Mùi chết chóc tràn ngập thủ đô Sudan
Một thanh niên 16 tuổi phải mất 3 ngày mới đi được vài km để đến bệnh viện trong bối cảnh giao tranh giữa các lực lượng tại thành phố Khartoum khiến con số thương vong tăng cao.
Di chuyển quanh đường phố của thủ đô Sudan giờ đây trở thành hành động nguy hiểm đến tính mạng.
Khartoum trở thành điểm nóng của một cuộc đọ súng dữ dội trên toàn thành phố trong tuần này. Cuộc đọ súng này cũng đã bao trùm phần lớn thành phố “song sinh” của nó bên kia sông Nile, Omdurman.
Một thiếu niên đã bị trúng đạn khi đang trên đường đi cầu nguyện lúc bình minh tại nhà thờ Hồi giáo ở Omdurman, theo Guardian.
Vào hôm 18/4, anh nằm trên giường bệnh, thể hiện rõ sự đau đớn bên cạnh người chú, Hamid Adam.
“Chúng tôi vẫn còn may mắn vì viên đạn bắn trúng thằng bé rồi đi xuyên qua phía bên kia bụng”, ông Adam nói.
Ông cho biết thêm đã có giao tranh ác liệt xung quanh cây cầu el-Halfayia nối hai thành phố.
“Bạn không thể tưởng tượng được mùi của người chết trên đường phố đâu”, ông kể lại.
Cháu trai của ông Adam đã chờ các bác sĩ quyết định xem khi nào thì được đưa vào phòng mổ. “Có thể vẫn còn mảnh đạn bên trong cơ thể thằng bé", ông nói.
Tình hình tồi tệ
Trong ngày thứ tư giao tranh nổ ra, cư dân Khartoum và Omdurman sợ hãi, nín thở lắng nghe tiếng súng, tiếng nổ lớn, với những chiếc máy bay quân sự gầm rú trên đầu. Cuộc tranh giành quyền lực vẫn tiếp tục diễn ra giữa quân đội và nhóm bán quân sự Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF).
Hai bên đã thông báo rằng họ sẽ duy trì lệnh ngừng bắn 24 giờ theo yêu cầu của ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken, nhưng các thành phố đã bị thiệt hại nặng nề. Một số bệnh viện phải đóng cửa sau khi trúng đạn pháo.
Là một trong những bệnh viện vẫn còn hoạt động, bệnh viện giảng dạy Omdurman đã tiếp nhận khoảng 300 trường hợp bị thương, chủ yếu đến từ Omdurman và phía bắc Khartoum. Số trường hợp từ Khartoum - trung tâm của cuộc giao tranh - ít hơn.
Một số người bị thương là chiến binh. Nhiều người không đến bệnh viện ngay mà về nhà thay đồng phục trước để tránh bị nhận diện là tham gia lực lượng giao tranh.
Một người đàn ông tham gia cuộc giao tranh, 23 tuổi, đã qua cơn nguy kịch sau khi bị bắn vào ngực và chân, nằm một mình trên giường bệnh.
“Gia đình tôi ở quá xa và họ không biết về hoàn cảnh của tôi. Tôi đã được đưa đến một bệnh viện khác, nhưng bệnh viện đó bị đóng cửa… hôm nay, họ đưa tôi đến đây”, anh nói.
Khalid el-Sir, giám đốc y tế tại bệnh viện, cho biết các nhân viên y tế thiếu oxy và đồ tiếp tế vì họ thường nhận chúng hàng ngày từ trung tâm thành phố Khartoum. Bây giờ, những cây cầu đã đóng cửa và không thể đi qua.
“Không thể lấy được bất cứ thứ gì”, ông nói, khi tiếng súng và đạn pháo vang lên bên ngoài. “Tình hình ở đây bây giờ thật tồi tệ. Kể từ hôm 15/4, chúng tôi đã nhận được hơn 300 trường hợp... 30 người chết vì vết thương. Một số vết thương ở ngực và đầu. Trong số đó có trẻ nhỏ và phụ nữ”.
El-Sir lo ngại đội ngũ nhân viên đang kiệt sức sẽ không thể tiếp tục làm công việc của họ.
“Chúng tôi thiếu nhân viên. Những người chúng tôi có ở đây đã kiệt sức - họ đã làm việc được 4 ngày và nhiều người trong số họ không gặp gia đình và con cái của mình kể từ trước khi giao tranh nổ ra”, ông cho hay. “Đến một lúc nào đó chúng tôi sẽ ngừng hoạt động trừ khi mọi thứ thay đổi”.
Bị bắn ngoài đường
Các bệnh viện gần trụ sở quân đội ở thủ đô Khartoum của Sudan là những cơ sở bị ảnh hưởng nặng nề nhất, theo BBC.
Chẳng hạn, các vụ đánh bom đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Bệnh viện Al-Shaab, khiến một tài xế xe cứu thương và 3 người khác bị thương.
Ibrahim Abbas, là một dân thường, bị bắn vào lưng và mất rất nhiều máu.
“Tôi đang đi xe máy ở Khartoum North thì thấy RSF bắn tôi. Tôi không biết là vô tình hay họ cố tình bắn”, anh kể lại.
Việc đi xung quanh Khartoum giờ đây nguy hiểm đến mức có báo cáo về các thi thể khắp thành phố. Nhà hoạt động chính trị Khalid al-Tageea, người bị bắn chết tại trường nghệ thuật của Đại học Khartoum, được chôn cất bên trong trường đại học nơi ông tốt nghiệp, sau khi gia đình không liên lạc được với ông.
Một số người vẫn ở lại trên đường phố Omdurman, một số mang theo hành lý và tuyệt vọng chạy trốn khỏi thành phố.
Ở khu vực an toàn nhất của Omdurman - những khu dân cư của tầng lớp lao động - người ta nhìn thấy trẻ em đội những chiếc đĩa lớn với bánh quy mới làm trên đầu. Những chiếc bánh được nướng ở các tiệm bánh công cộng gần đó, nhằm chuẩn bị cho lễ hội Eid vào tuần tới.
Những người khác trên đường phố là lực lượng tình báo mặc thường phục với súng được giấu kín.
Siddig Salih, một cư dân 50 tuổi ở Omdurman, đã ra ngoài tìm thuốc cho người mẹ mắc bệnh tiểu đường của mình.
Tất cả hiệu thuốc đều đóng cửa ở Omdurman, nhưng ông được thông báo rằng một hiệu thuốc vẫn có thể mở gần các tòa nhà đài phát thanh và truyền hình quốc gia - nơi xảy ra giao tranh ác liệt.
Ông nói rằng ông đã liên tục cầu nguyện trên đường đến hiệu thuốc đó.
“Tôi đến đó vì mẹ tôi đang bệnh nặng. Tại sao những vị tướng này lại làm điều đó với chúng tôi?”, ông nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mui-chet-choc-tran-ngap-thu-do-sudan-post1423426.html