Mức đầu tư 15,97 triệu USD/km đường sắt Lào Cai - Hải Phòng 'tương đối hợp lý'
Theo Bộ trưởng GTVT, nếu trừ chi phí giải phóng mặt bằng và các chi phí khác, mức đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng khoảng 15,97 triệu USD/km là 'tương đối hợp lý' so với vùng, khu vực và đơn giá trong nước.
Chiều 15/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, quá trình xây dựng đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt đô thị cần ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp nội địa xây dựng đường, cầu và hầm; sản xuất đường ray và đóng toa xe.

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: QH
Theo ông, doanh nghiệp trong nước hiện nay sẵn sàng sản xuất đường ray và đóng toa xe. Ngoài ra, việc đặt hàng như vậy sẽ giúp tăng trưởng trong nước.
Vì vậy, đại biểu Cường đề nghị đưa vào nghị quyết là ưu tiên đặt hàng. Chính phủ cam kết doanh nghiệp trong nước có thị phần để mạnh dạn và yên tâm đầu tư, gắn với việc bắt buộc chuyển giao cho doanh nghiệp trong nước.
Đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) nhận định chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, thực sự cần thiết.
“Đây là tuyến giao thông quan trọng kết nối giao thương kinh tế giữa các vùng kinh tế của Việt Nam và quốc tế, mở ra cơ hội lớn để phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, tiết kiệm chi phí logistics, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước".
Với ý nghĩa đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại kỳ họp này, làm cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương sớm chỉ đạo triển khai thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ khởi công trước ngày 10/12/2025 theo lộ trình đề xuất của Chính phủ.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh cho biết, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được nghiên cứu, lựa chọn theo nguyên tắc tuyến ngắn nhất, thẳng nhất.
Theo ông, tổng mức đầu tư là 8,3 tỷ USD. "Nếu trừ chi phí giải phóng mặt bằng và các chi phí khác, mức đầu tư tuyến này khoảng 15,97 triệu USD/km”, ông Minh nói và cho rằng đây là mức "tương đối hợp lý" so với vùng, khu vực và đơn giá trong nước.

Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh.
Theo Bộ trưởng, thực tiễn làm dự án đường sắt tại Hà Nội, TPHCM phải mất 3-5 năm mới xong chủ trương đầu tư. Từ đó, ông cho rằng, Nghị quyết của Bộ Chính trị đưa ra từ nay đến năm 2035 Hà Nội và TPHCM phải thực hiện xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, như vậy không thể kịp.
“Đây là một thách thức, nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù rút ngắn thì không thể hoàn thành được. Bên cạnh đó, việc đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại 2 thành phố là rất cần thiết, nội dung các quy hoạch của thành phố đã đủ điều kiện xác định sơ bộ về quy mô, hướng tuyến cũng như thông số cơ bản của dự án, nguồn vốn”, ông Minh nói thêm.