rũ; cái lão không có bạn gái dẫu ở tuổi 36. Yêu một con bé đẹp thì nghe nói đã làm thư ký cho trưởng phòng. Chán, lão giam mình trong nhà suốt. Tôi bảo: chiều qua trà lá cho vui; cũng chẳng hiểu vì sao lại thốt ra câu đó. Tôi về, ngồi vào bàn, suy nghĩ nghiêm túc: mấy ngàn đủ mua trà và thuốc. Hồi đó với tôi, kiếm cho đủ tiền ăn cơm rau dưa qua ngày và nhất là có li cà phê cùng vài điếu thuốc mỗi sáng đã khó lắm. Rồi tôi lại nảy ý tìm hoa dại. Trong vườn có hoa cúc, hoa dâm bụt, hoa me tím đến hoang lòng. Tôi đạp xe lòng vòng quanh xóm kiếm được bông hoa bí vàng rực, thêm bông hoa chuối vừa mới tạo búp. Nhọc nhằn nhất là vớt hoa bèo. Tôi phải lội ra xa ngoài ruộng, bùn non ngập đầu gối mới kiếm được hai cây bèo nở tím. Còn nữa, ấy là một nhánh hoa cải dài uốn cong. Trang điểm thêm cỏ dại trong vườn, tôi phát hiện ra nhờ có lần bọn học sinh vào xin về cắm hoa. Trong nhà có cái hũ sứ cổ lâu nay tôi dùng đựng bút, đã bị trám nhiều chỗ nom càng quý. Bắt đầu phối màu. Bình hoa đẹp hơn khi nó được đặt trên cái hũ sành úp lại. Cuộc trà với bạn xong, tối mịt tôi đạp xe lên phòng trọ. Trước lúc đi, tôi thắp nến chung quanh bình hoa, nó lặng lẽ sáng đợi người về…
Tôi cứ để khu vườn ngút ngàn cỏ hoang mãi đến lúc em nhắc. Bận bịu kiếm sống, em nhờ tôi vun lên vài ba luống để gieo rau dền, rau muống và cải. Một sớm uống cà phê về, tôi thấy em vun lên được vồng đất, công việc tôi nghĩ mình phải làm nhẵn một ngày cực nhọc. Tôi thẹn khi em vội vàng rửa ráy đi làm cho kịp giờ. Còn tôi, sẽ có cả ngày rảnh rỗi cùng mấy câu chuyện phiếm cũ mèm. Hôm sau em mang hạt giống về gieo, dăm ngày sau cải mọc. Mươi ngày nữa vồng đất xanh mướt một màu; thì gặp mưa gió, rồi bão. Vạt cải gầy guộc lòi gốc nằm bặn lên nhau la liệt. Em nhìn cải ứa nước mắt. Tôi thương rau, thương cỏ. Em cũng thích khu vườn hoang của nội tôi, thích có thời gian rỗi ngắt cỏ hoang và hoa dại cắm vào lọ hoa cũ từ thời nội tôi còn trẻ, đặt trên chiếc bàn gỗ cũng rất xưa trong ngôi nhà lợp bằng ngói liệt mà rui mèn mối mọt vẫn nghiền từng đêm rức buốt. Cỏ hoang với tôi như một niềm ân nghĩa không thể trả hết nợ nần. Về ngụ cư vùng đất mới, tôi luôn dành khoảng thời gian đẹp nhất như sáng tinh sương hay chiều tà, để ngồi với cỏ trên những bãi hoang hay ở một góc vườn nào đó. Hôm vừa rồi ngang qua ngôi nhà của nội mà hơn hai mươi năm trước từng ở, mới nhìn thôi đã nghẹn lòng. Góc vườn ấy, những vồng rau cỏ vẫn như sau một đêm giông bão…
Bão tan. Đợi nắng lên, tôi bắt tay vào làm cỏ vườn, lên luống. Em mang thêm giống về gieo. Tôi háo hức, “rồi anh sẽ làm cỏ sạch vườn, tha hồ gieo giống”. Sau đó là khoảng lặng cả hai dành cho cỏ hoang. Cũng như trên cánh đồng tình luôn hiện hữu những loài cỏ hoang mà ai đó cần cù mấy cũng không thể nhổ sạch. Cỏ nhắc người biết quý những miền hoang trong tâm tưởng, mênh mông vô chừng.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/mua-co-hoang-tintuc461374