Mức thuế suất ưu đãi áp cho tất cả loại hình báo chí là bao nhiêu?
Nhằm thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, tại dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, mức thuế suất ưu đãi áp dụng đối với tất cả các loại hình báo chí là 10%.
Sáng 12-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
Trước khi bước vào phiên thảo luận, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: PHẠM THẮNG
Doanh nghiệp có quy mô nhỏ được ưu đãi thuế 15-17%
Một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo luật là quy định về thuế suất áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tính thống nhất với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Phan Văn Mãi, dự thảo Luật đưa ra các mức thuế ưu đãi cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ (mức 15%, 17%) về cơ bản dựa trên mức ưu đãi của Luật hiện hành áp dụng đối với doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư.
Cùng với việc được hưởng thuế suất ưu đãi, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ nếu đáp ứng các điều kiện về ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực thì cũng thuộc diện được áp dụng các chính sách ưu đãi này theo quy định của dự thảo Luật với các mức độ ưu đãi cao hơn.
Về tiêu chí áp dụng, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã quy định cụ thể. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm tới gần 94% tổng số doanh nghiệp hiện nay, nếu sử dụng để xác định đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thì dẫn đến tình trạng ưu đãi dàn trải, không hiệu quả.
“Vì vậy, dự thảo Luật chỉ sử dụng tiêu chí về doanh thu để bảo đảm sự đơn giản, thuận lợi và phù hợp với công tác quản lý thuế cũng như thông lệ chung của các nước” – theo giải trình của Ủy ban Kinh tế và Tài chính.
Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với đầu tư mở rộng, có ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo luật tiếp tục tạo ra hai chế độ thuế khác nhau trong cùng một cơ sở kinh doanh (giữa cấu phần của dự án ban đầu và cấu phần dự án đầu tư mở rộng) là bất cập trong quản lý và thực hiện.
Về vấn đề này, Thường vụ Quốc hội cho rằng trước mắt vẫn cần phải tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh trong trường hợp dự án chính đã hết thời hạn ưu đãi như đang được quy định hiện hành. Vì vậy, đối với các trường hợp dự án ban đầu đã hết thời gian hưởng ưu đãi, đề nghị cho giữ như tinh thần của dự thảo luật.
Ông Phan Văn Mãi cũng cho hay dự thảo luật cũng được chỉnh lý để bảo đảm mức ưu đãi được giữ như luật hiện hành. Cụ thể, các thu nhập tăng thêm từ dự án đầu tư mở rộng được miễn thuế, giảm thuế và không được hưởng ưu đãi về thuế suất để tránh cách hiểu khác nhau, bảo đảm sự rõ ràng trong thực hiện.

Các đại biểu tại phiên thảo luận sáng 12-5. Ảnh: PHẠM THẮNG
Doanh nghiệp nhận tài trợ để phát triển công nghệ không bị tính thuế
Đáng chú ý, nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã đề xuất bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp tặng tài trợ được trừ khoản tài trợ cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp nhận tài trợ được miễn thuế đối với khoản thu nhập này, không phân biệt các khoản tài trợ này là nhận được từ các doanh nghiệp độc lập bên ngoài hay là nhận được từ các doanh nghiệp có quan hệ liên kết.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cho biết có ý kiến lo ngại các khoản chi cho phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thường rất lớn, phạm vi rộng và hiện còn thiếu các quy định pháp luật cụ thể, việc định giá theo thị trường trong các lĩnh vực này là khó khả thi.
Do đó, quy định này tiềm ẩn rủi ro bị lợi dụng để thực hiện chuyển lợi nhuận, chuyển giá, trốn thuế khi giữa doanh nghiệp cho và doanh nghiệp nhận tài trợ là các bên có quan hệ liên kết.
“Ý kiến này đề nghị xem xét thận trọng và có thể trước mắt chưa nên áp dụng việc miễn thuế đối với một số ít các trường hợp mà giữa bên cho và bên nhận là các doanh nghiệp có quan hệ liên kết” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính thông tin.
Thường vụ Quốc hội cũng báo cáo Quốc hội xem xét, bổ sung quy định cho phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho mọi khoản tài trợ như đề xuất của Chính phủ. Cơ quan này đề nghị Chính phủ ban hành đầy đủ các quy định cần thiết và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu của việc chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận giữa các bên có quan hệ liên kết, tránh việc bị lợi dụng chính sách.
Liên quan đến chính sách ưu đãi, Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung nội dung cho phép doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế khoản chi phí bổ sung áp dụng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp; giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách này.
Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã bổ sung khoản tài trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; khoản chi cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp là khoản khi được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Liên quan đến ưu đãi thuế cho báo chí, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí.
“Mức này tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in” – ông Mãi nói và cho hay điều này nhằm thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị áp dụng một mức thuế là 10% cho tất cả các loại hình cơ quan báo chí, không phân biệt báo in hay các loại hình báo chí khác như dự thảo. Cụ thể là các cơ quan báo điện tử, truyền hình, phát thanh giảm mức thuế từ 20% xuống 15% và báo in thì giữ nguyên mức thuế là 10%.