TTC AgriS hợp tác cùng Bộ Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh số hóa nông nghiệp tuần hoàn
Hội nhập bền vững – số hóa đang là trục xoay chuyển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh đó, sự kiện TTC AgriS và Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ngày 10/5/2025 không chỉ là một dấu mốc mang tính biểu tượng, mà còn đặt ra kỳ vọng hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW bằng liên kết công – tư, dữ liệu – thực tiễn và nội lực – chính sách.

Hội nhập – bền vững – số hóa đang là trục xoay chuyển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong bối cảnh đó, sự kiện TTC AgriS và Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác ngày 10/5/2025 không chỉ là một dấu mốc mang tính biểu tượng, mà còn đặt ra kỳ vọng hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW bằng liên kết công – tư, dữ liệu – thực tiễn và nội lực – chính sách.


Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành cuối năm 2023, xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trong đó, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi toàn diện, từ phương thức canh tác đến quản trị chuỗi giá trị và tích hợp dữ liệu môi trường.
Để triển khai Nghị quyết, Bộ NN&MT cũng đã ban hành Kế hoạch hành động tại Quyết định số 503/QĐ-BNNMT, bao gồm năm nhóm giải pháp đột phá được xác lập gồm: hoàn thiện thể chế; tập trung vào các lĩnh vực công nghệ có tiềm năng; sắp xếp tổ chức nghiên cứu hiệu quả; phát triển nhân lực chất lượng cao; và thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&MT Đỗ Đức Duy, mục tiêu xuyên suốt là xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, tích hợp công nghệ cao và hướng tới phát thải ròng bằng 0. Nhưng để biến các định hướng đó thành thực tiễn, sự tham gia chủ động từ khu vực tư nhân là yếu tố then chốt.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 ngày 10/5 tại Bắc Ninh, TTC AgriS là doanh nghiệp duy nhất ký kết hợp tác toàn diện với Bộ NN&MT. Biên bản ghi nhớ này không chỉ có tính cam kết, mà còn xác lập một mô hình hợp tác công – tư cụ thể cho lĩnh vực nông nghiệp bền vững.
Theo nội dung hợp tác, TTC AgriS và Bộ NN&MT sẽ cùng triển khai bốn nhóm nội dung gồm: Một là, phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng công nghệ cao, hướng đến trung hòa phát thải ròng vào 2035, phù hợp cam kết tại COP26. Hai là, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu số trong lĩnh vực nông nghiệp – môi trường, kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Ba là, phát triển chuỗi giá trị và kết nối thị trường quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam. Bốn là, đào tạo và nâng cao năng lực số cho các chủ thể trong chuỗi nông nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ.
"Đây là một mô hình hợp tác hai chiều, không chỉ doanh nghiệp hưởng lợi từ cơ chế chính sách, mà Nhà nước cũng có thể tận dụng được dữ liệu, thực tiễn và năng lực triển khai của khu vực tư nhân", ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&MT nhận định.

Bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch AgriS trong phiên ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) phối hợp với Bộ NN&MT về triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Đối với TTC AgriS, việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Bộ NN&MT là một cột mốc quan trọng, khẳng định sự đồng hành và cam kết của AgriS trong việc triển khai Nghị quyết 57 và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt là mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2035.
Bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT TTC AgriS khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy tối đa năng lực và kinh nghiệm trong ứng dụng công nghệ cao để góp phần cùng Bộ NN&MT thúc đẩy sự phát triển đột phá cho tương lai cho ngành Nông nghiệp Việt Nam."
Dù Nghị quyết 57 đề cập mạnh mẽ đến vai trò của công nghệ và dữ liệu, nhưng trên thực tế, nhiều địa phương vẫn thiếu kết nối với doanh nghiệp – nơi nắm giữ dữ liệu thực địa và chuỗi cung ứng.
Việc TTC AgriS chủ động hợp tác với Bộ NN&MT tạo ra tiền lệ cho một mô hình hợp tác mới: chuyển đổi số không bắt đầu từ chính sách, mà từ điểm giao nhau giữa chính sách và năng lực triển khai thực tiễn. Một ví dụ cụ thể là cơ sở dữ liệu đất trồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong khi Bộ NN&MT đang xây dựng hệ thống bản đồ nông nghiệp quốc gia, TTC AgriS đã hoàn tất số hóa toàn bộ vùng nguyên liệu tại Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh.
Với hợp tác này, dữ liệu từ doanh nghiệp sẽ trở thành nguồn bổ sung cho cơ sở dữ liệu quốc gia, giúp rút ngắn thời gian và tăng độ chính xác cho việc phân tích chính sách. Trên thực tế, không phải cứ áp dụng AI, blockchain hay cảm biến nghĩa là chuyển đổi số. Vấn đề là cách dữ liệu vận hành và được kết nối với hệ thống ra quyết định của Nhà nước.


Ông Thái Văn Chuyện - Tổng giám đốc AgriS trình bày về về các tiềm lực nội tại của AgriS và kế hoạch hành động bám sát theo Nghị quyết 57-NQ/TW.
Sở hữu kinh nghiệm hơn 55 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, TTC AgriS (HoSE: SBT) là một trong những doanh nghiệp nội địa hiếm hoi xây dựng được hệ sinh thái nông nghiệp tích hợp, từ vùng nguyên liệu, sản xuất đến tiêu dùng. Riêng năm 2024, công ty xuất khẩu sản phẩm sang hơn 69 quốc gia, tập trung vào mía đường, dừa và thực phẩm chế biến.
Phát biểu tại hội nghị, ông Thái Văn Chuyện, Tổng giám đốc AgriS, nhấn mạnh rằng để chuyển đổi số không trở thành khẩu hiệu, doanh nghiệp cần nội lực vững và quyết tâm cao. "Chúng tôi đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng vào hệ sinh thái số nông nghiệp trong 5 năm qua, từ xây dựng trung tâm dữ liệu canh tác, ứng dụng công nghệ GIS, IoT, AI trong giám sát sản xuất đến truy xuất nguồn gốc thông qua blockchain", ông nói.
Tại vùng nguyên liệu mía đường Tây Ninh, công ty đã triển khai mô hình đồng bộ hóa dữ liệu thời tiết, đất đai, sinh trưởng cây trồng để tối ưu hóa lượng nước tưới và phân bón. Kết quả là năng suất bình quân tăng 15%, chi phí giảm gần 10%, và đặc biệt, lượng phát thải giảm đáng kể nhờ kiểm soát đầu vào.
Bên cạnh đó, ông Chuyện cũng chia sẻ kế hoạch hành động bám sát theo Nghị quyết 57-NQ/TW, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phát triển nông trường kiểu mẫu, đào tạo nhân lực và xây dựng hệ sinh thái số - từ vùng nguyên liệu đến bàn ăn. Đặc biệt tại các vùng sản xuất trọng điểm của ngành mía đường và dừa, hai ngành hàng Việt Nam có lợi thế, và còn rất nhiều dư địa để gia tăng giá trị.


TTC AgriS xây dựng khung ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) với 58 chỉ số, công bố minh bạch các chỉ số phát thải, nước sử dụng và chỉ số phát triển cộng đồng.
TTC AgriS là một doanh nghiệp đi đầu trong số hóa nông nghiệp và tích hợp ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp). Theo báo cáo thường niên 2024, doanh nghiệp đã xây dựng khung ESG với 58 chỉ số, công bố minh bạch các chỉ số phát thải, nước sử dụng và chỉ số phát triển cộng đồng.
"Chúng tôi xem ESG và chuyển đổi số không phải là gánh nặng, mà là năng lực cạnh tranh trong dài hạn", bà Đặng Huỳnh Ức My, Chủ tịch HĐQT TTC AgriS, khẳng định. Bà My cho biết, mục tiêu lớn nhất của doanh nghiệp là đạt trung hòa phát thải (Net Zero) vào năm 2035, sớm hơn 15 năm so với cam kết quốc gia tại COP26.
Tuy nhiên, để đạt được điều đó, cần môi trường thể chế thúc đẩy. Doanh nghiệp đã đề xuất một số chính sách cụ thể tại hội nghị như ưu đãi tín dụng xanh cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn; cơ chế đối tác dữ liệu công – tư; tích hợp dữ liệu doanh nghiệp vào hệ thống quản lý môi trường quốc gia.
Sự kiện ký kết giữa TTC AgriS và Bộ NN&MT được kỳ vọng không dừng ở một thỏa thuận song phương, mà có thể mở đường cho nhiều doanh nghiệp khác tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT (nay là Bộ NN&MT), hiện mới có khoảng 1,3% hợp tác xã và 6,5% doanh nghiệp nông nghiệp triển khai ứng dụng công nghệ số ở quy mô toàn diện.
Để giải quyết nút thắt này, cần một cơ chế "sandbox nông nghiệp" – nơi các doanh nghiệp có thể thử nghiệm công nghệ mới dưới sự bảo trợ chính sách của Nhà nước, đồng thời tạo hệ sinh thái mở về dữ liệu và liên kết vùng.
Mặt khác, cũng cần nhìn nhận lại cách Chính phủ “mua dịch vụ” từ khu vực tư nhân: dữ liệu, giải pháp và mô hình có thể được đặt hàng – không nhất thiết chỉ nằm trong các dự án đầu tư công truyền thống. Cách tiếp cận này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nội địa có sáng kiến bền vững và dám đi đầu.
Biên bản ghi nhớ giữa TTC AgriS và Bộ NN&MT có thể chỉ là một trong hàng loạt sự kiện triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW. Nhưng ẩn sau đó là thông điệp rõ ràng: chuyển đổi số không thể chỉ nằm trên giấy, và một nền nông nghiệp hiện đại không thể thiếu sự đồng hành từ khu vực tư nhân có năng lực thực thi.
Trong chặng đường sắp tới, để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero, nâng cao giá trị sản phẩm và đưa nông sản Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, Việt Nam cần nhiều hơn nữa những “AgriS” – không chỉ là nhà sản xuất, mà là đối tác chính sách, nhà cung cấp dữ liệu và đơn vị dẫn dắt chuyển đổi.
Ngọc Linh