Mức học phí phải chia sẻ với người dân
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thể, chia sẻ khó khăn với người dân.
Chiều 4/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 5. Buổi họp báo diễn ra sau phiên họp Chính phủ diễn ra vào sáng cùng ngày.
Điều chỉnh học phí phải phù hợp với tình hình địa phương
Trước câu hỏi về mức tăng học phí liệu đã phù hợp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết cơ quan này đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 81 quy định khung học phí của các cơ sở giáo dục công lập từ năm 2021-2022 trở đi.
Vào thời điểm chuẩn bị ban hành, dịch Covid-19 tương đối phức tạp, Bộ đã đề xuất và được giữ nguyên học phí năm học 2020-2021.
Về khung học phí đối với các năm học tiếp theo, đối với giáo dục phổ thông thì năm 2022 khung học phí đã đưa cụ thể trong Nghị định 81.
Từ các năm sau trở đi, HĐND các địa phương căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện kinh tế xã hội, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, đặc điểm của địa phương, khả năng đóng góp thực tế của người dân… để quyết định; mức này quy định không quá 7,5%/năm.
Theo lộ trình học phí dự kiến đến năm 2025 mới tính đủ chi phí cho cấp đại học, còn đối với giáo dục mầm non và phổ thông thì đến năm 2030 tính đủ chi phí.
Ông Sơn nhận định dù dịch Covid-19 đã đến thời gian trở lại bình thường, việc phục hồi kinh tế xã hội cần nhiều thời gian. Tại các địa phương còn nhiều gia đình khó khăn.
Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thể, chia sẻ khó khăn, khả năng đóng góp của người dân. Bộ cũng tăng cường thanh tra kiểm tra khoản thu học phí của các cơ sở giáo dục để đảm bảo tuyệt đối không xảy ra lạm thu đầu năm học.
Trong buổi họp sáng nay, Bộ cũng được giao tiếp tục nghiên cứu để xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí, đặc biệt nghiên cứu toàn diện tác động của việc tăng học phí tới các đối tượng khác nhau, nhất là đối với học sinh, sinh viên, gia đình khó khăn.
Trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ cần thiết. Cái này cần có đánh giá kỹ tác động đối với các bậc học khác nhau để có đề xuất phù hợp. Bộ cũng tiếp tục có những hướng dẫn để trong khung đó, các địa phương, các cơ sở đại học theo tình hình cụ thể có điều chỉnh cho phù hợp với từng trường, từng địa phương, khả năng chi trả của người dân, nhu cầu tổ chức dạy và học trong tình hình mới.
Các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ
Phát biểu mở đầu họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho hay các thành viên Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, các hoạt động kinh tế phục hồi mạnh mẽ, hầu hết lĩnh vực đều tăng so với tháng trước và cùng kỳ.
Bức tranh kinh tế - xã hội tháng 5 khác rất nhiều so với tháng trước và nhất là tháng 5/2021 - khi bắt đầu bùng phát đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
Chỉ số PMI sản xuất các ngành công nghiệp tháng 5 đạt 54,7 điểm (mức cao nhất trong vòng 13 tháng). Xuất khẩu 5 tháng tăng 16,3%, nhập khẩu tăng 14,9%, xuất siêu khoảng 516 triệu USD. Khách quốc tế tháng 5 gấp 12,8 lần cùng kỳ. Số doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường đạt khoảng 100.000, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui.
Theo đánh giá của Nikkei, Việt Nam tăng 48 bậc, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi Covid-19. Đặc biệt, S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định". Theo Chỉ số Chính phủ tốt năm 2022 do Viện Quản trị Chandler (Singapore) công bố Việt Nam tăng 18 bậc lên vị trí thứ 39 về chỉ số thu hút đầu tư.
Các hoạt động văn hóa, giải trí tiếp tục được trở lại bình thường, minh chứng là sự thành công của SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ông Sơn cũng đánh giá nền kinh tế còn gặp nhiều thách thức, thị trường chứng khoán, trái phiếu còn nhiều rủi ro, nợ xấu có xu hướng tăng...
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/muc-hoc-phi-phai-chia-se-voi-nguoi-dan-post1323567.html