Múa khèn- nghệ thuật trình diễn dân gian của người Mông
Múa khèn của đồng bào dân tộc Mông thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, đã có từ lâu đời và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Khi tiếng khèn Mông cất lên cũng là lúc những bước nhún, bước quay, vòng xoay tạo lên vũ đạo rất lôi cuốn.
Múa khèn thể hiện bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của đồng bào Mông, ghi dấu ấn sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt trong các nghi lễ.
Nghệ thuật múa khèn của người Mông còn thể hiện tính cố kết cộng đồng, tinh thần đoàn kết trong đời sống của đồng bào, đồng thời chứa đựng những sáng tạo mang tính khoa học độc đáo, được biểu hiện qua tiết tấu đa dạng, biến hóa khi thổi khèn kết hợp với vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng khi múa.
Theo nghệ nhân dân tộc Mông, Lý Hồng Quân (Bắc Cạn), người thổi được khèn và biết múa khèn thường đã trải qua một quá trình lao động nghệ thuật bền bỉ, công phu, kiên trì. Bởi khi vừa thổi vừa múa đòi hỏi phải sử dụng nhiều động tác vô cùng phức tạp và nhuần nhuyễn. Trong đó động tác múa rất đa dạng, phong phú: Múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa, múa ngồi xổm, đi tiến, đi lùi theo bốn hướng, mỗi bước tiến, bước lùi làm sao chỉ để chân này chạm gót chân kia. Động tác cơ bản là khom lưng, quay hất gót tại chỗ và quay hất gót di động trên vòng quay lớn rồi thu hẹp dần theo hình xoắn ốc…, với tốc độ càng nhanh càng điêu luyện.
Vào dịp lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, đón Tết vui xuân các bài biểu diễn múa khèn có nội dung vui nhộn, mang ý nghĩa chúc tụng và mời bạn bè cùng tụ họp, vui chơi. Tiếng khèn làm quên đi những khó khăn, vất vả sau một năm chăm chỉ lao động mệt nhọc, góp phần gắn kết tình bạn, tình yêu, tình làng xóm với nhau.
Xác định được tầm quan trọng của nghệ thuật múa khèn Mông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch một số tỉnh miền núi phía Bắc đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa độc đáo này. Đồng thời mở lớp truyền dạy múa khèn cho học viên là con em dân tộc Mông; Tổ chức các chương trình sự kiện văn hóa tại địa phương, tham gia các chương trình, hội diễn cấp khu vực, toàn quốc nhằm tăng cường giới thiệu về di sản khèn Mông; Chỉ đạo các địa phương thường xuyên quan tâm, động viên, khuyến khích nghệ nhân tích cực truyền dạy múa khèn và tri thức chế tác khèn Mông cho các thế thế trẻ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa truyền thống của di sản khèn Mông nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào về giá trị văn hóa của dân tộc, nâng cao lòng từ hào dân tộc, từ đó tích cực gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc mình.
Phạm Tiệp