Mức chi cho các hoạt động Dự án 8: Gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn

Trong nội dung 1 thuộc Dự án 8 có hoạt động triển khai 04 gói chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Mức chi cho các hoạt động triển khai này quy định tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính.

 Truyền thông nâng cao nhận thức và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế của Hội LHPN xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An).

Truyền thông nâng cao nhận thức và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế của Hội LHPN xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An).

1. Hoạt động đánh giá hiệu quả, tác động của gói chính sách tại các tỉnh có tỷ lệ sinh con tại nhà cao, địa bàn có những nhóm dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống, gồm xây dựng công cụ, khảo sát, hội thảo; tọa đàm và đánh giá/phỏng vấn sâu tại hộ gia đình; khảo sát thực tế tại hiện trường; xây dựng báo cáo đánh giá đề xuất gói chính sách khuyến khích sinh đẻ an toàn. Nội dung và mức chi cho các hoạt động tương ứng theo quy định tại các khoản 2, 7, 8 và 9 Điều 4 và Điều 54 của Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính.

2. Hỗ trợ theo phương thức khoán cho bà mẹ sinh đẻ an toàn và chăm sóc tại nhà sau sinh tại các tỉnh có đông người dân tộc thiểu số và có tỷ lệ sinh con tại nhà cao hơn mức trung bình của cả nước (không bao gồm các dịch vụ được thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế):

+ Hỗ trợ chi phí đi lại cho bà mẹ khi đến khám thai tại cơ sở y tế 4 lần trong suốt thai kỳ theo hướng dẫn của Bộ Y tế: 100.000 đồng/người/lần;

+ Hỗ trợ chi phí đi lại cho bà mẹ và 01 người nhà chăm sóc khi đến sinh con tại cơ sở y tế: 100.000 đồng/người;

+ Hỗ trợ gói vật tư chăm sóc khi sinh gồm bỉm sơ sinh, băng vệ sinh cho bà mẹ, tã lót, áo sơ sinh, mũ, bao tay, bao chân em bé, khăn lau bé, túi đo lượng máu mất lúc sinh: 500.000 đồng/gói/mẹ. Trường hợp sinh từ 02 em bé trở lên thì được hỗ trợ thêm từ em bé thứ hai là 300.000 đồng/gói/em bé;

+ Hỗ trợ tiền ăn cho bà mẹ và người chăm sóc: 50.000 đồng/ngày/người (tối đa 3 ngày đối với sinh thường và 5 ngày đối với sinh mổ);

+ Hỗ trợ 01 lần lương thực, dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con bú trong 6 tháng đầu sau sinh: 1.200.000 đồng;

3. Tuyên truyền, vận động phụ nữ đến sinh con tại cơ sở y tế, lồng ghép tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của gói hỗ trợ trong các chiến dịch truyền thông tại cơ sở và trong các buổi sinh hoạt tại chi hội, tổ phụ nữ. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính.

Hội viên, phụ nữ ở xã Hương Trà (Trà Bồng, Quảng Ngãi) ký cam kết hưởng ứng, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại cơ sở y tế. Ảnh: Hiền Thu

Hội viên, phụ nữ ở xã Hương Trà (Trà Bồng, Quảng Ngãi) ký cam kết hưởng ứng, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại cơ sở y tế. Ảnh: Hiền Thu

Trong Dự án 8, hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế thông qua tổ chức các chiến dịch truyền thông tại cơ sở và truyền thông gắn với các buổi sinh hoạt chi tổ phụ nữ. Theo chỉ tiêu tổng thể giai đoạn I: 2021 – 2025, hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận mức đặt chỉ tiêu 80% phụ nữ DTTS có tỷ lệ sinh con tại nhà cao được tuyên truyền, tư vấn, tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn.

Địa bàn triển khai gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn nêu trên là 12 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên. Đây là những địa bàn có đông người DTTS và có tỷ lệ sinh con tại nhà cao hơn mức trung bình của cả nước dựa trên kết quả Điều tra thực trạng kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2019 của Tổng cục thống kê.

Phong Sơn

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/muc-chi-cho-cac-hoat-dong-du-an-8-goi-ho-tro-sinh-de-an-toan-20240612222215734.htm