Mùa lễ hội 2025: Minh bạch tiền công đức

Trong mùa lễ hội năm 2025, tại nhiều đền, chùa, người dân đang dần có thói quen bỏ tiền công đức vào hòm hoặc quét mã QR Code để ủng hộ, thay cho việc đặt tiền lên ban thờ, đồ lễ. Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sẽ lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho địa phương, tạo thuận lợi trong kiểm kê, quản lý tiền công đức.

Người dân bỏ tiền công đức vào hòm khi đi lễ tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)

Người dân bỏ tiền công đức vào hòm khi đi lễ tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)

Tiền công đức được quản lý chặt chẽ hơn

Thời điểm đầu năm mới Ất Tỵ, rất nhiều gia đình, công ty, doanh nghiệp tại Hà Nội tranh thủ đến các đền, chùa trên địa bàn thành phố để cúng dường, cầu phước cho một năm mới bình an, mọi sự hanh thông. Các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Phúc Khánh (Thịnh Quang, Đống Đa) và chùa Quán Sứ (Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm) luôn tấp nập người ra vào ngay cả trong giờ hành chính. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, nhìn chung, các cơ sở tôn giáo đều đang thực hiện đúng theo hướng dẫn tại Thông tư 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quản lý tiền công đức.

Tại chùa Phúc Khánh, ngôi chùa nằm trên phố Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) nổi tiếng nhiều năm qua với việc kín người chen nhau cầu bình an, năm nay người dân đi chùa hầu như đều bỏ tiền giọt dầu vào các hòm công đức. Nhà chùa cũng bố trí nhân viên ngồi tại các bàn để hướng dẫn người dân bỏ tiền công đức vào hòm. Chỉ còn một số ít người dân vẫn giữ thói quen đặt tiền công đức lên các mâm lễ, ban thờ…. Ban quản lý chùa cũng cử các nhân viên thường xuyên đi thu gom tiền giọt dầu, bỏ lại vào hòm công đức để quản lý hiệu quả và minh bạch khoản tiền này hơn.

“Trước kia, tôi thường đặt tiền công đức lên mâm lễ, kệ thờ theo thói quen, nhưng năm nay bắt đầu bỏ vào hòm công đức. Tôi nghĩ làm như vậy là văn minh hơn vì sẽ tránh gây tình trạng người dân chen lấn, xáo trộn hoặc để tiền rơi bừa bãi, nhìn phản cảm”, chị Nguyễn Thị Hường (40 tuổi, thường trú tại quận Thanh Xuân) chia sẻ.

Tương tự, tại chùa Quán Sứ, người đi lễ năm nay cũng chủ yếu bỏ tiền công đức vào hòm theo hướng dẫn của đội ngũ nhân viên. Họ cũng thường xuyên thu gom tiền công đức trên các mâm lễ, ban thờ để bỏ lại vào hòm.

Tại Khu di tích Đền Chợ Củi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), việc tiếp nhận và quản lý tiền công đức cũng có nhiều cải thiện. Theo ông Trần Minh Đức, Trưởng Ban Quản lý Di tích Quốc gia Đền Chợ Củi, năm nay ban quản lý (BQL) di tích bố trí 3 hòm công đức, có cả mã QR để người dân đóng góp công đức được thuận tiện hơn. Việc quản lý tiền công đức nhìn chung đang tiến triển khá thuận lợi theo hướng dẫn của Thông tư 04.

“Năm 2024, tổng số tiền công đức tại Di tích Đền Chợ Củi đạt 25 tỷ đồng. Trước kia, khi Di tích Đền Chợ Củi được giao khoán tiền công đức cho tư nhân quản lý, tiền công đức nộp về ngân sách Nhà nước mỗi năm chỉ 2,5 tỷ đồng”, ông Đức cho biết.

Điều này cho thấy sau khi việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức tại Di tích Đền Chợ Củi được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao hoàn toàn cho BQL Di tích Quốc gia Đền Chợ Củi, những bất cập về tiền công đức đang dần được khắc phục.

Theo Quyết định số 2245 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, mỗi di tích được đặt không quá 3 hòm công đức, và chỉ đặt ở 3 ban thờ chính. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, tại nhiều chùa, số hòm công đức có thể gấp 3 - 4 lần so với quy định.

 Người dân bỏ tiền công đức vào hòm khi đi lễ tại chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, TP Hà Nội)

Người dân bỏ tiền công đức vào hòm khi đi lễ tại chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, TP Hà Nội)

Nhiều khó khăn trong kiểm kê tiền công đức

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, năm 2025 chưa có kế hoạch báo cáo kiểm tra tổng thể trên cả nước về quản lý tiền công đức. Hiện nay, báo cáo của địa phương về việc quản lý tiền công đức hiện vẫn chỉ mang tính tham khảo, khó kiểm tra được tính minh bạch.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, Bộ Tài chính đã nhận được một số kiến nghị về kiểm kê, quản lý tiền công đức. Ví dụ như tỉnh Hải Dương kiến nghị những vấn đề liên quan khu di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo. Theo đó, Thông tư 04 không cho phép sự tham gia của các đơn vị sự nghiệp công lập (ở đây là các BQL di tích, danh thắng) tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, mà trao toàn bộ quyền này cho người đại diện cơ sở tôn giáo tự quyết định (theo khoản 4 Điều 13). Do đó, các BQL không có cách nào để nắm chính xác số tiền công đức thu được. Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cũng gửi kiến nghị Bộ Tài chính cần sớm ban hành biểu mẫu về ghi chép, theo dõi tiền công đức…

“Thông tư 04 là quy định pháp lý đầu tiên về quản lý tiền công đức nên có thể chưa bao quát được hết tình hình thực tế. Thời gian tới, chúng tôi ưu tiên việc lắng nghe, thu thập kiến nghị của các địa phương về thông tư này. Sau khi đã nhận được những kiến nghị, nếu cần thiết, chúng tôi sẽ sửa đổi thông tư để giúp các địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn”.

Lãnh đạo Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp cho biết

Một trong những vấn đề được BQL khu di tích ở các địa phương quan tâm là việc sử dụng tiền công đức. Ông Trần Minh Đức, Trưởng BQL Di tích Quốc gia đền Chợ Củi cho biết, đang chờ UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định về tỷ lệ phần trăm (%) cụ thể trong việc trích tiền công đức, tài trợ cho công tác tu bổ, phục hồi di tích, chi cho hoạt động lễ hội, hoạt động thường xuyên (trả lương cho đội ngũ làm việc tại di tích…) và các hoạt động đặc thù theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Thông tư 04.

Đại diện BQL Di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết, tỉ lệ phân bổ số tiền công đức theo công thức: Nhà chùa quản lý và sử dụng 96%; 4% còn lại thuộc về BQL di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 của Thông tư 04, hàng năm, nhà chùa chỉ có trách nhiệm trích một tỷ lệ % nhất định từ số tiền công đức cho BQL nhằm chi trả chi phí sửa chữa, bảo dưỡng di tích, đảm bảo an ninh trật tự….

“UBND tỉnh Quảng Ninh đang giao cho Sở Tài chính của tỉnh chủ trì, phối hợp cùng một số đơn vị khác để triển khai việc thực hiện Thông tư 04. Đến thời điểm này, UBND và Sở Tài chính của tỉnh vẫn chưa ban hành văn bản chỉ đạo nào. Theo những gì tôi biết, việc triển khai thực hiện Thông tư 04 chưa được đồng nhất trên toàn bộ tỉnh Quảng Ninh. Có nơi đã thực hiện, nhưng có nơi vẫn chưa”, đại diện BQL Di tích và rừng quốc gia Yên Tử nói.

Theo vị này, Sở Tài chính đang đẩy mạnh việc lấy ý kiến đóng góp, kiến nghị của các ban, ngành và khu di tích trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện Thông tư 04 để có thể ban hành chỉ đạo trong thời gian sớm nhất.

Trước các kiến nghị này, trong thời gian tới, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tổ chức các đoàn khảo sát để thu thập thêm những ý kiến đóng góp của các địa phương.

Việt Khôi

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mua-le-hoi-2025-minh-bach-tien-cong-duc-post1714655.tpo