Tết xưa - tết nay của đồng bào Chăm

Đón tết cùng bà con người Chăm với những phong tục, tập quán độc đáo, thú vị xưa và những tiếp biến văn hóa hôm nay, chúng ta sẽ càng thấy yêu hơn những sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.

Nghi thức cầu mưa thuận gió hòa. Ảnh: CAO VĨ NHÁNH

Nghi thức cầu mưa thuận gió hòa. Ảnh: CAO VĨ NHÁNH

Tết xưa của đồng bào Chăm

Trong ký ức của ông Rơ O Thư ở xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa) ngày trước, khi mùa màng thu hoạch xong, bà con đồng bào Chăm bắt đầu vào mùa nghỉ ngơi và chuẩn bị tết của riêng mình. Các lễ hội của bà con dàn trải nhưng cũng rơi vào tết Nguyên đán của người Kinh.

Khi hạt lúa cuối cùng được đưa về kho thì tiếng cồng chiêng bắt đầu vang vọng khắp núi rừng, cả ngày lẫn đêm. Thời điểm ấy bắt đầu diễn ra lễ mừng lúa mới với ý nghĩa tôn vinh hạt lúa của Giàng ban cho dân làng và tết đổ đầu.

Theo ông Thư, tết lớn nhất của người Chăm phải kể đến là tết đổ đầu. Tết thường được tổ chức từ 25-30 tháng Chạp. Ai không kịp cúng đổ đầu sẽ bị xui cả năm. Mâm lễ thường là bánh trái, hoa quả, trầu cau, con gà trống luộc chín, nồi cơm gạo lúa mới, ché rượu cần thật ngon và các dụng cụ sản xuất như rìu, gùi, cuốc, nỏ... đặt ngay ngắn bên cạnh.

Người chủ lễ, thường là cụ cao niên uy tín trong làng vừa khấn vừa bốc một nắm gạo vãi lên mời Giàng về tiễn năm cũ mừng năm mới, cảm ơn Giàng giúp đỡ nên dân làng mới có mùa màng bội thu, được no cái bụng, được nhà mới khang trang, đuổi cái nghèo đi. Nắm gạo thứ hai vãi lên tứ phía mời thần núi, thần sông, mời ông bà, tổ tiên về cùng chứng giám.

Tiếp theo, người chủ lễ lấy chén rượu có pha sẵn tiết gà tươi đổ một vài giọt lên đầu, lên trán gia chủ và các thành viên trong gia đình với mong muốn cầu chúc năm mới mạnh khỏe, sau đó lại tiếp tục đổ đầu cho từng con bò, con heo trong chuồng, đổ đầu cho từng bậc thang, chóe rượu, từng cái cày, cái rựa đã cùng gia đình lên rẫy, giúp gia đình có được cuộc sống no đủ.

Ông lý giải: “Theo cách nghĩ của người Chăm, đây là cách tạ ơn Giàng, thần linh đã cho mình sáng cái đầu, mạnh đôi chân, khỏe đôi tay làm ra thật nhiều lúa gạo, của cải. Xong lễ, gia đình cùng với xóm làng quây quần bên nhau, mời nhau rượu cần, chuyện trò, chúc mừng kết quả lao động một năm đã qua”.

Mùa tết của người Chăm chỉ thật sự kết thúc bằng việc tổ chức lễ cúng sức khỏe cho những con vật nuôi trong gia đình. Trong tâm thức họ, vật nuôi trong nhà như những người bạn.

Về văn hóa ba ngày tết của người Chăm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng từng cho biết: “Trong tư duy ngày trước của bà con nơi đây, tối giao thừa họ thường chăm chú lắng nghe âm thanh của thú rừng để biết được năm đó vận mệnh của buôn làng như thế nào. Nếu là tiếng cọp gầm thì biết năm đó tốt, nghe có con nai bép thì năm đó xấu. Người Chăm đến nay vẫn lưu truyền phong tục giữ cho bếp lửa rực hồng trong đêm giao thừa. Trong niềm tin của bà con, thần lửa như người chăm lo cho sự sống gia đình, là vị thần may mắn luôn bảo vệ con người”.

Biểu hiện tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc

Khi mùa xuân bắt đầu ngấp nghé trước ngõ, chúng tôi về xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) tìm hiểu về cách thức ăn tết của người Chăm hiện nay thì rất may được gặp Mí Thanh, một người Chăm ở thôn Ma Gú. Chị nhiệt tình chia sẻ rằng khi công việc ruộng rẫy đã xong, cũng như bao bà con người Chăm khác, gia đình chị xúng xính đi chợ huyện để mua sắm vật dụng cần thiết.

Sau đó, tầm 25 tháng Chạp trở đi, mọi người ai cũng chạy đua với thời gian để hoàn tất những công việc cuối cùng chuẩn bị đón năm mới. Người thì lo sửa soạn, trang hoàng nhà cửa, người thì lo làm các loại bánh, các loại chả ăn tết. Gia đình khá giả thì làm con heo, gia đình kinh tế eo hẹp thì góp tiền cùng một số gia đình khác mua heo xẻ thịt chia nhau, làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên. Trong ba ngày tết, người lớn qua lại thăm hỏi, chúc tết, những đứa trẻ thì háo hức mặc những bộ đồ đẹp nhất đi chơi tết.

Mang theo trăn trở về những khác biệt trong cách thức đón tết xưa - tết nay của bà con Chăm, tôi đến gặp ông Ka Sô Lộc ở thôn Tân Hòa, xã Sơn Phước, một người khá am tường về văn hóa Chăm thì được ông lý giải rằng những năm gần đây, các lễ cúng đặc trưng của người Chăm mai một dần. Hiện nay, cộng đồng người Chăm ở Phú Yên hầu như đón tết Nguyên đán như người Kinh. Ông nhận định, đứng từ góc độ văn hóa, đây có thể xem là sự giao thoa văn hóa, biểu hiện của tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Như vậy có thể nói, tết trong tâm thức văn hóa của người Việt không chỉ để vui chơi, để ngơi nghỉ mà còn là lúc con người trở về với nguồn cội, trở về với những giá trị văn hóa truyền thống. Đón tết cùng bà con người Chăm với những phong tục, tập quán độc đáo, thú vị xưa và những tiếp biến văn hóa hôm nay, chúng ta sẽ càng thấy yêu hơn những sắc màu văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.

CAO VĨ NHÁNH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325454/tet-xua-tet-nay-cua-dong-bao-cham.html