Mức phí cao tốc do Nhà nước đầu tư phù hợp với khả năng chi trả của người dân
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, mức phí cao tốc do Nhà nước đầu tư thấp hơn mức phí các dự án cao tốc đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT), phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Chủ phương tiện được hưởng nhiều hơn mức phí phải đóng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 130/2024 quy định thu phí phương tiện lưu thông trên cao tốc thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
Theo đó 5 nhóm xe phải chịu phí, chia làm hai mức. Trong đó mức 1 áp dụng với cao tốc đã hoàn thành, đạt tiêu chuẩn; mức 2 với cao tốc chưa đạt chuẩn đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị phục vụ việc thu phí; các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông.
Lý giải về mức phí này, ông Đinh Cao Thắng, Trưởng phòng Tài chính, Cục Đường bộ VN cho biết: Mức thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí quản lý, tổ chức vận hành thu phí, bảo trì đường cao tốc. Đồng thời được tiếp cận trên cơ sở tính toán lợi ích của người sử dụng đường cao tốc.
Mức thu được xây dựng trên cơ sở pháp luật về phí và lệ phí và đã khấu trừ các loại thuế, phí đã thu liên quan, tránh thu phí trùng phí. Mức thu phải thấp hơn lợi ích người sử dụng đường cao tốc thụ hưởng.
Mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với các tuyến đường cao tốc đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc: tương đương với 70% lợi ích của người sử dụng nhận được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng từ 1.300 đồng/xe/km đến 1/500 đồng/xe/km).
Mức phí sử dụng đường cao tốc áp dụng đối với các tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày 1/1/2025 mà chưa đáp ứng đầy đủ quy định tại Luật Đường bộ: tương đương với 50% lợi ích của người sử dụng nhận được khi sử dụng đường cao tốc (khoảng 900 đồng/xe/km).
Nhấn mạnh mức phí trên được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở tính toán và phân tích lợi ích của của chủ phương tiện, ông Thắng cho rằng: So với đi trên quốc lộ song hành, phương tiện đi cao tốc sẽ tiết kiệm 25% chi phí vận hành và 75% thời gian vận chuyển.
Trong đó, xe khách từ 30 chỗ trở lên được hưởng lợi lớn nhất là 14.132 đồng/km; xe tải dưới 2 tấn hưởng lợi thấp nhất là 1.174 đồng/km so với chạy trên quốc lộ song hành. Lợi ích bình quân là 2.616 đồng/xe quy đổi (PCU) cho mỗi km.
"Thông lệ quốc tế cho thấy, người dân thường sẵn sàng chi trả mức phí tương đương 50-70% lợi ích thu được khi sử dụng cao tốc. Mức phí từ 1.300 - 5.200đồng/km đối với từng nhóm xe, tương đương 70% lợi ích đạt được khi sử dụng cao tốc", ông Thắng nói.
Nhà nước thu phí để bù đắp chi phí, không vì lợi nhuận
So sánh với mức phí các tuyến cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT, ông Thắng cho hay, mức phí cao tốc do Nhà nước đầu tư thấp hơn phí của doanh nghiệp BOT.
Trong số dự án do nhà nước đầu tư, cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mỹ Thuận - Cần Thơ có quy mô, tiêu chuẩn tương đương cao tốc do doanh nghiệp BOT đầu tư như Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Mức phí các dự án BOT đang áp dụng từ 1.700 - 6.400 đồng/km.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, mức phí cao tốc do Nhà nước đưa ra được tính toán trên nhiều yếu tố như: Đảm bảo hài hòa phân bố phương tiện giữa đường hiện hữu và đường cao tốc, theo các quy định về phí, lệ phí và đặc biệt là phù hợp với khả năng chi trả của người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Quyền, Nhà nước đầu tư cao tốc không phải chịu lãi suất vay ngân hàng. Quan trọng hơn, Nhà nước không tính lợi nhuận trong đầu tư. Mức phí cao tốc do nhà nước đầu tư được đưa ra thấp hơn mức phí đường cao tốc đầu tư theo hình thức BOT là phù hợp, không tác động nhiều đến chi phí vận tải của doanh nghiệp.
Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Đường bộ VN cho biết, mức phí đã được tính toán, phân tích kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Thái, Nhà nước thu phí cao tốc không phải vì lợi nhuận mà nhằm bù đắp chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, phương án tài chính của dự án và tái đầu tư phát triển các tuyến cao tốc mới. Mức thu đã được các cơ quan quản lý nghiên cứu thận trọng, tránh tác động đến chỉ số CPI và chi phí logistics.
12 cao tốc do Nhà nước đầu tư đã đưa vào khai thác dự kiến sẽ thu phí gồm: Kim Thành - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và Mỹ Thuận - Cần Thơ.