Muốn hội nhập thành công, trước hết cần nâng 'sức khỏe' cho doanh nghiệp trong nước

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào chiều 4-6, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã đăng đàn trả lời chất vấn các vấn đề liên quan đến giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường.

Ngoài ra, còn có các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn…

Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Hàng Việt bị khởi kiện 247 vụ việc phòng vệ thương mại

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) cho biết, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các nước nhập khẩu khởi xướng các cuộc điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngặt nghèo.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về nội dung trên? Quan điểm và giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài? Tại thị trường Việt Nam, chúng ta đã và sẽ làm gì để bảo vệ doanh nghiệp trong nước?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, cho đến thời điểm này, hàng hóa của Việt Nam đã bị các đối tác khởi kiện là 247 vụ từ 24 thị trường trên thế giới.

Có nhiều nguyên nhân của vấn đề này, trong đó có việc Việt Nam đã tham gia chuỗi cung ứng khu vực, nên thường xuyên bị điều tra chung với các nước, chưa kể, một số quốc gia có xu hướng lạm dụng phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước quá mức cần thiết.

Bộ đã chủ động phối với với các bộ, ngành, địa phương, ngành hàng, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hiệu quả các vụ phòng vệ thương mại.

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại. Ảnh: quochoi.vn

Về các hiệp định FTA, Bộ trưởng cho biết, để hội nhập thành công, không phải là việc đo đếm số lượng các hiệp định đã ký mà là doanh nghiệp Việt Nam tham gia quá trình sản xuất, cung ứng toàn cầu được bao nhiêu?

Để nâng tỷ trọng khai thác hiệu quả các hiệp định doanh nghiệp trong nước, một mặt cần nâng “sức khỏe” doanh nghiệp trong nước. Mặt khác cần thu hút đầu tư nước ngoài; rà soát lại các cơ chế, chỉ ưu tiên thu hút đầu tư với các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao, ưu tiên các doanh nghiệp có cam kết lan tỏa.

Về vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản như các đại biểu quan tâm, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành tập trung hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu thực phẩm ở 3 cấp độ. Đồng thời Bộ cũng đang phối hợp với các bộ có liên quan triển khai phối hợp về hỗ trợ đăng ký bảo vệ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ra nước ngoài.

Cần cơ chế khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Về vấn đề chế biến nông, lâm, thủy sản, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết vai trò của cơ giới hóa nâng cao giá trị chế biến nông lâm thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn được khẳng định trong thực tế những năm vừa qua. Chúng ta đã thu được nhiều kết quả trong lĩnh vực này. Bộ cũng áp dụng nhiều giải pháp như ban hành nghị định về quản lý cụm công nghiệp; triển khai các chương trình ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ở các địa phương…

Công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm bước đầu phát triển, các dây chuyền thiết bị nông sản như cà phê, hạt điều do doanh nghiệp trong nước thiết kế, chế tạo cũng được sử dụng trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước, góp phần tăng giá trị xuất khẩu nông sản và giá trị tăng bình quân mỗi năm từ 8-10%.

Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương vào chiều 4-6. Ảnh: quochoi.vn

Quang cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương vào chiều 4-6. Ảnh: quochoi.vn

Đối với chất vấn về cơ chế khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thời gian qua Bộ đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản và đạt được kết quả cụ thể. Trong đó, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí đã khẳng định vai trò đầu tàu cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành như dệt may, da giày đạt tới 50% và cơ khí đạt hơn 30%...

Tuy nhiên, các chính sách ưu đãi còn rất nhiều hạn chế, như nguồn lực đầu tư của nhà nước, từ Trung ương đến địa phương vừa ít, vừa khó tiếp cận, chồng chéo với nhau, một số điều kiện hưởng ưu đãi còn khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận.

Chính sách thu hút FDI của chúng ta chưa ràng buộc, chưa khuyến khích để các doanh nghiệp FDI tăng tính lan tỏa cho doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm, chưa chủ động tìm hiểu nắm bắt thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Hơn nữa, lĩnh vực này cần trình độ công nghệ và kinh nghiệm nhất định; việc phổ biến tuyên truyền các chính sách ưu đãi đến cộng đồng doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; rào cản gia nhập thị trường khó khăn…

Bộ Công thương tiếp tục tham mưu hoàn thiện đồng bộ về chính sách, trong đó nghiên cứu xây dựng Luật phát triển công nghiệp trọng điểm bao gồm những ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến điện tử, hóa chất và năng lượng. Tăng cường phân bổ nguồn lực cả trung ương và địa phương để tập trung phát triển ngành này. Triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách trên phạm vi rộng và tăng cường chương trình hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam; đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng; hỗ trợ các doanh nghiệp và đặc biệt phát huy hiệu quả của các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành công thương…

Khắc phục “khoảng trống” về pháp lý trong quản lý thuốc lá điện tử

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) về trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc quản lý thị trường thuốc lá điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách quản lý chặt chẽ, có cơ chế quản lý rõ ràng đối với thuốc lá điện tử, khắc phục khoảng trống về pháp lý trong lĩnh vực này, tạo cơ sở để các ban ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, có căn cứ pháp luật; đồng thời tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương dành nguồn lực thỏa đáng để thực hiện hiệu quả Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, trong đó có thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng.

Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, đặc biệt đối với đối tượng yếu thế, trẻ em, học sinh, xem xét đưa vào chương trình giảng dạy tại nhà trường về tác hại của thuốc lá điện tử, những quy định cấm của pháp luật, các chế tài xử lý…

Hải Quân (ghi nhận)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202406/muon-hoi-nhap-thanh-cong-truoc-het-can-nang-suc-khoe-cho-doanh-nghiep-trong-nuoc-2074ac6/