Vì sao có quan niệm đầu năm đi lễ không đặt cành vàng lá ngọc lên ban thờ?
Cành vàng lá ngọc là lễ vật biểu trưng cho sự phú quý, vậy vì sao lại có quan niệm đầu năm đi lễ không nên đặt cành vàng lá ngọc lên ban thờ?
Mỗi dịp đầu xuân, người dân Việt Nam thường đi lễ chùa, đền, cầu bình an, may mắn cho năm mới. Một số vật phẩm dâng cúng được người dân mang về nhà đặt lên ban thờ. Tuy nhiên, trong dân gian và giới phong thủy có quan niệm không nên đặt cành vàng lá ngọc lên bàn thờ sau khi đi lễ đền, chùa về, dù nó rất đẹp và được cho là biểu tượng của sự phú quý, giàu sang.
Vì sao đầu năm đi lễ không đặt cành vàng lá ngọc lên ban thờ?
Theo các chuyên gia phong thủy và bậc thầy về lễ nghi, cành vàng lá ngọc được bán ở trước các đền, phủ, chùa chiền... cho khách thập phương bổ sung vào mâm lễ chỉ đơn thuần là vật trang trí, không phải là đồ cúng thực sự. Chúng chỉ có tác dụng làm đẹp mắt chứ không mang ý nghĩa thờ cúng sâu sắc.
Trong khi đó, ban thờ gia tiên cần giữ sự trang nghiêm và thanh tịnh. Việc bày biện cành vàng lá ngọc, hoa giả hay bất kỳ vật phẩm không liên quan đến thờ cúng sẽ làm giảm không khí trang nghiêm và còn khiến ban thờ trông lộn xộn, kém thanh tịnh. Cành vàng lá ngọc rực rỡ phù hợp dâng ở với đền, phủ hơn là ban thờ ở nhà.
Trước đây, vào những ngày đầu xuân, người dân thường hái những chồi non hoặc cành cây tươi, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, cầu mong một năm mới phát đạt. Hiện nay, nhiều người thay thế bằng những cành vàng lá ngọc, hoa giả để cầu giàu có, may mắn. Nếu muốn, gia chủ có thể bày lên bàn thờ trong một thời gian ngắn, nhưng khi đến rằm tháng Giêng thì nên hóa đi.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Cường (nhà nghiên cứu Phật học tại Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Tiềm năng con người) trên trang Gia đình và Xã hội, báo Sức khỏe và Đời sống, không nên tùy tiện mang những vật phẩm “lộc” từ đền, chùa về bày lên bàn thờ mà không suy xét kỹ càng. Sau khi mua cành vàng lá ngọc đó dâng cúng, công đức sẽ được bề trên chứng giám thì nên hóa đi thay vì mang về nhà.
Lưu ý đi lễ đầu năm
Về thứ tự lễ bái, thông thường người ta lễ thần Thổ địa, Thủ đền trước. Đây gọi là lễ trình, báo cáo với thần linh, Thổ địa nơi mình đến dâng lễ để được phép tiến hành làm lễ tại đình, đền, miếu, phủ. Sau đó, khách thập phương sắp lễ vào các mâm, khay và đặt vào các ban; đặt lễ vật lên ban chính trở ra ban ngoài cùng.
Sau khi đặt xong lễ lên các ban thì mới được thắp hương; làm lễ từ ban thờ chính đến ban ngoài cùng. Lễ ban cuối cùng thường là ban thờ cô, thờ cậu.
Một số lưu ý khác khi đi lễ:
- Nên lưu lại tiền công đức nếu có sử dụng đồ của chùa (như thụ lộc, ăn uống).
- Quản lý trẻ em, không để trẻ nghịch ngợm hay chạy loạn, chạm vào đồ thờ, tượng...
- Tránh làm ồn và nói những lời không thanh tịnh, thô lỗ, không tùy tiện chỉ trỏ vào tượng Phật vì như vậy là bất kính.
- Không nên đi qua trước mặt những người đang quỳ lạy.
- Ăn mặc kín đáo, lịch sự.