Muốn là thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở, thầy cô cần đáp ứng yêu cầu nào?
Thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở do Hội đồng Khoa học và Đào tạo đề cử, công khai. Người đứng đầu CSGD lựa chọn theo quy định và ra quyết định thành lập.
Theo kế hoạch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2025, ngày 15/5 là thời hạn cuối cùng để các Hội đồng Giáo sư cơ sở gửi hồ sơ thành lập hội đồng về Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Hồ sơ bao gồm: Quyết định thành lập hội đồng; kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký hội đồng; lý lịch khoa học của các thành viên; danh sách ứng viên đăng ký xét chức danh và lịch xét cụ thể của hội đồng.

Ảnh: Doãn Nhàn
Muốn làm thành viên Hội đồng Giáo sư cần đáp ứng tiêu chuẩn gì?
Việc thành lập và hoạt động của các Hội đồng Giáo sư cơ sở được thực hiện theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg) cùng với Thông tư số 04/2019/TT-BGDĐT ngày 28/3/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Giáo sư nhà nước, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở (gọi chung là Hội đồng Giáo sư).
Theo Điều 17 của Quyết định 37, thành viên các Hội đồng Giáo sư phải là giảng viên cơ hữu hoặc thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục đại học, hoặc các cơ sở thực hành thuộc nhóm ngành sức khỏe trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Các thành viên cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe, bao gồm: có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng; trung thực và có uy tín chuyên môn khoa học cao, thể hiện qua kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế hoặc nhà xuất bản có uy tín trong vòng 5 năm gần nhất.
Ngoài ra, họ phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ chuyên môn, giao tiếp tốt bằng tiếng Anh, có trách nhiệm trong công việc, đủ điều kiện sức khỏe và thời gian để đảm nhiệm nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước bắt buộc phải có chức danh Giáo sư, trong khi các hội đồng ngành, liên ngành và cơ sở yêu cầu thành viên phải có chức danh Giáo sư hoặc Phó Giáo sư, đồng thời đang tham gia đào tạo, bồi dưỡng và quản lý từ trình độ đại học trở lên.
Nguyên tắc làm việc của các Hội đồng Giáo sư
Các Hội đồng Giáo sư hoạt động trên cơ sở nguyên tắc tập thể, công khai và dân chủ, nhằm đảm bảo minh bạch và khách quan trong toàn bộ quy trình xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Theo quy định tại Điều 18, Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các phiên họp chỉ được tiến hành khi có ít nhất 3/4 tổng số thành viên của hội đồng tham dự. Trong mỗi kỳ xét, hội đồng chỉ bỏ phiếu một lần cho mỗi ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh.
Hoạt động của các Hội đồng Giáo sư Nhà nước, ngành và liên ngành được triển khai thông qua các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất. Các cuộc họp này có thể được triệu tập theo đề nghị của Chủ tịch hội đồng hoặc khi có trên một nửa tổng số thành viên đề xuất. Ngoài hình thức họp trực tiếp, các hội đồng cũng có thể họp qua mạng hoặc tiến hành lấy ý kiến bằng văn bản để phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Đáng chú ý, việc tổ chức họp lại để xét cho một ứng viên chỉ được phép thực hiện khi có văn bản chính thức của cơ quan có thẩm quyền kết luận rằng quá trình xét công nhận trước đó đã vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Hội đồng Giáo sư cơ sở: Từ 9-15 thành viên, nhiệm kỳ 1 năm
Ảnh minh họa: Phiên họp của Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Phenikaa năm 2024 (Nguồn ảnh: website nhà trường)
Theo Điều 12, Quyết định 37/2018/QĐ-TTg, việc tổ chức xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, minh bạch.
Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học quyết định thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở với 9-15 thành viên. Cơ sở có thể mời giáo sư, phó giáo sư trong và ngoài nước hoặc liên kết với cơ sở khác để đủ số lượng. Thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở do Hội đồng Khoa học và Đào tạo đề cử, công khai trên website, sau đó người đứng đầu lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn theo Điều 17 của Quyết định để ra quyết định thành lập hội đồng.
Sau khi thành lập, Hội đồng Giáo sư cơ sở họp phiên thứ nhất để bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký. Các chức danh này sẽ được bổ nhiệm chính thức bằng quyết định của người đứng đầu cơ sở. Nhiệm kỳ của Hội đồng Giáo sư cơ sở là 1 năm.
Về trình tự xét, Hội đồng Giáo sư cơ sở tiếp nhận và rà soát hồ sơ của ứng viên, phân công thành viên hoặc mời giáo sư, phó giáo sư thẩm định. Mỗi thành viên có trách nhiệm đánh giá tính pháp lý, độ chính xác và kết quả khoa học, đào tạo của ứng viên. Những ứng viên đủ điều kiện sẽ trình bày báo cáo khoa học tổng quan trước hội đồng. Hội đồng cũng tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ phục vụ chuyên môn của ứng viên.
Danh sách ứng viên đủ điều kiện được biểu quyết bằng phiếu tín nhiệm, mỗi ứng viên phải đạt ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ. Kết quả xét được công khai trên website của cơ sở ít nhất 15 ngày trước khi gửi lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Ứng viên xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cần trải qua 3 vòng xét duyệt: từ cấp cơ sở, đến hội đồng ngành, liên ngành và cuối cùng là cấp nhà nước.

Theo báo cáo của Văn phòng Hội đồng Giáo sư nhà nước, năm 2024, cả nước có tổng số 110 Hội đồng Giáo sư cơ sở được thành lập, với tổng số ứng viên đăng ký 1.033 ứng viên, gồm 93 ứng viên giáo sư, 940 ứng viên phó giáo sư.
Sau đó, có 725 ứng viên được các Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Đến vòng xét của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành, còn 630 ứng viên được đề xuất. Và ở vòng xét cuối cùng, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã thông qua 615 người, đạt tỷ lệ 98%, gồm 45 giáo sư và 570 phó giáo sư.