Mức giảm trừ gia cảnh chờ thay đổi

Trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án nâng mức giảm trừ, trong đó phương án ưu tiên là tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên 15,5 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc lên 6,2 triệu đồng/tháng, áp dụng từ năm 2026.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) trong thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập thực tế của người dân.

Hiện mức giảm trừ gia cảnh áp dụng cho bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ này không còn phù hợp khi chi phí sinh hoạt, giá cả hàng hóa và thu nhập bình quân đầu người đã có nhiều biến động trong những năm gần đây.

Trong dự thảo, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án điều chỉnh mức GTGC.

Phương án 1, điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lũy kế từ năm 2020 - 2025, tăng khoảng 21,24%. Theo đó, mức GTGC cho bản thân người nộp thuế sẽ tăng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng, và cho người phụ thuộc là 5,3 triệu đồng/tháng.

Phương án 2, điều chỉnh theo tốc độ tăng thu nhập bình quân và GDP bình quân đầu người. Với phương án này, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế được đề xuất tăng lên 15,5 triệu đồng/tháng, và cho mỗi người phụ thuộc là 6,2 triệu đồng/tháng.

Bộ Tài chính cho biết, pháp luật thuế TNCN hiện hành quy định mức GTGC mang tính phổ quát, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, không phân biệt giữa đô thị và nông thôn hay theo thu nhập cao - thấp. Điều này cũng tương tự như thông lệ quốc tế, nhằm bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong thực thi chính sách thuế.

Ngoài ra, Luật thuế TNCN hiện hành cũng đã có những quy định hỗ trợ người lao động tại địa bàn khó khăn (trợ cấp khu vực, thu hút, chuyển vùng...) cũng như quy định giảm thuế cho cá nhân gặp thiên tai, tai nạn, bệnh hiểm nghèo.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh dự kiến được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026, sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua. Theo tính toán của Bộ Tài chính, chính sách này sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 12.000 tỷ đồng theo phương án 1, và 21.000 tỷ đồng theo phương án 2.

Để bù đắp số hụt thu trước mắt, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chính sách tài khóa theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy các động lực tăng trưởng GDP năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu 2 con số trong điều kiện thuận lợi hơn, qua đó tạo thêm nguồn thu cho NSNN.

Bà Vũ Thu Hà - Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam phân tích, việc Chính phủ dự kiến trình sửa toàn diện Luật Thuế TNCN ngay tại Kỳ họp thứ 10 tới đây, sớm hơn so với lộ trình trước đó, là một tín hiệu rất tích cực. Từ góc độ chuyên gia tư vấn thuế, tôi cho rằng động thái này thể hiện rõ sự chủ động lắng nghe và phản hồi kịp thời của Chính phủ trước những thay đổi về thu nhập, chi phí sống và kỳ vọng của người dân sau hơn một thập kỷ áp dụng luật hiện hành.

Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín đồng tình với đề xuất nâng mức GTGC của Bộ Tài chính, bởi trong bối cảnh hiện nay, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 và tác động của suy giảm kinh tế. Việc tăng mức GTGC sẽ giúp giảm áp lực tài chính cho người nộp thuế, nhất là người làm công ăn lương - nhóm đối tượng hiện nay đang chịu tác động rõ rệt nhất từ chi phí sinh hoạt tăng cao.

Người nộp thuế TNCN, đặc biệt là người làm công ăn lương - đã phải chịu “thiệt thòi” quá lâu. Mức giảm trừ gia cảnh hiện hành không còn phù hợp, vì thế, đề xuất tăng và tăng ở mức 15,5 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và khoảng 6,2 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc là cần thiết và hợp lý.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/muc-giam-tru-gia-canh-cho-thay-doi-10310996.html