Mùa Xuân đang về thật gần
Chị Nguyễn Thị Phương Liên ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tất bật mở cửa trang trại rộng hơn để xe ô-tô lần lượt vào vận chuyển hơn 210 nghìn con gà giống được úm đủ 21 ngày tuổi, là số gà Trung ương và tỉnh mua hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất và chăn nuôi sau lũ lụt. Từ trang trại gà đi về các miền quê, những chú gà con mang đến niềm vui cho hàng nghìn hộ dân bắt đầu quá trình khôi phục, tái thiết lại chăn nuôi gia cầm, giúp thu về được đồng tiền sớm nhất để trang trải cho cuộc sống của họ.
Chị Nguyễn Thị Phương Liên ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tất bật mở cửa trang trại rộng hơn để xe ô-tô lần lượt vào vận chuyển hơn 210 nghìn con gà giống được úm đủ 21 ngày tuổi, là số gà Trung ương và tỉnh mua hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất và chăn nuôi sau lũ lụt. Từ trang trại gà đi về các miền quê, những chú gà con mang đến niềm vui cho hàng nghìn hộ dân bắt đầu quá trình khôi phục, tái thiết lại chăn nuôi gia cầm, giúp thu về được đồng tiền sớm nhất để trang trải cho cuộc sống của họ.
Không xa là vùng đất xã Gio An, huyện Gio Linh, nơi ra đời hát bài “Tiếng đàn Ta Lư” của nhạc sĩ Huy Thục. Nơi này có loại rau xà lách xoong nổi tiếng nhất nước, là món ngon không thể thiếu trong thực đơn ẩm thực của nhiều nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Người dân xã Gio An bắt đầu khôi phục sản xuất nông nghiệp từ việc trồng từng mét vuông ruộng rau để kịp cung cấp cho thị trường Tết. Cây rau xà lách xoong không chịu sống chung với phân bón, nước bẩn, ô nhiễm, đất bùn và thuốc trừ sâu, mà chỉ sống những nơi có môi trường trong sạch, những suối đá trong vắt và mát rượi chảy trong lòng núi nên nhiều người gọi xà lách xoong là rau trên đá.
Đi qua các tỉnh miền trung, lòng thấy ấm áp lạ thường khi chứng kiến sự đổi thay của cuộc sống đang diễn ra từng ngày. Hàng trăm vườn cam mới trồng cùng những vườn cam trĩu quả đang cho thu hoạch của các gia đình nông dân miền trung tiên phong trồng giống cây này giúp chúng ta hiểu được giọt mồ hôi đổ xuống của người nông dân đã được trời đất ghi nhận để rồi biến vùng đất hoang hóa cho ra những mùa cam quả ngọt. Những cánh rừng sản xuất bát ngát được trồng theo tiêu chuẩn chứng chỉ Quản lý rừng FSC, gặp gỡ những con người say sưa với đất, làm giàu từ đất và làm cho đất lên hương từ cây rừng, góp phần mang lại cho một miền trung xanh ngát, dần khỏa lấp những vết xước sạt lở núi giữa đại ngàn do thiên tai lũ lụt gây ra. Công cuộc khai thác, phát huy thế mạnh những vùng đất đồi núi trồng rừng sản xuất luôn thể hiện khát vọng mãnh liệt chinh phục đất đai làm giàu của người dân miền trung. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng tự hào về người nông dân Quảng Trị cũng như miền trung không những làm chủ sáng tạo trên mảnh đất của mình mà đã góp phần làm cho đất sinh sôi tiến đến những mùa vàng bội thu, no ấm.
Để giúp miền trung khôi phục sản xuất nông nghiệp, người dân sớm ổn định cuộc sống, đón Tết cổ truyền ấm áp, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện bằng các biện pháp cụ thể; quyết định hỗ trợ khẩn cấp 1.250 tỷ đồng cho các tỉnh kịp thời khôi phục đời sống, sản xuất ban đầu và một khoản ngân sách lớn hơn nữa để tái thiết lâu dài. Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp người dân bằng việc hỗ trợ giống rau để sản xuất, vừa có thực phẩm phục vụ đời sống vừa giúp có thu nhập trước mắt. Tiếp tục ưu tiên nuôi tôm, gia cầm, cá, vì chỉ cần sau ba tháng chăn nuôi nông dân sẽ có thu hoạch. Nhằm thúc đẩy cùng lúc các biện pháp phục hồi trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, Bộ đã hỗ trợ 23 tấn hạt giống ngô, gần 16 tấn hạt giống rau, 13 tấn giống lúa các loại cho các tỉnh; hơn 1,1 triệu con gà giống, 19 nghìn con vịt, ngan và 300 tấn thức ăn hỗn hợp cho gia cầm; kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ giống tôm thẻ chân trắng; thức ăn; hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường cho người dân khôi phục sản xuất.
Tại hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh miền trung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cuối năm 2020, khẳng định các tỉnh miền trung tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu; người dân miền trung cần xác định sống chung với các hiện tượng lũ lụt, mưa bão, biến đổi khí hậu để tìm ra đối tượng sản xuất phù hợp, quy trình kỹ thuật cụ thể. Cả ba vùng ven biển, đồng bằng và miền núi của các tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi thiên tai rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta cần phải tính toán lại chiến lược phát triển cả ba vùng này để có quy hoạch tổng thể nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân. Chúng ta không chỉ thích ứng, mà còn chủ động thích ứng bằng các nhóm giải pháp nguồn lực trung hạn, dài hạn, ODA để bảo đảm cho sự phát triển bền vững.
Nhờ những quyết sách kịp thời và đúng đắn của Đảng và Nhà nước nên người dân miền trung càng tự tin hơn trong cuộc sống. Con gà, con cá, cây rau được nuôi, trồng từ đồng tiền hỗ trợ của Chính phủ, từ sự chia sẻ đầy yêu thương của người dân trên mọi miền Tổ quốc đã cho thu hoạch, bán kiếm tiền, sắm Tết. Những hạt giống của Chính phủ mới ngày nào được những đoàn ô-tô tấp nập chở về hỗ trợ cho nông dân giờ đã phủ xanh trên những đồng lúa, nương ngô, góp phần làm dịu lại những mất mát đau thương do thiên tai gây ra vào cuối năm 2020 mà người dân phải gánh chịu. Người dân miền trung đã và đang vững vàng đứng dậy với những sáng tạo trong lao động, sản xuất làm cho các miền quê thêm rạo rực niềm vui, niềm tin yêu để vượt qua khó khăn, biến những khát vọng thành hiện thực, góp phần xây dựng các tỉnh miền trung thành vùng trọng điểm kinh tế, xã hội của đất nước.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/kinh-te/mua-xuan-dang-ve-that-gan--634319/