Vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, leo vỉa hè, sử dụng điện thoại... là những vi phạm phổ biến của tài xế xe ôm công nghệ trên các tuyến đường Hà Nội.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng nay (10/12) cho thấy trên nhiều tuyến đường Thủ đô không khó để bắt gặp những tài xế xe ôm công nghệ các hãng như Grab, Be… vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều gây mất trật tự an toàn giao thông.
Nút giao Phạm Hùng đoạn gần Bến xe Mỹ Đình tài xế xe ôm công nghệ còn đưa xe lên vỉa hè di chuyển vào nhà chờ của xe buýt để làm điểm dừng đón khách.
Trường hợp tài xế vừa chở khách vừa sử dụng điện thoại trên đường diễn ra phổ biến.
Thậm chí, đoạn đối diện Bến xe Mỹ Đình còn xuất hiện tình trạng xe khách đi ngược chiều. Trong khi theo quy định, những trường hợp xe máy đi ngược chiều sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Trong trường hợp gây tai nạn, mức phạt có thể tăng lên từ 4-5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Xe ôm còn vô tư dừng đỗ dưới lòng đường ngay cạnh biển cấm.
Chị Nguyễn Nga (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Việc các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm giao thông tại Hà Nội diễn ra khá phổ biến, mới đây Hà Nội có dự thảo xe ôm phải có thẻ hành nghề là việc làm cần thiết để quản lý hoạt động này chặt chẽ hơn khi mỗi ngày có hàng nghìn xe ôm hoạt động trên đường. Song, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người hành nghề còn kém. Có nhiều lần xe ôm họ chở tôi nhưng bất chấp vi phạm giao thông ngay cả khi có chốt CSGT. Sau đó tôi có nhắc nhở thì họ chủ quan, nghề mưu sinh nên chắc sẽ được bỏ qua".
Nhiều điểm nóng giao thông hay xảy ra ùn tắc được cơ quan chức năng thiết lập biển cấm nhưng xe ôm vẫn vô tư coi đây là điểm dừng đỗ đón khách gây lộn xộn trên đường.
Ông Nguyễn Tuyển - Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, mục tiêu của việc cấp thẻ hành nghề với xe ôm nhằm đảm bảo trật tự ATGT, trật tự đô thị. Khi xe ôm có thẻ hành nghề, có sự nhận diện địa phương sẽ ưu tiên vị trí đón trả khách thay vì sự tùy tiện như hiện nay.
Xe ôm còn chở theo 2 người đều không đội mũ bảo hiểm.
Bên ngoài Bến xe Mỹ Đình hoạt động của xe ôm diễn ra nhộn nhịp.
Lối lên Vành đai 3 xuất hiện những tài xế xe ôm trực chờ đón khách gây mất ATGT.
Nút giao Phạm Văn Bạch - Hoàng Quán Chi có lắp đặt camera phạt nguội nhưng tình trạng vượt đèn đỏ của tài xế xe công nghệ vẫn diễn ra.
Đại diện Phòng CSGT - CA TP Hà Nội cho biết: "Việc xử lý vi phạm nhiều lúc gặp khó khăn do nhiều người chỉ mua và mặc áo các hãng gọi xe nhưng không đăng ký làm thành viên của hãng. Đối với tài xế vi phạm, ngoài xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp vi phạm nhiều lần chúng tôi sẽ gửi văn bản lên đơn vị chủ quản của tài xế để yêu cầu tạm khóa app hoặc khóa vĩnh viễn, tùy theo mức độ vi phạm. Chúng tôi sẽ có các biện pháp nghiệp vụ để xử lý nghiêm tất cả các trường hợp cố tình vi phạm, không chỉ riêng tài xế của các hãng công nghệ".
Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện nay, thành phố có tổng số 30 quận, huyện với 584 phường, xã, thị trấn, 839 đơn vị hành chính trực thuộc. Về phương tiện giao thông, Hà Nội hiện có 5,2 triệu xe máy, trên 1,2 triệu xe đạp, trên 11 nghìn xe đạp điện, xe máy điện (chưa kể số lượng khoảng 10-15% các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động). Trong khi đó, hoạt động của xe hai bánh chở khách và chở người phát triển rất sôi động tại Hà Nội nhưng thực tế có nhiều trường hợp vi phạm giao thông gây nhức nhối.